Thứ Ba, 10/04/2018 13:20

Uber rời khỏi thị trường Indonesia, Grab và Go-Jek tranh nhau thu hút tài xế

Việc Uber Technologies rút lui khỏi phần lớn thị trường Đông Nam Á đã làm nảy sinh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Grab và Go-Jek để thu hút các cựu tài xế của Uber ở Indonesia.

Sau thỏa thuận sáp nhập với Grab, Uber đã rút khỏi các thị trường Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Campuchia kể từ ngày 08/04. Tuy nhiên, Grab vẫn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt với đối thủ ở Indonesia Go-Jek – vốn chỉ mới hoạt động ở quê nhà.

Hôm thứ Sáu (06/04), Grab Indonesia cho biết họ đã tuyển dụng 75% tài xế Uber ở Indonesia, mặc dù không tiết lộ số liệu cụ thể. Những tài xế cho biết việc đăng ký chuyển sang chạy xe cho Grab rất đơn giản bằng cách nộp đơn trực tuyến và chỉ mất một ngày để hoàn tất thủ tục.

Tuy nhiên, Go-Jek lại xem sự thay đổi này là một cơ hội để mở rộng đội ngũ của mình. Công ty đang mở các điểm tuyển dụng ở Jakarta và các công ty lớn trong suốt tuần qua, nhắm tới những cựu tài xế của Uber. Một quan chức của Go-Jek cho hay hàng ngàn tài xế đã đăng ký chỉ trong một ngày thứ Bảy (07/04).

Go-Jek muốn các cựu tài xế Uber tiếp tục nhận được “thu nhập khá”, Nila Marita, Giám đốc điều hành của Go-Jek, cho biết. “Mỗi tài xế có quyền và tự do chọn lựa đối tác của họ”.

Nhiều tài xế có thể muốn chuyển sang Go-Jek hơn là Grab. “Grab có quá nhiều quy định”, một tài xế cho biết.

Một cựu tài xế Uber và đã chuyển sang chạy xe cho Grab lưu ý đến việc mất đi một vài khoản thanh toán khi vi phạm luật – như nghe theo lời của khách hàng và bỏ khách hàng đó xuống một địa điểm trong chuyến đi thay vì tiếp tục đi đến địa điểm mà họ đã đặt trong ứng dụng.

Một số người dùng cho biết họ thích sử dụng dịch vụ của Go-Jek hơn vì nền tảng ví điện tử Go-Pay khiến việc thanh toán trở nên đơn giản hơn và có giảm giá. Trong khi đó, GrabPay của Grab – một nền tảng tương tự – vẫn bị đình chỉ xét duyệt từ Ngân hàng Trung ương Indonesia. Một số người dùng khác cho biết họ cảm thấy quen thuộc hơn với Go-Jek vì đây là công ty đặt xe đầu tiên ở Indonesia trước khi Grab tới. Nhiều người dân Indonesa có hai hoặc ba ứng dụng đặt xe trong điện thoại thông minh của mình và đưa ra các phương án lựa chọn khác nhau dựa trên mức giảm giá và sự sẵn có về tài xế khi đặt một chuyến đi.

Go-Jek có 1 triệu tài xế xe gắn máy và xe hơi ở Indonesia tính tới tháng 12/2017, Go-Jek cho hay. Trong khi đó, Grab ghi nhận có 2.4 triệu tài xế ở 8 quốc gia Đông Nam Á trong tháng 3/2018. Vẫn chưa rõ là có bao nhiêu tài xế Uber hoạt động ở Indonesia hoặc bao nhiêu người sẽ chuyển sang Grab hoặc Go-Jek.

Ứng dụng của Go-Jek có tới 9.7 triệu lượt truy cập ở Indonesia tính tới tháng 12/2017, kế đó là Grab với 9.6 triệu lượt truy cập và Uber với 2 triệu lượt truy cập, công ty phân tích dữ liệu ilmuOne Data cho biết.

Go-Jek và Grab đều cho biết họ cần thêm tài xế để hỗ trợ kế hoạch mở rộng của mình – bao gồm không chỉ đặt chuyên đi bằng xe hơi hoặc xe gắn máy mà còn là giao nhận thức ăn và hàng hóa.

Tuy nhiên, khi số lượng tài xế ở các thành phố lớn như Jakarta đã đạt tới độ bão hòa, việc mở rộng đội ngũ tài xế phần lớn nhắm vòa những thành phố này đã làm dấy lên nghi ngờ. Yoga Adiwinarto, Giám đốc của Viện Chính sách Vận tải và Phát triển Indonesia, cho biết mỗi tài xế kiếm được ít hơn trước bởi vì sự bão hòa này.

“Xem xét tới mô hình kinh doanh của các công ty này, họ dường như cũng chẳng quan tâm tới tình trạng bão hòa này”, ông Adiwinarto nói với hãng tin Nikkei Asian Review. “Với Grab và Go-Jek, các tài xế chỉ là điểm bán hàng. Họ không phải là nhân viên. Các công ty nhận được phí từ mỗi giao dịch ,vì vậy mối quan tâm của họ là tối đa hóa khối lượng giao dịch”.

Ở những thị trường khác ở Đông Nam Á, Grab chỉ đối mặt với cuộc cạnh tranh với Uber. Tuy nhiên, không phải cựu tài xế Uber cũng chuyển sang Grab một cách vui vẻ.

Anh Hoang The Trung, một cựu tài xế xe gắn máy cho Uber ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết anh nhận được ít đơn đặt xe hơn trong ngày đầu tiên chuyên sang Grab. Anh nghĩ một vài khách hàng của Uber sẽ không sẵn lòng sử dụng Grab trong một khoảng thời gian ngắn. Ông đang cân nhắc chuyển sang những công ty trong nước như Mai Linh hoặc Phương Trang.

Một tài xế Việt Nam khác cho biết ông đã mất niềm tin vào những nhà cung cấp công nghệ sau sự ra đi của Uber, sợ rằng Grab sẽ đối mặt với tình cảnh tương tự. Ông muốn bỏ nghề lái xe và tìm kiếm một công việc khác.

Uber sẽ tiếp tục hoạt động ở Singapore và Philippines, vì hai quốc gia này đang điều tra về vấn đề chống độc quyền của thỏa thuận sáp nhập giữa Uber và Grab. Dù vậy, phát ngôn viên của Grab cho biết hàng ngàn tài xế ở Singapore đã đăng ký gia nhập vào Grab.

* Grab gặp khó về thương vụ sáp nhập với Uber ở Đông Nam Á

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

FiLi

Các tin tức khác

>   Nợ toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy trong quý 4/2017 (10/04/2018)

>   Ông Tập Cận Bình cam kết giảm thuế nhập khẩu xe hơi (10/04/2018)

>   Vàng thế giới tăng liền 2 phiên (10/04/2018)

>   Dầu vọt hơn 2% khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu bớt (10/04/2018)

>   Bloomberg: Trung Quốc đang nghiên cứu phương án phá giá Nhân dân tệ (09/04/2018)

>   Trung Quốc có start-up trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới (09/04/2018)

>   Grab gặp khó về thương vụ sáp nhập với Uber ở Đông Nam Á (09/04/2018)

>   Làm ăn thua lỗ liên tục, Deutsche Bank quyết định bổ nhiệm sếp mới! (09/04/2018)

>   Quan chức EU: Chính sách thương mại của ông Trump chẳng biết đâu mà lần! (09/04/2018)

>   Donald Trump: Trung Quốc sẽ gỡ các hàng rào thương mại (08/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật