Dự thảo luật đặc khu có gì khác kỳ họp trước?
So với dự thảo trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, luật đặc khu đã có nhiều chỉnh sửa về tên gọi, ngành nghề ưu tiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Sáng 23/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tới Quốc hội trước khi thảo luận.
Theo đó, sau khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để hoàn thiện và chỉnh sửa một số vấn đề của dự thảo Luật.
Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư
Về ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu, có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các ngành, nghề ưu tiên phát triển mà chỉ quy định định hướng, thế mạnh của từng đặc khu. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại từng đặc khu cần được quy định rõ trong dự thảo luật thể hiện sự minh bạch, ổn định và nhất quán về cơ chế, chính sách phát triển đặc khu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư.
Một số ngành, nghề được định hướng ưu tiên phát triển ở cả 3 đặc khu là cần thiết nhưng cũng cần bảo đảm nguyên tắc tránh dàn trải, ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm để phát huy lợi thế của từng đặc khu.
Tuy nhiên, dự thảo luật cũng đã bổ sung ngành, nghề: dịch vụ tài chính và logistics đối với đặc khu Vân Đồn. Bổ sung ngành sản xuất sản phẩm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hải dương, hàng hải, sinh học và sinh thái biển đối với đặc khu Bắc Vân Phong.
Muốn làm casino phải có quy mô vốn 45.000 tỷ đồng
Tại kỳ họp trước, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án khu phức hợp có casino bảo đảm tương đương 2 tỷ USD; dự án cảng hàng không quốc tế là 5.000 tỷ đồng; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế là 3.000 tỷ đồng. Các ĐBQH cho rằng quy mô vốn đầu tư như vậy là thấp.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, điều chỉnh quy mô vốn đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino lên 45.000 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng hàng không quốc tế lên 6.000 tỷ đồng cho phù hợp với thực tiễn.
Đối với quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế, sau khi cân nhắc, tham khảo số liệu về suất đầu tư và quy mô vốn thực tế của các dự án cùng loại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên.
Giao đất 99 năm do Thủ tướng cân nhắc thận trọng
Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, kỳ họp trước có nhiều ĐBQH đề nghị cân nhắc về các loại dự án được áp dụng thời hạn sử dụng đất đến 99 năm. Có đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu cần thể hiện tính vượt trội so với quy định đang áp dụng đối với các khu kinh tế trong nước cũng như một số đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư.
Trường hợp giao đất tới 99 năm tại đặc khu là do Thủ tướng quyết định. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Theo đó, pháp luật hiện hành về đất đai quy định thời hạn sử dụng đất tối đa để sản xuất kinh doanh trong khu kinh tế là 70 năm. Tại một số đặc khu kinh tế như ở Thái Lan, Malaysia, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dubai (Khu tự do Jebel Ali), thời hạn sử dụng đất là 99 năm.
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến các vị ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: Thứ nhất, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư.
Thứ hai, trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có). Thủ tướng sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.
Tổ chức bộ máy có cả HĐND và UBND
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu. Qua thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với phương án 1; một số ý kiến tán thành với hương án 2; một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của 2 phương án.
Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, phân tích kỹ các ưu điểm và hạn chế của từng phương án. Ngoài ra chỉnh lý theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả 2 phương án.
Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) đặc khu và Ủy ban nhân dân (UBND) đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.
HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức Thường trực HĐND và các ban của HĐND; HĐND đặc khu có chủ tịch và một phó chủ tịch HĐND; kết quả bầu Chủ tịch HĐND đặc khu phải được UBTVQH phê chuẩn.
UBND đặc khu chỉ bao gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch. Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu.
Bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đặc khu (không quá 7 cơ quan) và Trung tâm hành chính công đặc khu.
Thay đổi tên gọi
Tại kỳ họp thứ 4, một số ý kiến đề nghị xây dựng luật để quy định nguyên tắc và khung chính sách áp dụng chung đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sau đó Quốc hội sẽ quy định cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Cũng có ý kiến đề nghị sửa cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” theo hướng ngắn gọn, súc tích…
Tên gọi của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được thay đổi theo hướng tinh gọn, dễ hiểu. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án luật phức tạp với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá, khác với pháp luật hiện hành. Việc xây dựng luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng chung cho 3 đơn vị Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Tuy nhiên trong luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị; các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội riêng.
Trên cơ sở các quan điểm và nguyên tắc nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đổi tên thành: “Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”; trong các quy định cụ thể của dự thảo luật, cụm từ “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” được gọi tắt là “đặc khu” để bảo đảm ngắn gọn và thuận tiện trong thực hiện.
Hiếu Công
Zing
|