Tổng Giám đốc IMF lại cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ thương mại
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, lên tiếng cảnh báo rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
“Rủi ro khá cao vì sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào dòng chảy thương mại lành mạnh. Gần đây, sự hồi phục của thương mại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, bà Lagarde cho biết trong bài phát biểu ở Portland, Oregon hôm thứ Hai (14/05). “Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ có thể ngăn chặn đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde
|
Vị Tổng Giám đốc IMF đưa ra những nhận định của mình trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đàm phán để giải quyết xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế bổ sung tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng hứa sẽ trả đũa bằng cách áp đặt thuế lên các mặt hàng từ đậu nành cho tới máy bay của Mỹ.
“Tại IMF, chúng tôi ý thức về những gì có thể diễn ra khi hoạt động thương mại bị gián đoạn, khi những chiếc cầu kinh tế bị tổn thương”, bà cho hay, đồng thời lưu ý rằng IMF được thành lập hơn 70 năm về trước với mục tiêu ngăn chặn sự trở lại của các chính sách tự chuốc lấy thất bại trong thời kỳ Đại Suy thoái như các biện pháp bảo hộ thương mại.
Tháng trước, IMF dự báo đà tăng trưởng mạnh nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2011 sẽ tiếp tục trong 2 năm tới. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ phai nhạt khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và cũng luu ý rằng sự tăng trưởng có thể bị hủy hoại nếu các quốc gia sử dụng các biện pháp trả đũa thương mại.
Bà Lagarde khuyến nghị một vài bước để cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu, bao gồm mở rộng thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, gia tăng năng suất và bảo vệ người dân bằng thương mại và công nghệ.
“Những thách thức trên chỉ có thể được giải quyết bằng sự thiết lập đa phương – nơi các nguyên tắc được tôn trọng, nơi các quốc gia phối hợp với nhau, nơi mọi người cam kết hành xử công bằng, nơi các quốc gia có trách nhiệm với nhau và nơi các xung đột có thể được lắng nghe và giải quyết hiệu quả”, bà cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|