Hang Seng giảm gần 600 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong ngày thứ Tư (23/05), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định ông không hài lòng với các cuộc đàm phán thương mại gần đây với Trung Quốc.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Tư (23/05), chỉ số Nikkei 225 hạ 270.6 điểm (tương ứng 1.18%) xuống 22,689.74 điểm khi đồng JPY tăng giá. Tính tới lúc 15h27 ngày thứ Tư (23/05 – giờ HK/SIN), đồng USD lùi xuống 110.22 JPY, sau khi dao động gần mức 111 JPY hồi đầu tuần này. Các công ty xuất khẩu đều bị tác động khi đồng JPY mạnh hơn, trong đó cổ phiếu Honda Motor lùi 1.03% và TDK sụt 1.96%.
Bên cạnh đó, chỉ số Topix giảm 0.68%, khi đà lao dốc diễn ra trên 31 chỉ số con, trong đó dẫn đầu là nhóm cổ phiếu khai khoáng và dầu với mức giảm tương ứng 4.3% và 3.07%.
Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt 568.71 điểm (tương ứng 1.82%) xuống 30,665.64 điểm do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite hạ 1.4% xuống 3,169.24 điểm, mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng, dựa trên số liệu của Reuters. Chỉ số Shenzhen Composite lùi 1.1% xuống 1,834.72 điểm.
Nhóm cổ phiếu khai thác than đá chịu áp lực khi cổ phiếu China Shenhua lao dốc 6.16% ở Hồng Kông và sụt gần 6.95% ở Thượng Hải. Diễn biến tiêu cực diễn ra khi các cơ quan chức trách Trung Quốc can thiệp vào thị trường than đá, theo nguồn tin Reuters.
Nguồn: CNBC
|
Ở Sydney, chỉ số ASX 200 giảm 0.16% xuống 6,032.50, khi các cổ phiếu năng lượng tác động tiêu cực tới chỉ số chung.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại tăng 0.26% lên 2,471.91 điểm khi đà tăng của lĩnh vực công nghệ bù đắp cho những lĩnh vực khác. Cổ phiếu Samsung Electronics vọt 3.6% và SK Hynix cộng 6.96%.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) lùi 0.6% vào cuối phiên.
Trong ngày thứ Ba (22/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền Mỹ vẫn chưa tiến tới thỏa thuận với Bắc Kinh để cứu vớt công ty viễn thông Trung Quốc, ZTE.
Ông Trump phủ nhận thông tin đã tiến tới thỏa thuận, cho biết “vẫn chưa có thỏa thuận nào cả” và nói thêm “chúng ta chờ xem điều gì sẽ diễn ra”. Tuy nhiên, vài phút sau đó, vị Tổng thống Mỹ lại cho hay ông có thể muốn phạt tới 1.3 tỷ USD và thực hiện thay đổi bộ máy quản lý tại ZTE – cũng là một trong những điều kiện của thỏa thuận mà WSJ đã ghi nhận.
“Những gì tôi hình dung là một mức phạt lớn hơn 1 tỷ USD, có thể là 1.3 tỷ USD. Tôi mường tượng ra một bộ máy quản lý mới, một ban giám đốc mới, và các quy định an ninh rất, rất nghiêm ngặt. Và tôi cũng hình dung rằng họ sẽ phải mua một lượng lớn linh kiện và thiết bị từ các công ty Mỹ”, ông Donald Trump cho hay.
Ông Trump đưa ra nhận định trong bối cảnh Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc, viếng thăm Nhà Trắng để bàn luận trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Singapore vào tháng tới. Tuy nhiên, trong ngày thứ Ba (22/05), ông Trump nói rằng Hội nghị thượng đỉnh này có thể không diễn ra.
Khả năng tiến tới thỏa thuận về ZTE đã làm nảy sinh phản ứng dữ dội ở Capitol Hill, khi một số nhà làm luật cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump làm theo yêu cầu của Trung Quốc về thương mại và có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ. Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ (SBC) đã thông qua một thay đổi trong ngày thứ Ba (22/05) với tỷ lệ áp đảo, trong đó giới hạn khả năng loại bỏ lệnh trừng phạt lên các công ty viễn thông Trung Quốc. SBC đã thông qua các biện pháp do Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đề xuất, và được thông qua với 23 phiếu đồng thuận và chỉ 2 phiếu phản đối.
Trong ngày thứ Ba (22/05), Trung Quốc cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu trên passenger car – những loại xe 7 chỗ ngồi trở xuống, không kể xe tải – xuống 15%, qua đó tác động tích cực tới các nhà sản xuất xe hơi như BMW AG và Ford Motor.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|