Người tiêu dùng được gì trong cuộc chơi soán ngôi thẻ tín dụng của các Ngân hàng?
Khi thẻ tín dụng đã quá quen thuộc thì dường như sự lựa chọn không còn nằm ở điều kiện để mở thẻ của khách hàng nữa mà từ sự hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi kèm theo do ngân hàng đưa ra.
Quá nhiều ngân hàng, quá nhiều khuyến mãi, người tiêu dùng đang ngụp lặn giữa ma trận khuyến mãi dịch vụ đi kèm. Trong tình huống đó, người tiêu dùng phải sáng suốt để lựa chọn chương trình và sản phẩm phù hợp nhất.
Ngày càng có nhiều đối tác hợp tác với các ngân hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong “trận chiến” khuyến mãi thẻ như: hàng không, sân golf, spa, nhà hàng, vận chuyển… nhất là khi người ta đặt sự tiện lợi và thời gian lên hàng đầu. Trước Tết, các ngân hàng đồng loạt tung ra nhiều chương trình khuyền mãi, lì xì để thu hút khách hàng; sau Tết thu hút khách hàng để khai xuân, đón lộc bằng nhiều chương trình hấp dẫn.
Tích điểm hoàn tiền: đề tài muôn thuở
Dạo qua một vòng các ngân hàng, có thể thấy được hầu hết đều có chương trình hoàn tiền cho khách đối với thẻ tín dụng cashback.
Đơn cử như chương trình hoàn 100% cho giao dịch chi tiêu đầu tiên, từ 500,000 đồng đối với thẻ tín dụng quốc tế Visa Sacombank Platinum Cashbank khi giao dịch tối đa 3 triệu đồng tại nước ngoài trong 60 ngày từ khi kích hoạt thẻ hoặc tối đa 500,000 đồng khi giao dịch online trong 30 ngày từ khi kích hoạt thẻ. Ngoài ra, ngân hàng còn hoàn thêm 500,000 đồng cho chi tiêu online từ 10 triệu đồng trong 30 ngày từ khi kích hoạt thẻ. Đối với dòng thẻ này, khách hàng Sacombank còn có đặc quyền hoàn tiền quanh năm trị giá 5% mọi chi tiêu online, 3% tất cả chi tiêu tại nước ngoài và 0.3% toàn bộ các khoản chi tiêu khác.
VPBank lại áp dụng hoàn tiền 10% chi tiêu xem phim cho chủ thể VPBank StepUp Master Card hay hoàn tiền 10% cho chi tiêu bảo hiểm.
Mua sắm online, trả góp 0%… được khai thác triệt để
Chương trình được đông đảo khách hàng trẻ hưởng ứng có lẽ là khuyến mãi tại rạp phim. VPBank áp dụng hoàn tiền 10% chi tiêu xem phim cho chủ thể VPBank StepUp Master Card. Sacombank tặng vé xem phim cho 5,000 khách hàng đầu tiên có giao dịch qua Samsung Pay. Hay như Vietcombank, khuyến mãi gần nhất, từ ngày 23/11/2017 – 31/10/2018, đối với khách hàng thanh toán bằng Vietcombank Visa là mua 2 vé xem phim 2D chỉ tốn 70,000 đồng.
Ngân hàng ngoại cũng không bỏ qua chương trình khuyến mãi này. Citibank có phiếu quà tặng quy đổi CGV combo gồm 2 nước ngọt cỡ vừa và 1 bắp cỡ lớn cho thẻ Citi PremierMiles, Citi CashBack, Citi Rewards, Citi Simplicity+, Citi Ace Life được phát hành bởi Citibank áp dụng từ ngày 21/08/2017 – 20/05/2018. Hay như mua 1 tặng 1 vé xem phim CGV cho chủ thẻ ShinhanBank đến 01/09/2018. HSBC cũng không kém cạnh khi tung ra chương trình dành cho 130 chủ thẻ đầu tiên thanh toán trực tuyến bằng thẻ HSBC với ưu đãi một cặp vé HSBC Couple cho rạp CGV và một phần My Combo gồm 1 phần bắp nước, thời gian khuyến mãi đến ngày 31/12/2018.
Một chương trình mà người dùng thẻ tín dụng rất quan tâm là được giảm giá khi đặt vé máy bay hay đặt phòng khách sạn. Tại VIB, khách hàng sẽ được giảm giá 50% khi đặt vé máy bay bằng thẻ VIB Mastercard, áp dụng cho các chuyến bay giá rẻ có điểm xuất phát từ một số thành phố thuộc Cambodia, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kong được điều hành bởi hãng Cambodia Angkok Air (K6), thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2018. VIB cũng giảm 15% khi đặt phòng khách sạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc bằng thẻ VIB Mastercard, giảm 10% khi đặt phòng khách sạn tại các quốc gia khác bằng thẻ VIB Mastercard.
Sacombank lại giảm giá 7% cho tất cả loại thẻ khi khách hàng đặt phòng tại Mytour.vn đến ngày 30/06/2018, hay giảm 5% khi đặt vé trên website của EVA AIR cho các chặng bay từ TPHCM đến Mỹ, Taipei, Canada đến hết ngày 31/12/2018.
Mua sắm online với nhiều khuyến mãi
|
Không nhắc đến mua hàng online là một thiếu sót lớn khi sử dụng thẻ tín dụng. Ngân hàng VIB giảm đến 15% khi mua hàng qua website Lazada bằng thẻ VIB Mastercard áp dụng đến ngày 25/08/2018; hay chương trình giảm ngay thêm 100,000 đồng cho hóa đơn từ 1 triệu đồng tại Nguyễn Kim khi thanh toán bằng thẻ VIB MasterCard qua phương thức QR code. Tại Vietcombank, khách hàng sẽ được tặng voucher 200,000 đồng cho chủ thẻ tín dụng VCB khi chi tiêu từ 2 triệu đồng tại Lotte Department Store qua máy POS của Veitcombank trong thời gian khuyến mãi.
Quảng cáo trả góp 0% tại một cửa hàng điện máy
|
Trả góp 0% khi mua hàng là chương trình được mong đợi nhất. Khi mua trả góp bằng thẻ tín dụng Sacombank, khách hàng có thể tham gia trả góp lãi suất 0% với thời hạn tối đa đến 24 tháng với khoảng 300 đối tác thường xuyên của Sacombank trong mọi lĩnh vực mà không phải trả thêm khoản phí nào.
Hay chương trình trả góp 0% với thời hạn lên tới 12 tháng cùng VPBank, có mức phí quản lý tài khoản trả góp hàng tháng là 1%. Theo đó, khách hàng là chủ thẻ tín dụng VPBank có giao dịch tại các cửa hàng trên toàn quốc khi mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ hoặc mua sắm trực tuyến với giá trị từ 3 triệu đồng trở lên sẽ được tham gia trả góp lãi suất 0% với các kỳ hạn linh hoạt từ 3, 6, 9 hoặc 12 tháng.
Citibank không thu bất kỳ khoản phí nào của chủ thẻ tham gia chương trình trả góp 0%. Citibank liên kết với rất nhiều đối tác lớn trong mọi lĩnh vực: Thời trang, siêu thị, nhà hàng, sức khỏe, làm đẹp, giải trí, du lịch... với thời hạn lên tới 12 tháng. Mức giao dịch tối thiểu để tham gia trả góp 0% với thẻ tín dụng Citibank là 3 triệu đồng tại các đối tác như: Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Lazada, Kymdan, Wellspring, TiKi...
Khi tham gia trả góp với thẻ tín dụng của HSBC, ngoài việc không phải trả thêm phí, khách hàng cũng không cần nộp bất kỳ giấy tờ chứng minh nào, với thời gian từ 3 tháng đến 1 năm. Hiện, HSBC có liên kết trả góp với nhiều đối tác như Thế giới di động, Nguyễn Kim, điện máy Thiên Hòa, PICO, FPT Shop, Lotte, Lazada và nhiều trung tâm Anh ngữ/ câu lạc bộ và khách sạn.
Lơ là một chút là ngân hàng khác qua mặt
Có thể thấy các chương trình ưu đãi, khuyến mãi với thẻ tín dụng của các ngân hàng khá tương đồng về lĩnh vực và điều kiện. Cũng vì thị trường cạnh tranh khốc liệt mà các ngân hàng theo sát nhau. Cùng một điều kiện tài chính, khách hàng khó đưa ra nhận định nên lựa chọn ngân hàng nào.
“Ngân hàng ngoại có lợi thế về thương hiệu, người tiêu dùng thường thích thương hiệu, nên ngân hàng trong nước mất tính cạnh tranh, muốn cạnh tranh thì phải tăng tiện ích. Trong thị trường thẻ cạnh tranh khốc liệt này, mỗi ngân hàng dẫn đầu chiếm khoảng 11-13% thị phần thẻ tín dụng. Trong top 5 ngân hàng, mỗi ngân hàng chỉ chênh lệch khoảng 1% thị phần, chỉ cần lơ là một tí là ngân hàng khác qua mặt ngay” - ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Sacombank cho biết.
Hiện nay, trong khi nhiều ngân hàng có chương trình dùng thẻ hoàn tiền, đổi điểm thưởng, đổi dặm bay, Sacombank lại mạnh về dùng thẻ trả góp 0%, chương trình sáng tạo như cho khách hàng chơi game trên ứng dụng qua điện thoại nếu đủ điểm được quà; chi tiêu thẻ 1 triệu đồng được quay số trúng thưởng; tạo ứng dụng cho khách hàng tự phục vụ như Mcard, khóa thẻ nếu khách hàng không muốn sử dụng nữa, rút tiền từ QR code.
Ở ngân hàng nội, có nhiều điều kiện để mở thẻ tín dụng hơn ngân hàng ngoại. Ví dụ như Sacombank có thể chứng minh tài chính qua sao kê lương, gia đình có con đi du học thì chỉ cần nộp hóa đơn học phí, hợp đồng cho thuê nhà, cà vẹt xe ô tô… Trong khi ở các ngân hàng nước ngoài, đa số đều dùng sao kê lương hoặc thẻ từ ngân hàng khác như ANZ, HSBC, Citibank.
Ông Phúc cho biết thêm năm 2018, riêng chỉ tiêu tăng trưởng cho mảng thẻ là 30%.
Nhìn chung, thương hiệu ảnh hưởng một phần, phần lớn khách hàng vẫn quan tâm đến chất lượng của các chương trình khuyến mãi đi kèm hơn. Muốn chạy đua trên chiến trường này, các ngân hàng cần đổi mới, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận người tiêu dùng. Phải tạo ra cái mới, cái khác lạ mới thu hút được của khách hàng trong muôn vàn những chương trình na ná giống nhau. Về phía khách hàng, cần sáng suốt để đưa ra lựa chọn hợp lý và cần thiết nhất cho mình.
Hàn Đông
FILI
|