Thứ Năm, 17/05/2018 14:22

Cuộc hội thoại giữa Công ty Phương Trang và bà Hứa Thị Phấn bất ngờ được công bố trước tòa

Chiều muộn phiên xét xử ngày 16/05, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) bất ngờ công bố nội dung về cuộc nói chuyện giữa bà Hứa Thị Phấn và lãnh đạo Công ty Phương Trang đã được ghi âm lại cách đây 6 năm.

Để chứng minh Phương Trang đã nợ Ngân hàng Đại Tín hơn 9,000 tỷ đồng chứ không phải chỉ hơn 3,900 tỷ đồng, luật sư bào chữa cho bà Hứa Thị Phấn đã tóm lược lại trước tòa đoạn hội thoại giữa bà Phấn và lãnh đạo Phương Trang đã được ghi âm từ năm 2012. Tuy nhiên, nội dung cuộc đối thoại được luật sư trình bày khá dài dòng, không rõ ý.

Mối quan hệ giữa CTCP Đầu tư Phương Trang (Công ty Phương Trang) và bà Hứa Thị Phấn bắt đầu vào năm 2010 khi Công ty này gặp khó khăn về tài chính và có đến xin vay tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Sau khi được bà Phấn giới thiệu với Ban lãnh đạo Đại Tín, Công ty Phương Trang đã trực tiếp quan hệ và giao dịch với Ngân hàng để vay vốn kinh doanh và trở thành khách hàng thường xuyên của Ngân hàng.

Từ ngày 26/05/2010 đến ngày 12/02/2012, Ngân hàng Đại Tín – Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng người có liên quan tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng và 1 khoản phát hành trái phiếu, với tổng số tiền trên sổ sách gần 16,500 tỷ đồng. Sau khi tất toán một phần các khoản vay, tính đến ngày 15/11/2017, Công ty Phương Trang còn dư nợ hơn 25,941 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 9,437 tỷ đồng và dư nợ lãi 16,504 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín.

Tuy nhiên, trong tổng 9,437 tỷ đồng dư nợ gốc tại Ngân hàng, Công ty Phương Trang xác định chỉ nhận được 3,937 tỷ đồng. Hơn 5,250 tỷ đồng được bà Phấn chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập các hồ sơ thu chi khống và sử dụng mà không hề giải ngân cho Công ty.

Từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã tố cáo bà Hứa Thị Phấn và Ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc Công ty là doanh nghiệp có nhiều bất động sản và động sản, có nhu cầu vay tiền để đầu tư kinh doanh, nên đã bị buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; khi phê duyệt hồ sơ vay không thông báo cho Công ty. Đồng thời lợi dụng các hồ sơ mà Công ty đã ký trước nhưng chi giải ngân cho vay một phần hoặc có hồ sơ vay không giải ngân đồng nào, từ đó rút tiền của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB, nay là CB).

Tuy nhiên, để chứng minh Công ty Phương Trang đã nợ Ngân hàng Đại Tín hơn 9,000 tỷ chứ không phải chỉ hơn 3,900 tỷ đồng, luật sư Trương Thị Minh Thơ (người bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) trong phiên xét xử chiều 16/05/2018 đã bất ngờ cung cấp bằng chứng được cho là có thể xác thực vụ việc.

Luật sư Thơ cho biết, đây là đoạn hội thoại giữa bà Phấn với ông Nguyễn Hữu Luận (Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang), ông Phạm Đăng Quang (Tổng giám đốc Công ty Phương Trang) và ông Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu hai ông này với bà Phấn), đã được bà ghi âm lại vào tháng 3/2012. Đến tháng 3/2017, luật sư được bà Phấn đưa cho đoạn ghi âm này nhưng không dám nộp và bây giờ xin được công bố.

Do nội dung được ghi âm nghe không rõ nên luật sư đã đọc tóm lược một phần cuộc hội thoại. Trong cuộc trò chuyện mà luật sư trình bày, phần lớn là lời ông Luận nói với bà Phấn (xưng cô-con):

“Bây giờ con nói với cô, con xin lỗi nếu nói có sai mà xúc phạm cô, nếu lỡ lời hay nghĩ không đúng thì cô bỏ qua cho con. Con thấy nhiều khi đụng trận nhiều có thể rèn luyện cho cô một cái rất khó tin người, con thì ngược lại, với cô thì con rất dễ tin. Vậy nên đôi khi có những mâu thuẫn không đáng, nhưng bây giờ con chỉ nói với cô về góc độ cô cháu mình.

Thứ nhất, nếu nói về công việc cô cháu mình chưa quyết toán xong, con vẫn khẳng định với cô những gì mà mình đã thừa nhận thỏa thuận với nhau để làm điều kiện để mình làm cho nó tốt. Thứ hai, con cũng nói với cô, về lý tụi con có làm mất vốn, mất đồ của cô đâu. Còn cô mất đồ thì con không biết, cho nên tới bây giờ nếu trên lý thuyết, thanh tra có báo cáo lên Thủ tướng, báo cáo lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hay lên Bộ công an rằng Phương Trang nợ 9,000 tỷ đồng; nhưng mà tới bây giờ con xin nhắc lại với cô chưa nói lên việc là cô cháu mình đối chiếu nhau (cái đó luật không có cấm), thì rõ ràng Phương Trang không có hợp đồng quá hạn, cũng không có thiếu tiền lãi đúng không cô? Cô công nhận không cô?

Con đã nói rất nhiều lần, thậm chí con thề với cô là thiếu nợ thì con bù, cô vẫn cứ nhớ với con cô nói chuyện tài sản con còn dư ở ngoài con cũng nói rõ với cô. Còn bây giờ qua quá trình người ta nghe thế này thế kia thì người ta làm trầm trọng thêm vấn đề, cuối cùng thân quá cô cháu mình dẫn đến cái việc tự nhiên thành mâu thuẫn…”.

Đoạn hội thoại khá dài và chưa rõ ý nên chủ tọa đã ngắt lời luật sư và yêu cầu trình bày đại ý chính. Luật sư Thơ cho biết, cuộc trao đổi này thừa nhận số nợ mà phía Công ty Phương Trang thiếu Ngân hàng Đại Tín lúc hơn 9,000 tỷ đồng, lúc 10,000 tỷ đồng; Công ty Phương Trang thừa nhận, yêu cầu bà Phấn, động viên bà Phấn và chỉ cho bà hoãn binh không cho thanh tra nhảy vào.

Còn riêng chuyện về chiếc xe Mayback (liên quan đến vụ bà Phấn kiện Cộng ty Phương Trang để đòi nhà, đòi xe), theo trình bày của luật sư này thì trong khi ông Luận đùa rằng “Bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) có máy bay thì tôi có chiếc xe Mayback”, bà Phấn đã chợt nhớ ra và đề nghị ông Luận đưa giấy tờ xe cho bà. Ông Luận khi đó mới nói lại ông Quang và hứa hẹn sẽ chuyển cho bà Phấn.

Bên cạnh đoạn băng ghi âm, luật sư Thơ cũng xin cung cấp cho HĐXX một số hình ảnh mà phía Công ty Phương Trang gồm ông Luận và một số nhân vật đặc biệt khác đến dự sinh nhật bà Phấn, đồng thời cùng nhau tổ chức đi nước ngoài. Vì vậy, luật sư khẳng định không có chuyện lãnh đạo Công ty Phương Trang và bà Hứa Thị Phấn không có quan hệ cá nhân như đại diện Công ty Phương Trang trình bày trước tòa.

Sau phần trình bày và cung cấp chứng cứ của luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư Phan Trung Hoài đại diện nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Phương Trang cho biết mặc dù chưa đến phần tham gia xét hỏi nhưng cũng xin HĐXX được nêu ý kiến. Theo luật sư Hoài, việc công bố những tài liệu chưa được thẩm định, chưa có căn cứ công khai tại phiên tòa và chưa được đánh giá có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và người liên quan. Vì vậy, ông đề nghị HĐXX sau khi lập biên bản thì các luật sư của các bên được quyền tiếp cận và những người liên quan trong đó cũng được quyền tiếp cận và có ý kiến về vấn đề này.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Công ty Phương Trang chuyển 30 tỉ để mua đất của Vũ 'nhôm'? (17/05/2018)

>   Tái cơ cấu với lõi đặc trưng ngân hàng Việt (17/05/2018)

>   Cơ hội nhận Galaxy Note 8 mỗi tuần khi thanh toán qua Samsung Pay với thẻ Sacombank (16/05/2018)

>   Chồng của trợ lý bà Hứa Thị Phấn đang điều trị tâm thần (16/05/2018)

>   Ông Phạm Công Danh nói về bà Sáu Phấn: “Tôi bị lừa!” (16/05/2018)

>   Hoãn phiên tòa xử nhân viên Eximbank chiếm đoạt 50 tỉ (16/05/2018)

>   Vay ngân hàng 200 triệu, một năm sau lên 700 triệu! (16/05/2018)

>   Siết van bất động sản, ngân hàng bơm vốn mạnh cho sản xuất kinh doanh (16/05/2018)

>   Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh cho vay tiêu dùng  (15/05/2018)

>   Thanh tra việc thanh toán chui nhân dân tệ qua POS (15/05/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật