Thứ Sáu, 18/05/2018 19:03

Đến đỉnh điểm của tranh chấp, Công ty Phương Trang mới khởi kiện Ngân hàng Đại Tín

Cuối phiên tòa xét xử ngày 18/05/2018, đại diện CTCP Đầu tư Phương Trang cho biết, trong quá trình vay tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) nếu có khúc mắc thì hai bên sẽ dành thời gian để giải quyết thương lượng, làm rõ số liệu. Tuy nhiên, khi không còn gì để thương lượng nữa, Công ty mới có đơn tố cáo.

* Bà Hứa Thị Phấn và Công ty Phương Trang có “tình riêng”?

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, từ tháng 5/2010-2/2012, Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng người có liên quan tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu, với tổng sổ tiền trên sổ sách là gần 16,500 tỷ đồng. Sau khi tất toán một phần các khoản vay, tính đến ngày 15/11/2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ gốc 9,437 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong tổng 9,437 tỷ đồng dư nợ gốc tại Ngân hàng, Phương Trang xác định chỉ nhận được 3,937 tỷ đồng. Hơn 5,250 tỷ đồng được bà Phấn lấy sử dụng mà không hề giải ngân cho Công ty. Còn lại 208 tỷ đồng nằm trong số tiền 4,554 tỷ đồng bà Ngô Thị Ngân - Thủ quỹ chính Ngân hàng Đại Tín nhận tiền mặt từ NHNN, không được đem về nộp vào kho quỹ ngân hàng theo lệnh điều chuyển vốn, mà tự ý đem đến phòng làm việc của bị can Hứa Thị Phấn tại tầng 6 tòa nhà Lam Giang (không phải trụ sở ngân hàng) giao cho khách hàng mà không ký chứng từ.

Kết luận điều tra xác định, bà Hứa Thị Phấn sở hữu 84.92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín, đã lợi dụng ảnh hưởng của mình tại Ngân hàng, thông qua bà Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty Phú Mỹ) chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín lập chứng từ thu khống, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang thông qua các chứng từ chi khống để cấn trừ vào số tiền đã chiếm đoạt. Bước cuối cùng mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục.

Các đại diện của nhóm Phương Trang tại tòa (Hàng thứ hai từ trên xuống). Ảnh: Thu Phong

Hiểu sai số liệu

Từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã tố cáo bà Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc Công ty là doanh nghiệp có nhiều bất động sản và động sản, có nhu cầu cần vay tiền để đầu tư kinh doanh, nên đã bị buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; khi phê duyệt hồ sơ vay không thông báo cho Công ty. Đồng thời lợi dụng các hồ sơ Công ty đã ký trước nhưng chi giải ngân cho vay một phần hoặc có hồ sơ vay không giải ngân đồng nào, từ đó rút tiền của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB, nay là CB).

Tuy nhiên, khi thẩm vấn trước tòa, luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn đã đưa ra khá nhiều thắc mắc về hành vi của Phương Trang trong giai đoạn Ngân hàng Đại Tín giải ngân.

Theo luật sư, từ tháng 5/2010-2/2012, trong khi hầu hết các khoản giải ngân chỉ được nhận theo tỷ lệ hoặc không được nhận thì Công ty Phương Trang lại không khiếu nại, khiếu kiện. Ngược lại, Công ty có nhiều động thái được luật sư cho là rất “thân thiện” với bên Đại Tín như gửi hoa chúc mừng, tặng quà, bồi dưỡng nhân viên, nộp phí làm visa đi Trung Quốc và thanh toán tiền vé máy bay đi Hàn Quốc cho nhân viên của Ngân hàng Đại Tín.

“Tại sao thay vì phản ứng như đi khiếu nại, khiếu kiện hay báo cơ quan chức năng rằng tôi đang bị giải ngân thiếu, tài sản đảm bảo có giá trị đang bị ngân hàng giữ nhưng không giải ngân để bảo vệ mình thì anh lại có hành vi ngược lại?”, luật sư đặt câu hỏi.

Đại diện Công ty Phương Trang đáp: “Đó là ý kiến của luật sư, về quan điểm của chúng tôi, Phương Trang nhiều lần yêu cầu bà Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín tổ chức đối chiếu số dư thực nhận suốt trong quá trình từ tháng 7/2011-2/2012. Đỉnh điểm của tranh chấp xảy ra liên quan đến khoản trái phiếu Trường Vỹ, Phương Trang không được giải ngân đồng nào nên đã yêu cầu Ngân hàng đối chiếu rõ. Khi đó Ngân hàng Đại Tín và bà Hứa Thị Phấn xác định sẽ thực hiện đối chiếu khiến Phương Trang nghĩ rằng, nếu quá trình vay có khúc mắc thì hai bên sẽ dành thời gian để giải quyết thương lượng, làm rõ số liệu. Nhưng kéo dài đến tháng 2/2012, việc đối chiếu số dư thực nhận vẫn chưa được thực hiện. Đến cả những hồ sơ cuối cùng liên quan đến bà Võ Thị Thu Hồng (một cá nhân trong nhóm Phương Trang) và 3 hồ sơ liền trước đó, Công ty Phương Trang đã gửi cho Ngân hàng Đại Tín nhưng cũng không được giải ngân đồng nào”.

Theo lời kể của ông này, khi đó bà Bùi Thị Kim Loan (trợ lý của bà Phấn) thay vì cho vay, lại ghi một biên nhận khống giá trị 200 tỷ đồng để bù lại số tiền mà lẽ ra phải giải ngân cho bà Hồng và lấy tiền đó sử dụng. Sau hồ sơ liên quan đến trái phiếu Công ty Trường Vỹ, 4 hồ sơ vay khác của Công ty Phương Trang tiếp tục có số tiền thực nhận bằng 0.

“Ngân hàng Đại Tín đã táng tận lương tâm đến mức hồ sơ trái phiếu Trường Vỹ bị khiếu nại rồi, hồ sơ của bà Hồng giải ngân bằng 0 rồi mà 3 hồ sơ tiếp theo nữa cũng giải ngân bằng 0. Đến đỉnh điểm xác định là không còn gì để thương lượng nữa, vào ngày 29/02/2012 chúng tôi mới có đơn tố cáo. Đó là quá trình chúng tôi thương lượng, tạo điều kiện giải quyết chứ không phải có gì phát sinh là tố cáo ngay. Chúng tôi nghĩ Đại Tín là một ngân hàng lớn, Phương Trang là một doanh nghiệp lớn và muốn dùng hòa khí để giải quyết vấn đề này nhưng khi không thể nữa, chúng tôi phải đưa ra cơ quan chức năng để giải quyết”.

Đại diện của Phương Trang cũng cho rằng một vài dữ liệu liên quan đến vụ án đã bị các luật sư hiểu sai.

Trả lời cho câu hỏi của luật sư: “Tại sao tại thời kỳ đỉnh điểm mâu thuẫn, Công ty Phương Trang nhận là mình đã nhận 132 tỷ đồng từ Đại Tín nhưng hôm nay lại nói là nhận 0 đồng?”, vị này nói, con số 132 tỷ đồng là số liệu vào thời điểm đó chưa được đối chiếu toàn diện, chưa có dòng tiền từ Ngân hàng Đại Tín để đối chiếu từng khoản mục cụ thể. Vì vậy, đây là số liệu chưa chính xác và khi đối chiếu xác minh với cơ quan điều tra thì con số thực nhận là 0 đồng.

Ông khẳng định, với con số 488 tỷ tiền lãi của trái phiếu Trường Vỹ, từ đầu phiên tòa đến giờ hầu hết các luật sư (luật sư đối lập quyền lợi với Công ty Phương Trang) đều hiểu sai. Đây là khoản tiền Ngân hàng Đại Tín tự hạch toán thu lãi cho Công ty Phương Trang. Ngân hàng Đại Tín và bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo lấy số tiền ở đâu đó trong quá trình cấn trừ thu chi khống, hợp thức hóa và hạch toán số tiền này là tiền lãi.

Hiểu sai quy trình

Trước HĐXX, ông Trương Công Bình – một cá nhân  khác có liên quan đến nhóm Phương Trang cho biết, chưa bao giờ Ngân hàng Đại Tín giải ngân cho ông cũng như cả nhóm. Từ “giải ngân” ở đây đã bị hiểu sai.

Thậm chí ông còn nhấn mạnh, đây là một quy trình liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng rất nhiều, nếu cần ông cũng như cả nhóm sẽ có một giờ riêng “tư vấn” cho Hội đồng xét xử.

Theo ông, ngân hàng giải ngân thì phải có hai tài khoản trên hệ thống, trong đó một tài khoản là tài khoản tiền vay (còn gọi là tài khoản nội bộ) và khi giải ngân vào đó chỉ có ngân hàng mới biết; tài khoản thứ hai là tài khoản thanh toán, tiền giải ngân vào tài khoản này khách hàng mới có thể sử dụng. Ở đây, Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân tài khoản nội bộ của mình mà không ai biết, lẽ ra phải chuyển vào tài khoản tiền gửi thanh toán cho khách hàng.

Thu Phong

FILI  

Các tin tức khác

>   Visa đề xuất lộ trình bảo mật thanh toán thẻ cho Việt Nam (18/05/2018)

>   50 suất học bổng tiếp tục trao cho học sinh nghèo đồng bào Rơ Măm (18/05/2018)

>   Ngân hàng đã "gỡ khó" cho người nuôi lợn thế nào? (18/05/2018)

>   Bà Hứa Thị Phấn và Công ty Phương Trang có “tình riêng”? (18/05/2018)

>   NHNN chi tiền cho đi học nước ngoài nhưng học xong tự ý bỏ việc, một cán bộ phải đền bù hơn 217 triệu đồng (17/05/2018)

>   Đầu tư hạ tầng ATM, ngân hàng lớn muốn, ngân hàng nhỏ lắc đầu (17/05/2018)

>   Ngân hàng chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn thu tín dụng (17/05/2018)

>   HOSE yêu cầu Techcombank nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ niêm yết (17/05/2018)

>   Vietcombank bán đấu giá tài sản đảm bảo tại G20 (17/05/2018)

>   Cuộc hội thoại giữa Công ty Phương Trang và bà Hứa Thị Phấn bất ngờ được công bố trước tòa (17/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật