Parkson đã hết thời?
Parkson đã kéo dài chuỗi thua lỗ lên 21 tháng liên tiếp tại Việt Nam, khiến hãng này phải đóng cửa một số chuỗi cửa hàng trong thời gian qua.
Đóng cửa Parkson Keangnam đã khiến nhiều tiểu thương thua lỗ lớn.
|
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của Parkson Retail Asia, công ty này đã bước sang quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ tại Việt Nam, cho dù đã lần lượt đóng cửa 4 trung tâm thương mại đình đám, gồm Parkson Keangnam vào tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016, Parkson Viet Tower tháng 12/2016 và mới đây là Parkson Flemington tháng 2/2018.
Với việc đóng cửa hàng loạt các trung tâm thương mại, doanh thu Parkson tiếp tục giảm sâu, xuống chỉ còn khoảng 111 tỷ đồng trong quý I/2018 và chịu lỗ khoảng 24 tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 quý của niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và chịu lỗ khoảng 50 tỷ đồng.
Theo Parkson, doanh số của cùng một cửa hàng trong kỳ vừa qua cũng giảm tới 9,8% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường xuất hiện thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài với các chiến dịch quảng bá, chiết khấu rầm rộ khiến Parkson không thể cạnh tranh.
Cổ phiếu của Parkson trên sàn chứng khoán Singapore trong một năm trở lại đây cũng biến động theo chiều hướng giảm giá dần và đang ở mức khoảng 0,07 USD/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt 46,73 triệu USD, giảm khoảng 40% trong một năm qua.
Theo thống kê của Reuters, tăng trưởng doanh thu trung bình 5 năm gần nhất của Parkson Retail Group là -0,98%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành là 11,24%.
Theo các chuyên gia, việc Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến chuỗi siêu thị này lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm, đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim.
Ông Nicholas Bradstreet, Giám đốc bộ phận cho thuê của Savills Hong Kong cho biết, hiện tại ngành bán lẻ châu Á đang thay đổi chóng mặt; muốn sống tốt, các chủ trung tâm thương mại phải biết ‘kết nạp’ thêm nhiều cửa hàng/trung tâm ngoài ngành may mặc, như ẩm thực, sức khoẻ, giải trí…
Đặc biệt, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.
Còn nhớ, cách đây khoảng 13 năm, các trung tâm thương mại mang thương hiệu Parkson chính là điểm đến thể hiện sự sành điệu của nhiều người tại thành phố lớn. Nhưng hiện chúng đang dần phải đóng cửa, một trong những lý do quan trọng là do Parkson phản ứng quá chậm trước sự thay đổi của thời cuộc, nhất là trong mảng bán lẻ.
Khách hàng bây giờ đã thay đổi, không còn giống trước kia, họ có ít thời gian hơn nhưng mong đợi cao hơn, muốn được kết nối mọi lúc mọi nơi, muốn được trao quyền nhiều hơn và được giải trí nhiều hơn.
"Hãy mang nhiều hơn các cửa hàng thức ăn và thức uống vào các trung tâm thương mại. Kèm theo đó là rạp chiếu phim, quá cà phê ca nhạc, sân khấu kịch nói, phòng triển lãm, thư viện… phục vụ cho việc giải trí", lãnh đạo Savills Hong Kong khẳng định.
Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ chi phí ngày càng lớn và miếng bánh thị trường buộc phải "chia năm xẻ bảy" cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.
Nguyễn Long
Diễn đàn doanh nghiệp
|