Kinh tế Nhật Bản chấm dứt chuỗi tăng trưởng 8 quý liên tiếp
Nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, Nhật Bản, bắt đầu thu hẹp trở lại.
Trong quý 1/2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm 0.6% so với cùng kỳ năm ngoái, dựa trên số liệu Chính phủ Nhật Bản công bố trong ngày thứ Tư (16/05).
Điều này đã đặt dấu chấm hết cho đà tăng trưởng 8 quý liên tiếp - chuỗi tăng trưởng dài nhất mà Nhật Bản từng đạt được kể từ cuối thập niên 80, đồng thời cũng dội một gáo nước lạnh vào chương trình chính sách "Abenomics" của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe.
Thành quả ảm đạm trong quý 1/2018 trải dài ra nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, theo quan điểm của Marcel Thieliant, Chuyên gia kinh tế Nhật Bản cấp cao tại công ty nghiên cứu Capital Economics.
Ông viết trong một báo cáo gửi tới khách hàng rằng: “Tiêu dùng tư nhân và nhu cầu của công chúng gần như chẳng thay đổi, trong khi chi tiêu đầu tư và xuất khẩu ròng lại giảm nhẹ”.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters tuần trước đã dự báo kinh tế Nhật sẽ suy giảm 0.2%.
Các chuyên gia đã dự báo trước rằng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2018 sẽ yếu hơn trong năm 2017.
Quốc gia này đang đối mặt với tình trạng già hóa của dân số và thiếu phụ nữ trong lực lượng lao động, trong khi lạm phát cứ ở mức thấp. Lạm phát thấp là một điều tốt cho nền kinh tế khi xét đến khía cạnh nó khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho biết sự suy giảm chỉ là tạm thời, nhưng có rủi ro là xung đột thương mại với Mỹ có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu xuất khẩu, qua đó gây áp lực lên đà hồi phục của nền kinh tế.
“Xét trên toàn cầu, các mặt hàng liên quan tới IT đều đang trong giau đoạn điều chỉnh. Điều này đang gây áp lực lên kim ngạch xuất khẩu và sản lượng nhà máy”, Yoshimasa Maruyama, Trưởng Bộ phận Kinh tế thị trường tại SMBC Nikko Securities, cho hay.
“Nền kinh tế không có khả năng sẽ tiếp tục thu hẹp. Nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động tốt và đồng Yên đang giao dịch ở mức trên 110 đổi 1 USD, vì vậy một khi xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại thì kinh tế Nhật Bản cũng nhờ đó mà trở lại lộ trình tăng trưởng nhẹ”.
Chi tiêu vốn giảm 0.1%, giảm lần đầu tiên trong 6 quý vừa qua. Điều này cho thấy khoản đầu tư doanh nghiệp không mạnh như nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo. Ước tinh trung bình của các chuyên gia kinh tế trước đó là tăng 0.4%.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|