TTCK Mỹ dưới thời Donald Trump diễn biến khá giống với thời của Ronald Reagan?
Cũng giống như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông Donald Trump cũng là một vị Tổng thống Mỹ hướng nội. Điều này đã khiến Ralph Acampora – một chuyên gia quan sát thị trường trong thời gian dài – tiến hành so sánh thị trường chứng khoán dưới thời của 2 vị Tổng thống này.
“Ronald Reagan có ‘tuần trăng mật’ kéo dài 6 tháng”, ông Acampora, Giám đốc bộ phận phân tích kỹ thuật tại Altaira Capital Partners, cho biết trong tuần trước. “Mức tăng là gần 10% trong giai đoạn đó”.
Khi ông Reagan tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/01/1981, chỉ số Dow Jones dao động ở mức 950 điểm. Chỉ số này đã dao động trong phạm vi hẹp cho đến giữa năm 1981 trước khi bước vào xu hướng giảm. Trong năm đó, Dow Jones lao dốc 9%.
“Hầu hết các đời Tổng thống Mỹ, sau ‘tuần trăng mật’ thì một điều gì đó sẽ xảy ra bởi vì những kế hoạch chính sách của họ cần có thời gian để thực hiện”, ông Acampora lý giải.
“Kết quả quá khứ cho thấy khi giai đoạn ‘tuần trăng mật’ kết thúc thì thị trường chứng khoán Mỹ đều bước vào thị trường con gấu”, ông nói rõ. “Hầu hết các đời Tổng thống Mỹ đều gặp khó khăn trong năm thứ hai và ông Ronald Reagan cũng chẳng phải ngoại lệ”.
Vào đầu thập niên 80, việc nâng lãi suất liên ngân hàng Mỹ (Fed fund rate) được thực hiện nhằm giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình trạng lạm phát tăng quá nhanh, đồng thời tránh cuộc suy thoái kinh tế. Kết quả là một cuộc suy thoái đã xảy ra trong giai đoạn 7/1981-11/1982.
Dưới thời Ronald Reagan, chỉ số Dow Jones rơi vào phạm vi thị trường con gấu – được định nghĩa là giảm hơn 20% so với mức đỉnh 52 tuần. Có lúc, thị trường chứng khoán Mỹ rớt tới 24%, ông Acampora nói rõ. Dow Jones chạm đáy 776.92 điểm vào ngày 12/08/1982.
Ngày này đánh dấu một bước chuyển mình đáng chú ý, ông Acampora cho biết: “Tôi muốn chỉ ra rằng mức đáy tháng 8/1982 dưới thời ông Reagan là một khởi đầu cho thị trường con bò kế tiếp, vốn kéo dài tới 18 năm”.
Từ ngày ông Reagan nhậm chức cho tới ngày cuối cùng ở Nhà Trắng trong tháng 1/1989, chỉ số Dow Jones vọt 135% và S&P 500 leo dốc 118%.
Mặc dù thị trường có lúc bước vào phạm vi điều chỉnh kể từ tháng 2/2018, ông Acampora nhận thấy giai đoạn “tuần trăng mật” của ông Trump vẫn chưa kết thúc.
“Giai đoạn ‘tuần trăng mật’ của ông Trump vẫn còn. Thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu tăng từ mức đáy tháng 11/2016 cho tới mức đỉnh tháng 1/2018 với mức leo dốc 45%. Đó là giai đoạn 15 tháng đầy ấn tượng”, ông Acampora nhận định.
Từ cuộc bầu cử của ông Trump tới mức kỷ lục được xác lập hồi tháng 1/2018, chỉ số Dow Jones đã vọt 45% và S&P 500 leo dốc 34%.
Dù vậy, vẫn có một dấu hiệu khiến ông Acampora phải ngập ngừng.
Lý thuyết Dow (Dow Theory) dự đoán rằng thị trường sẽ trong xu hướng tăng khi cả chỉ số Dow Industrials và Dow Transportation Average đều lập đỉnh mới cùng một lúc, hoặc chỉ số này lập đỉnh sau khi chỉ số kia lập đỉnh (điều ngược lại cũng đúng).
Ông Acampora chỉ rõ chỉ số Dow Transports đã chạm đỉnh hồi đầu tháng 1/2018, và Dow Industrials cũng lập đỉnh sau đó. Chỉ số Dow Industrials lập đáy mới trong tháng 3/2018, nhưng Dow Transport thì vẫn chưa xác lập đáy mới kể từ ngày 09/02/2018.
“Với lý thuyết Dow, miễn là chỉ số Dow Transportation dao động trên mức đó, tôi nghĩ là thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục giai đoạn điều chỉnh, nhưng bạn cần phải cởi mở và có chọn lọc”, ông Acampora cho hay.
Tuy nhiên, tin xấu dành cho ông Trump là đà lao dốc trong năm thứ 2 của ông có thể còn tồi tệ hơn cả Ronald Reagan.
“Tôi đã xem xét một vài mẫu hình đang dần hình thành ở một vài cổ phiếu, dường như chúng đã bắt đầu chạm đỉnh và điều này cho thấy thị trường có thể điều chỉnh nhiều hơn 24%”, ông Acampora cho hay.
Tính cho tới thời điểm này, Dow Jones và S&P 500 không còn trong phạm vi điều chỉnh nữa. Cụ thể, Dow Jones giảm 8% so với mức đỉnh 52 tuần thiết lập vào ngày 26/01, còn S&P 500 lùi 7% so với mức đỉnh 52 tuần được xác lập trong cùng phiên.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|