Thứ Năm, 24/05/2018 15:22

Xây cầu xe lửa Bình Lợi để thu giá... BOT đường sông!

Trong khi "trạm thu giá" đường bộ đang gây bão thì nhà đầu tư dự án xây cầu xe lửa qua cầu Bình Lợi cũng tiện thể "thu giá" đường sông, điều mà chuyên gia gọi là lập lờ "đánh lận con đen".

Cầu xe lửa Bình Lợi đang nâng tĩnh không và sẽ thu phí - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là việc đã được triển khai tại dự án thu giá BOT, thuật ngữ mới đang gây tranh cãi, tuyến đường thủy đầu tiên: xây cầu Bình Lợi mới thay cầu sắt Bình Lợi cho xe lửa Bắc - Nam lưu thông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Cúc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đô thị xanh (GUD), thay mặt liên danh nhà đầu tư GUD và STD (Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng STD) - nói:

- Theo kế hoạch, công trình xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi sẽ vận hành, khai thác vào quý 1-2019 và cải tạo luồng sông Sài Gòn sẽ vận hành, khai thác vào quý 2-2019.

* Nhiều người thắc mắc vì sao dự án xây dựng cầu xe lửa Bình Lợi lại thu phí các phương tiện thủy, thưa ông?

- Cầu đường sắt Bình Lợi cũ có tĩnh không thông thuyền là 1,8m. Các tàu bè có tải trọng từ 300 tấn trở xuống có thể qua lại bình thường khu vực cầu đường sắt Bình Lợi, nhưng các tàu bè tải trọng từ 300 tấn trở lên phải chờ khi thủy triều xuống mới có thể đi qua gầm cầu Bình Lợi.

Dự án của chúng tôi xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới có tĩnh không thông thuyền là 7m và cải tạo lại luồng sông Sài Gòn đảm bảo cấp II theo quy hoạch đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc, đảm bảo cho tàu bè từ 300 tấn trở lên có thể đi lại thuận tiện trên sông này mọi lúc.

Do vậy nên chúng tôi thu giá đối với các tàu bè có tải trọng từ 300 tấn trở lên đi từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương).

* Vậy phương án thu phí đường thủy sẽ được thực hiện thế nào và liệu có thu phí cả tàu thống nhất Bắc - Nam đi trên cầu?

- Sẽ căn cứ vào khoảng cách từ cầu Bình Lợi đến cầu Bến Súc để xác định số kilomet mà phương tiện đã đi qua trên từng cụm cảng, bến để tính giá và giá trị phải thu.

Nhà đầu tư sẽ cử cán bộ chuyên trách phối hợp với đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III các cảng, bến thủy nội địa để thực hiện công tác thu giá.

Các tàu bè chở hàng khi đi qua khu vực cầu đường sắt Bình Lợi đều phải ghé vào các cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Do đó các tàu bè chở hàng không vào 3 cảng nêu trên sẽ vào các bến thủy nội địa khác và sẽ được cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III giám sát thu giá. Riêng đối với tàu thống nhất Bắc - Nam sẽ không thực hiện thu giá.

* Liệu phương án thu phí có được công bằng và công khai minh bạch? Các tàu bè hộ gia đình có bị thu phí?

- Nhà đầu tư không tổ chức thu mà sẽ ký hợp đồng qua cơ quan nhà nước quản lý các cảng trên tuyến sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc để thu giá. Do vậy theo tôi đánh giá việc thu này sẽ đảm bảo tính minh bạch, chúng tôi chỉ giám sát việc thu.

Tất cả các tàu bè có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi qua cầu Bình Lợi sẽ thu giá.

* Có ý kiến cho rằng thu phí trên đường bộ đã khiến phí chồng phí, nay lại thêm thu phí đường thủy sẽ làm giá cả hàng hóa tăng. Ông suy nghĩ gì về việc này?

- Tôi nghĩ việc thu giá trên đường thủy sẽ không làm tăng giá cả hàng hóa, do chi phí vận chuyển bằng đường thủy rẻ hơn đường bộ.

Hiện hàng hóa từ các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương xuất khẩu đều đang phải vận chuyển bằng đường bộ về các cảng, các khu ICD ở TP.HCM.

Cầu đường sắt Bình Lợi hiện tại đang làm vận tải thủy (của luồng sông Sài Gòn giữa Bình Dương và TP.HCM) không phát huy được lợi thế, đặc biệt là vận chuyển container...

Chuyên gia giao thông PHẠM SANH: "Đánh lận con đen"?

Dự án có tên Xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn nhưng thực tế phần lớn kinh phí của dự án bỏ ra để làm cầu đường sắt Bình Lợi.

Theo tôi, việc thu phí đường sông các tàu bè qua cầu Bình Lợi để trả BOT cho dự án này là một cách "đánh lận con đen".

Phải tách bạch rõ ràng chi phí nạo vét luồng sông và chi phí xây cầu trong dự án này và chỉ nên thu phí các tàu trên sông để bù chi phí nạo vét luồng sông. Còn cầu đường sắt Bình Lợi thì phải do đường sắt bỏ chi phí ra làm chứ không thể bắt tàu thủy đi dưới sông trả.

Bên cạnh đó, cần xem lại tính khả thi của dự án bởi tàu lớn đi qua đoạn sông này không nhiều, và tuyến sông này của tỉnh Bình Dương cũng không có các cảng sông lớn. Các tàu thủy lớn đến Bình Dương chủ yếu qua các cảng trên sông Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành dự án, nếu tàu qua lại quá ít, thu phí không đủ, Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại, cũng là tiền thuế của dân.

K.YÊN ghi

NGỌC ẨN thực hiện

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam (24/05/2018)

>   Mua bản quyền World Cup là món hời hay khoản lỗ? (24/05/2018)

>   Nhờ giá rẻ, thị trường bất động sản Việt Nam trở thành nơi săn kho báu cho Hồng Kông và Trung Quốc (24/05/2018)

>   Go-Jek sắp đầu tư 500 triệu USD vào 4 thị trường mới, trong đó có Việt Nam (24/05/2018)

>   Danh mục và lộ trình thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ (23/05/2018)

>   Quốc hội sẵn sàng 'bấm nút' khai sinh 3 đặc khu kinh tế (23/05/2018)

>   Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước lộ rõ hình hài (23/05/2018)

>   Nói thẳng với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (23/05/2018)

>   Gia nhập CPTPP, Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu ôtô mới vào năm thứ 13 (23/05/2018)

>   Khi nào thương mại điện tử Việt Nam hết "đốt" tiền? (23/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật