Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Iran
Trong ngày thứ Ba (08/05 – giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm loại bỏ Iran ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ đặt ra mức trừng phạt kinh tế cao nhất”, ông Trump nói. “Bất kỳ quốc gia nào giúp đỡ Iran về vũ khí hạt nhân có thể cũng bị Mỹ áp lệnh trừng phạt nặng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Việc thoát khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đáp ứng một trong những lời hứa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, nhưng lại có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ với một số đồng minh thân cận nhất, đồng thời gây gián đoạn tới một nguồn cung dầu lớn trên thế giới.
Chính quyền Donald Trump sẽ khôi phục toàn bộ lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran mà họ đã tạm ngưng theo điều kiện của thỏa thuận hạt nhân Iran – một lệnh trừng phạt trên diện rộng nhắm tới ngành năng lượng, định chế tài chính và lĩnh vực công nghiệp, khả năng đảm bảo các doanh nghiệp trong nước và khả năng tiếp cận tới đồng USD và các hàng hóa.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực ngay lập tức, có nghĩa là các công ty sẽ chịu lệnh trừng phạt nếu họ bắt đầu giao dịch kinh doanh với Iran. Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho phép các công ty nước ngoài tháo gỡ các hợp đồng hiện hữu với Iran trong giai đoạn 90 ngày và 180 ngày.
Với sức ảnh hưởng lớn mạnh của Mỹ lên hệ thống tài chính toàn cầu, các lệnh trừng phạt từ Mỹ là những công cụ rất quyền lực. Bộ Tài chính Mỹ có thể ngăn chặn các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận tới thị trường Mỹ nếu họ từ chối tuân theo lệnh trừng phạt lên Iran.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, được ký vào năm 2015 với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Đây là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao. Ông Trump từng phê phán JCPOA từ trước khi đắc cử, cho rằng đó là "thỏa thuận tồi tệ chưa từng có" và hứa xé bỏ nó trong ngày đầu nắm quyền.
Theo luật của Mỹ, thì cứ mỗi ba tháng, Tổng thống Mỹ phải xem xét lại thỏa thuận. Điều khoản của JCPOA yêu cầu Tehran giảm trữ lượng urani để đổi lại việc bãi bỏ những biện pháp trừng phạt mà họ phải hứng chịu. Iran đồng ý hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm và chấp nhận sự gia tăng giám sát của cộng đồng quốc tế.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|