Nợ công, bội chi và rủi ro vẫn gia tăng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ năm 2018. Theo đó, năm nay Chính phủ sẽ vay 384.000 tỉ đồng, trong đó vay trong nước là 276.000 tỉ, còn lại là vay nước ngoài.
Việc gia tăng vay để cho vay lại trong năm nay là một diễn biến đi ngược chiến lược kiểm soát an toàn nợ công của Việt Nam. Ảnh: THÀNH HOA
|
Theo bảng dưới, con số vay nợ của năm nay sẽ tăng tới 12,3% so với con số vay nợ tương ứng trong năm 2017 là 342.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng này có khả năng sẽ cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa của Việt Nam trong năm nay, nên có thể suy ra rằng tỷ lệ nợ công/GDP năm nay sẽ tăng trở lại, nhất là trong bối cảnh con số trả nợ theo kế hoạch năm nay lại nhỏ hơn năm trước (nếu là 257.000 tỉ đồng trong năm 2018, so với con số 260.000 tỉ đồng năm 2017; xem thêm giải thích ở phần dưới).
Về nguồn vay, kế hoạch sẽ là vay 276.000 tỉ đồng từ các nguồn trong nước, chiếm 72% tổng vay nợ năm nay (năm 2017 tỷ lệ này là 71%). Tuy nhiên, so với những năm trước đây thì tỷ lệ vay trong nước trong hai năm qua đang ở mức thấp nhất. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được cải thiện để giảm thiểu rủi ro đối mặt bởi nợ công khi phải phụ thuộc nhiều vào vay nợ nước ngoài, đặc biệt khi lãi suất vay nợ thương mại trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng.
Về sử dụng vốn vay, năm nay dự định dùng 195.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi, tăng 13,4% so với năm 2017 (172.000 tỉ đồng). Nếu các điều kiện khác không thay đổi, khi phải tăng bù đắp bội chi thì có nghĩa là bội chi tiếp tục phình ra. Vì mức tăng bù đắp bội chi 13,4% này chắc chắn sẽ lớn hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa năm nay nên đây là một chỉ báo nữa cho thấy tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP và cùng với đó là tỷ lệ nợ công/GDP năm nay sẽ tăng trở lại sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2017.
Đáng chú ý là khoản vay về để cho vay lại năm nay lại tăng mạnh lên 42.000 tỉ đồng so với 26.000 tỉ đồng của năm 2017. Vì vay để cho vay lại về bản chất cũng không khác gì Nhà nước bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp (nhà nước) và địa phương nên đây cũng là một lĩnh vực rủi ro, cần hạn chế. Do đó, việc gia tăng vay để cho vay lại trong năm nay là một diễn biến đi ngược chiến lược kiểm soát an toàn nợ công của Việt Nam.
Về trả nợ, Chính phủ dự định năm nay trả 257.000 tỉ đồng nợ, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng đúng bằng 257.000 tỉ đồng. Lưu ý rằng trả nợ các dự án cho vay lại dự định sẽ là 19.000 tỉ đồng. Như vậy, đây có thể là một “lỗi đánh máy”, bởi nếu đã có khoản trả nợ các dự án cho vay lại (19.000 tỉ đồng) thì hoặc là trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ chỉ còn là 257.000 - 19.000 = 238.000 tỉ đồng, hoặc là tổng giá trị trả nợ năm nay phải là 257.000 + 19.000 = 276.000 tỉ đồng. Chính phủ cần phải cải chính, làm rõ chi tiết này. Tuy nhiên, vì nợ công vẫn đang gia tăng nếu tính theo giá trị tuyệt đối nên có nhiều khả năng con số kế hoạch trả nợ năm nay sẽ phải là 276.000 tỉ, để phản ánh đúng mức nợ gốc và lãi đang gia tăng.
Nhìn trên góc độ rộng hơn, bất chấp năm qua việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã đem về cho ngân sách một khoản thu lớn lên đến nhiều tỉ đô la Mỹ (hàng trăm ngàn tỉ đồng) nhưng kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ cho thấy tình hình ngân sách tiếp tục thêm căng thẳng, bội chi ngân sách/GDP có xu hướng gia tăng trở lại trong năm nay (trở đi).
Do đó, trong bối cảnh nợ công đã tiến sát ngưỡng trần cho phép ở Việt Nam, nên cũng là dễ hiểu khi Chính phủ muốn tính toán lại GDP, cụ thể là tính phần kinh tế ngầm vào GDP của nền kinh tế chính thức nhằm giúp nới trần nợ công hoặc làm tăng dư địa để vay mượn nhiều hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tinh thần chứ không có ý nghĩa thực tế.
Phan Minh Ngọc
TBKTSG
|