Thứ Tư, 16/05/2018 11:21

Lực lượng kinh tế quan trọng nhất là... hộ gia đình

Khi các nhà lý luận chuẩn bị ba nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng vào tháng 6-2017, họ đã rất băn khoăn để tìm điểm nhấn. Cả ba nghị quyết về kinh tế này đều rất quan trọng, nhưng nghị quyết nào mới là nổi bật? Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát từng cho biết, rốt cuộc họ chọn nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân là điểm nổi bật bằng cách cho số đẹp. “Đó là lý do nghị quyết đó có số 10. Nó gợi nhớ lại Khoán 10 trong nông nghiệp từng giúp nền kinh tế bật lên mạnh mẽ”, ông Phát giải thích.

Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP. Ảnh: THÀNH HOA

Tuy nhiên, những số liệu thống kê của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015. Có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Có đến 81% tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.

Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân tổ chức vào tháng 4-2017, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, cần thống nhất quan điểm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế “độc lập, tự chủ”. Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Những yếu kém, hạn chế của kinh tế tư nhân trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”.

Kể từ khi Việt Nam tiến hành Đổi mới, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, nền kinh tế đã trở nên đa dạng hơn. Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế tư nhân (gồm doanh nghiệp tư nhân) đóng góp 39,21% GDP, cao hơn so với 28,7% của khu vực kinh tế Nhà nước, 18,07% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và 4,04% của khu vực kinh tế tập thể. Những tỷ lệ này được duy trì rất nhiều năm nay.

Đối với ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bức tranh này hoàn toàn không bình thường. Trong một buổi hội thảo về các thành phần kinh tế do Hội đồng lý luận Trung ương “đặt hàng” được tổ chức gần đây, ông Thiên nói, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã mở toang cửa, thực hiện kinh tế nhiều thành phần mà doanh nghiệp tư nhân không thể lớn lên được, vẫn chỉ chiếm loanh quanh 8% GDP, còn kinh tế hộ gia đình chiếm tới hơn 31% GDP. Lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế vẫn là hộ gia đình, nó cho thấy nền kinh tế rất manh mún.

Ông Thiên phân tích, khu vực doanh nghiệp FDI đã vươn lên mạnh mẽ về nhiều mặt, nhưng vẫn chỉ chiếm hơn 18% GDP. Dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng thực chất khu vực FDI vẫn chỉ ứng dụng công nghệ lạc hậu. Ngay cả Samsung, doanh nghiệp quan trọng nhất giúp thúc đẩy tăng trưởng hiện nay, cũng chỉ là lắp ráp.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước được xác định là lực lượng chủ đạo thì ngày càng kém hiệu quả, dù chiếm phần lớn nguồn lực của đất nước. “Niềm tin vào lực lượng này đang giảm mạnh vì họ là nguồn gốc gây ra nợ nần, thiếu hụt ngân sách ở đất nước này”.

Ông nói: “Nghịch lý của chúng ta là ở chỗ, chúng ta vẫn coi doanh nghiệp nhà nước, khu vực gây tổn hại kinh tế nhất, là chủ đạo; trong khi thành phần doanh nghiệp tư nhân chỉ được coi là lực lượng quan trọng sau 30 năm”.

Ông Thiên phân tích, để phát triển, Việt Nam đã chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 30 năm, khoảng cách phát triển với các quốc gia khác vẫn còn quá xa.

Ông nói: “Chúng ta đi tìm mô hình phát triển để tránh tụt hậu, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Nguyên nhân ở đâu? Tại kinh tế thị trường hay tại định hướng xã hội chủ nghĩa hay tại cả hai? Đó là những câu hỏi rất đơn giản, rất quan trọng và logic nhưng đáng tiếc là kể cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng chưa đặt ra”.

Tại buổi hội thảo trên, chuyên gia Võ Đại Lược kể, ông được tham gia vào tổ biên tập văn kiện đại hội từ năm 1982, lúc này đã nhen nhóm ý kiến về kinh tế thị trường. Phải đến Đại hội VI năm 1986 thì kinh tế thị trường mới được đặt ra, nhưng nhiều lãnh đạo không chấp nhận. Vì thế, sau cụm từ này mới thêm cái định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Lược nói, mô hình này đến nay rất khó khăn vì tiến lên nữa thì thành tư bản, lùi lại thì không được nữa, nên cứ dừng lại thế này.

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   "Hết sức suy nghĩ" về những điểm còn yếu của kinh tế (14/05/2018)

>   Làm gì để giữ mục tiêu tăng trưởng? (14/05/2018)

>   Giá dầu 'đe dọa' lạm phát (12/05/2018)

>   JICA: Việt Nam chậm giải ngân vốn ODA 'ngày càng trầm trọng' (10/05/2018)

>   'Lương thấp nhất khu vực công sẽ đạt hơn 4 triệu đồng mỗi tháng' (10/05/2018)

>   Nợ công, bội chi và rủi ro vẫn gia tăng (09/05/2018)

>   Bầu bổ sung ông Trần Cẩm Tú và ông Trần Thanh Mẫn vào Ban Bí thư (09/05/2018)

>   Đề án cải cách tiền lương cán bộ, công chức có gì đột phá? (08/05/2018)

>   Tổng bí thư nêu hàng loạt câu hỏi cần trả lời về công tác cán bộ (07/05/2018)

>   Ngày 7-5, khai mạc Hội nghị Trung ương 7 với nhiều vấn đề hệ trọng (06/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật