Khi nào thương mại điện tử Việt Nam hết "đốt" tiền?
Mặc dù ghi nhận những khoản lỗ lớn nhưng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục được rót tiền để tồn tại, khi nào thì thực trạng này mới chấm dứt?
Với quy mô doanh thu lên đến 10 tỷ USD trong 4 năm tới, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được nhiều doanh nghiệp xem là thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực để đẩy mạnh đầu tư.
Nhiều đại gia "bơm" vốn
Trong báo cáo mới đây của Topica Founder Institute, TMĐT là một trong những nhân tố thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, riêng trong năm 2017 đã có 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực TMĐT với tổng giá trị 83 triệu USD.
Từng được đánh giá là startup "kỳ lân" của khu vực châu Á, startup SEA (tên cũ là Garena) đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư rót vốn vào các startup Việt trong năm 2017.
Theo báo cáo này, SEA đã chi ra 64 triệu USD để mua lại 82% cổ phần của Foody, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn.
CyberAgent Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Nhật Bản tiếp tục là một trong những quỹ hoạt động tích cực ở Việt Nam. Trong năm 2017, quỹ này đã thực hiện 4 thương vụ đầu tư thành công vào các dự án bao gồm Foody, CleverAds, Tiki, và Vexere.
Ngoài ra, Telenor, một tập đoàn viễn thông đến từ Na Uy thâu tóm 701Search, đơn vị sở hữu Chotot.vn với giá trị lên tới 109 triệu USD.
Một đơn vị TMĐT khác là Tiki cũng đã nhận khoản vốn đầu tư vòng Series C lên tới 54 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com và STC Investment. Dù cả phía Tiki và JD đều không tiết lộ con số cụ thể của thương vụ, báo chí địa phương đã đồn đoán rằng Tiki nhận được khoản đầu tư trị giá gần 1.000 tỷ VND (44,04 triệu USD) từ JD.com.
Chia sẻ về khoản đầu tư này, ông Winston Cheng, Chủ tịch của JD.com từng cho biết trong một tuyên bố hồi đầu năm nay rằng rất vui mừng khi tiếp tục hành trình mở rộng tại Đông Nam Á khi hợp tác với Tiki, một công ty có am hiểu sâu sắc về Việt Nam và có danh tiếng về dịch vụ khách hàng nổi bật. JD và Tiki cùng chia sẻ chung một triết lý kinh doanh, đó là giành được thị phần bằng cách chiếm được cảm tình của khách hàng.
Vì sao lỗ vẫn "miệt mài" rót vốn?
Sau 2 năm (2016 - 2017) trang thương mại điện tử Tiki đã "đốt" 322 tỷ đồng.
|
Màu mỡ nên thu hút đầu tư, tuy nhiên "cuộc chiến" khốc liệt của thị trường TMĐT khiến thực trạng rót vốn - thua lỗ - rót vốn để tồn tại không biết khi nào mới chấm dứt.
Đơn cử như Tiki, từ báo cáo thường niên của VNG về các khoản lỗ ở các công ty liên kết cho thấy năm 2017, Tiki lỗ khoảng 282 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền Tiki báo lỗ 40 tỷ đồng năm 2016, sau 2 năm trang thương mại điện tử này đã "đốt" 322 tỷ đồng.
Tiki nằm trong nhóm những trang thương mại điện tử có thị phần lớn hiện nay tại Việt Nam, cùng với những cái tên khác như Lazada, Shopee. Từ một trang chỉ bán sách tiếng Anh năm 2010, Tiki nhận các khoản đầu tư khác nhau sau đó nhận hơn 380 tỷ đồng từ VNG vào năm 2016 sau khi mở rộng ngành nghề sang bán hàng điện tử, thời trang, và nhiều thứ khác. Kể từ thời điểm VNG rót tiền, Tiki liên tục báo lỗ, và có lẽ công ty khởi nghiệp này sau 8 năm vẫn chưa có lợi nhuận.
Giống với Tiki, những cái tên như Lazada hay Shopee cũng được cho là chưa có lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, Lazada và Tiki vẫn đang được các nhà đầu tư đổ thêm tiền để… lỗ.
Động thái rót tiền vào Tiki của JD.com diễn ra sau khi Alibaba - đối thủ số một của JD.com tại Trung Quốc - đổ tiền vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, một số dự án được đầu tư cũng đã phải đóng cửa như Beyeu, Deca, Lingo hay Foodpanda,...
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn không ngừng "bơm tiền" vào thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam. Điều hiển nhiên rằng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng liên tục hai con số, có những dự báo lạc quan cho thấy quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Dân số trẻ, tỷ lệ dùng smartphone và Internet cao khiến các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan vào thị trường này.
Dù thế, mua bán hàng qua mạng vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng, tỷ trọng mua hàng online so với quy mô thương mại nói chung vẫn rất nhỏ, do đó những trang thương mại điện tử lớn vẫn phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để thu hút khách hàng.
Mở rộng mặt hàng, giảm giá, khuyến mãi, chi phí giao nhận, kho bãi, chăm sóc khách hàng,.. chính là những thứ sẽ đốt tiền của các nhà đầu tư trước khi doanh thu đủ lớn, hệ sinh thái đủ mạnh để chi phí giảm, tạo lợi nhuận. Chính vì những lý do này, các trang thương mại điện tử lớn vẫn tiếp tục chấp nhận lỗ cho đến khi thói quen tiêu dùng trên mạng đủ lớn. Và cho tới lúc đó, ai "mạnh" sẽ đi tiếp còn ai "yếu" sẽ dừng cuộc chơi. Đó là quy luật của thị trường TMĐT.
Tiến Minh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|