Thứ Ba, 22/05/2018 21:44

Trạm thu của nhà nước thì trả phí, trạm tư nhân thì trả giá?

Vậy là bây giờ, khi đi xe qua đoạn đường có trạm thu do nhà nước đầu tư thì là bạn "trả phí", còn qua trạm BOT của tư nhân thì bạn đang "trả giá".

Trạm thu giá BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân) đưa vào thử nghiệm hệ thống thu phí tự động, dự kiến đến tháng 7-2018 hoạt động chính thức - Ảnh: LÊ ĐẠT

Cộng đồng đang sốt lên với các trạm thu giá, gọi đó là một cách lách luật vì cũng đều là thu cả. Và liệu trạm thu giá có bóp méo tiếng Việt?

Câu hỏi đầu tiên là vì sao trạm thu phí bỗng biến thành trạm thu giá sau một đêm?

Câu trả lời là nằm trong hai đạo luật, một là Luật Phí và Lệ phí, hai là Luật Giá. Vậy phí là gì? Lệ phí là cái chi chi? Và có khác gì Giá?

Khái niệm Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.

Còn lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Như vậy, cả hai loại này, Phí và Lệ phí đều liên quan đến một khoản tiền chi trả cho dịch vụ công, của Nhà nước. Trong khi đó, những khoản phí phải trả không cho dịch vụ công, đấy lại là giá.

Nói điều đó để thấy câu chuyện giữa các trạm thu phí sau một đêm bỗng đổi thành trạm thu giá là có cái lý và cơ sở của luật như vậy. Theo đó thì Bộ Giao thông - Vận tải đã làm đúng quy trình, quy định.

Trước đây, đường sá, cầu cống được Nhà nước đầu tư xây dựng, để hoàn vốn, nhà nước đặt trạm thu, gọi là trạm thu phí.

Sau này, hàng loạt cầu đường được tư nhân làm, dưới hình thức BOT hay BT, thì bỗng dưng không thuộc quản lý công, không phải dịch vụ công, vì thế không thể gọi là phí cầu, phí đường, gọi là phí đường bộ trong mục các loại phí giao thông vận tải được, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Vậy là, phạm vi của các cung đường hay cầu này, về mặt thu tiền, lại thuộc về Luật Giá, có hiệu lực từ 1-1-2013. Số tiền sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư tư nhân lúc này được gọi là Giá dịch vụ đường bộ, không thuộc loại Nhà nước phải ấn định, mà thẩm quyền này thuộc Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

Đấy là Luật, không phải là sự lập lờ đánh lận con đen chuyển từ phí (bị quản lý) sang giá (không bị quản lý).

Nhưng còn về ngôn ngữ, gọi trạm thu giá liệu có ổn?

Thử nhìn sang lĩnh vực y tế, sức khỏe. Khi một người bệnh đến khám và chữa bệnh tại một bệnh viện, thì người đó đang sử dụng dịch vụ của bệnh viện, và phải trả phí khám bệnh, chữa bệnh, gọi là Viện phí.

Nhưng như đã nói, phí và lệ phí là dùng cho các dịch vụ công, do nhà nước quản lý, vậy bệnh nhân đến bệnh viện tư, vốn khá nhiều ở Việt Nam lâu nay, nếu chiếu theo cách làm của Bộ giao thông - Vận tải thì phải gọi là Viện giá mới đúng.

Chưa thấy các bệnh viện tư nhân ở Việt Nam gọi viện giá thay cho viện phí như kiểu trạm thu giá thay cho trạm thu phí ở Việt Nam.

Trong tiếng Việt cũng chưa thấy từ điển ghi trạm thu giá, vậy phải chăng là cụm từ này sai?

Không hẳn! Trong ngôn ngữ luôn có chỗ trống cho các từ tiềm năng, cụm từ tiềm năng được hình thành và sử dụng. Từ tiềm năng là những từ chưa xuất hiện trong cuộc sống, chưa hình thành nhưng trong tương lai có khả năng được tạo thành. Ở đây, trước xét về lý, Bộ Giao thông - vận tải đã không sai.

Nay nói về tình, ở khía cạnh ngôn ngữ, cũng có thể đúng, vì bản chất của ngôn ngữ có tính võ đoán; vấn đề của ngôn ngữ là có được chấp nhận và sử dụng hay không mà thôi.

Vậy là, bây giờ, cùng số tiền 40.000 đồng phải trả, khi đi qua đoạn đường có trạm thu do nhà nước đầu tư thì là bạn "trả phí", còn qua trạm BOT của tư nhân thì bạn đang "trả giá".

Vấn đề là dịch vụ công do nhà nước ấn định, còn dịch vụ tư của BOT đường bộ là thuộc "Giá hiệp thương". Khổ là các BOT từ đường tránh đến đường vá nằm trên các con đường độc đạo, tạo ra sự độc quyền, nên chẳng thể "hiệp thương"giá được, mà đành chịu. 

HOÀNG PHI

TTO

Các tin tức khác

>   Kiến nghị gia hạn khoản vay vốn tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (22/05/2018)

>   Tiền Giang bán đấu giá khách sạn 'khủng' của công ty xổ số (22/05/2018)

>   Bộ trưởng Tài chính 'băn khoăn' về kiến nghị giảm hàng trăm năm thu phí BOT (22/05/2018)

>   Lao đao giấc mơ xuất khẩu tôm 10 tỉ USD (22/05/2018)

>   Unilever, Masan Consumer và Vinamilk là 3 thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất trong 6 năm liền (22/05/2018)

>   Đầu tư đặc khu kinh tế là 'sự đặt cược lớn' (22/05/2018)

>   'Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản' (22/05/2018)

>   12 dự án yếu kém gánh thêm 3.440 tỷ đồng nợ sau một năm (22/05/2018)

>   Chính phủ 'phản biện' nhận định kinh tế 2017 phụ thuộc dầu, than (22/05/2018)

>   Thức ăn nhanh là ngành hàng đang lên ngôi tại Việt Nam (22/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật