Năng suất lao động Việt Nam trong nhóm thấp nhất Đông Bắc Á và ASEAN
Năng suất lao động bình quân của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể trong một thập niên qua.
Công nhân May Nhà Bè. Ảnh: Quý Hòa
|
Cụ thể, tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017, song vẫn nằm ở mức thấp trong khu vực Đông Bắc Á và ASEAN. Công bố trên được đưa ra bởi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, do Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp thực hiện.
Thấp hơn ở hầu hết tất cả các nhóm ngành
Theo kết quả khảo sát, tới năm 2015, năng suất lao động (NSLĐ) của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên, đặc biệt là ở các ngành “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “vận tải, kho bãi, truyền thông”. Để cải thiện NSLĐ của Việt Nam, cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng TFP, nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến. Một số nhóm ngành, đặc biệt là “Công nghiệp, chế biến chế tạo” và Dịch vụ cần được chú trọng hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi công nghệ nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) PGS.TS Nguyễn Đức Thành (thành viên nhóm tác giả báo cáo) cho biết, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Tính trung bình giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành “khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí”, “hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm”, “hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ”, “Hoạt động kinh doanh bất động sản”, “cung cấp nước”. “công nghiệp chế biến chế tạo” có NSLĐ chưa cao và ngành “nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.
Đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), NSLĐ của Việt Nam thấp nhất trong các nước so sánh, kể cả Campuchia, ở ba ngành “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng”, “vận tải, kho bãi, truyền thông”.
“Các ngành lõi của nền kinh tế Việt Nam có năng suất lao động thấp nhất, đây là điều rất đáng lo ngại”, ông Thành nhấn mạnh. Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam xếp gần cuối, chỉ cao hơn Campuchia ở các nhóm ngành, “nông nghiệp,” “điện, nước, khí đốt”, “bán buôn, bán lẻ, sửa chữa”. Ngược lại, Việt Nam có NSLĐ cao hơn một số nước trong ba nhóm ngành, “khai mỏ và khai khoáng”, “tài chính, bất động sản và dịch vụ văn phòng”, “dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân”.
Theo các chuyên gia, để tăng NSLĐ, cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động trong nhóm ngành Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo việc lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có NSLĐ thấp (nông nghiệp) sang nhóm ngành có NSLĐ cao hơn (công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ) có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.
Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao NSLĐ trong các ngành. “Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về NSLĐ nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện NSLĐ của các ngành kinh tế”, ông Thành nhận định.
Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động
Đặc biệt, cũng theo báo cáo, một điều đáng lo ngại là tốc độ tăng lương trung bình năm (6,7%) vẫn vượt quá tốc độ tăng NSLĐ (5%) trong giai đoạn 2004-2015 (nhất là sau năm 2009).
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô
|
Theo loại hình sở hữu, tăng trưởng tiền lương đã vượt mức tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI, nhưng thấp hơn mức tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp nhà nước. Đối với doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng lương trung bình khá sát với mức tăng năng suất lao động. Theo quy mô doanh nghiệp thì lương trung bình tăng nhanh hơn năng suất lao động trên tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp. (Lưu ý là lương trung bình gồm tất cả các khoản lương, phục cấp, thưởng và chi trả an sinh xã hội. Năng suất lao động không tính đến lợi nhuận từ tài chính và lợi nhuận khác).
Đánh giá tác động, các tác giả báo cáo cho rằng việc tăng lương tối thiểu nhìn chung dẫn đến tăng lương trung bình và giảm việc làm cũng như giảm tỷ suất lợi nhuận. Dù rằng những ảnh hưởng này có khác biệt đáng kể giữa các thành phần kinh tế.
Nói chung, khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ, và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư vào trang thiết bị, cho thấy có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư…
Khi báo cáo, Viện trưởng Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnh, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích luỹ tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.
Theo các chuyên gia “Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kết hoạch trung và dài hạn. Theo các chuyên gia, “Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn”.
“Việc tiền lương tăng nhanh hơn tăng trưởng năng suất lao động nhìn chung làm giảm tỷ lệ lợi nhuận, kéo lùi tốc độ tích lũy vốn của khu vực doanh nghiệp, và tương ứng với đó là mức tạo việc làm. Đồng thời, sức cạnh tranh của nền kinh tế giảm cả trên phương diện thị trường lao động và của khu vực doanh nghiệp nội địa”, Viện trưởng VEPR cho biết.
Có thể thấy, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
Mai Hân
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|