Siết van bất động sản, ngân hàng bơm vốn mạnh cho sản xuất kinh doanh
Các ngân hàng đang đưa ra hàng loạt chương trình cho vay lãi suất “mềm” với lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau khi siết lại kênh bất động sản bị do lo ngại rủi ro.
Các ngân hàng đang đẩy vốn cho kênh sản xuất kinh doanh sau khi siết dần cho vay bất động sản - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
|
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) triển khai gói sản phẩm ưu đãi lãi suất 6%/năm cố định trong 2 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu.
Gói sản phẩm này áp dụng đối với các khoản vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh, gồm cả sản phẩm cho vay nông nghiệp, có tài sản bảo đảm 100% là bất động sản và không thuộc mục đích vay kinh doanh cầm đồ, góp vốn.
Ngoài ra, khách hàng còn được ngân hàng cấp thẻ tín dụng với hạn mức tối thiểu là 50 triệu đồng và tối đa là 500 triệu đồng.
Điều kiện để hưởng ưu đãi là khoản vay được phê duyệt từ nay đến hết ngày 30-6 và giải ngân chậm nhất đến 31-7.
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) triển khai sản phẩm tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp trên toàn quốc.
Tỉ lệ cấp tín dụng tối đa lên tới 100% giá trị tài sản đảm bảo, tỉ lệ cho vay tối đa từng công trình lên tới 80% giá trị hợp đồng thi công xây lắp.
Mục đích đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc quản lý nguồn thanh toán đi vào đúng hạng mục công trình và phù hợp với đặc thù của ngành thi công xây lắp.
VPBank thì ra mắt gói sản phẩm cho vay theo hình thức thế chấp hóa đơn VAT - là sản phẩm "lai" giữa hình thức vay vốn có tài sản đảm bảo và không tài sản đảm bảo.
Để vay vốn theo hình thức này, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ cần có hợp đồng kinh tế với đối tác uy tín và hóa đơn bán hàng VAT làm tài sản thế chấp.
Sau khi thẩm định, doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức tín dụng lên tới 90% giá trị hóa đơn VAT và với thời hạn cho vay lên tới 6 tháng, giải ngân tối đa trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi hồ sơ được phê duyệt.
Theo ngân hàng này, trong thực tế sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải lo nguồn vốn ban đầu tương đối lớn, trong khi đó đối tác chỉ tạm ứng một phần nhỏ hợp đồng, thường không đủ để chi trả nguyên vật liệu đầu vào.
Chưa kể, sau khi hoàn tất bàn giao đơn hàng thì cần phải chờ tối thiểu 30 ngày mới được thanh toán nốt.
Tình trạng bị "gối đầu vốn" ít nhiều làm ảnh hưởng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp. Gói cho vay trên giúp doanh nghiệp không phải chờ đợi và bị động trong các khâu sản xuất kinh doanh kế tiếp.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau hàng loạt đợt sốt đất, đặc biệt ở các quận vùng ven, các ngân hàng đã siết vốn vào lĩnh vực bất động sản nhằm hạn chế rủi ro, tránh phát sinh thêm nợ xấu.
Ngoài việc quản lý hạn mức, ngân hàng buộc khách hàng phải tăng nguồn vốn tự có. Lãi suất cho vay bất động sản cũng điều chỉnh tăng vì rủi ro tăng lên. Việc thẩm định giá cũng hết sức thận trọng.
Do không dám đẩy mạnh cho vay bất động sản như trước do vậy các ngân hàng đã tìm các kênh khác, đặc biệt là kênh sản xuất kinh doanh để bơm vốn do thời gian gần đây tín dụng đang có xu hướng tăng chậm lại.
MINH THÀNH
Tuổi trẻ
|