Sắc xanh trở lại với TTCK châu Á khi bớt lo ngại về căng thẳng Mỹ - Trung
TTCK Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan tạm ngừng giao dịch trong ngày thứ Năm (05/04)
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc vào đầu ngày thứ Năm, sau phiên giao dịch đầy cảm xúc trên Phố Wall trong đêm qua, trong đó Dow Jones lội ngược dòng và tăng gần 800 điểm so với mức đáy trong phiên.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 leo dốc 348.28 điểm (tương ứng 1.63%), và chỉ số Topix tiến 1.2% khi đà tăng diễn ra trên diện rộng. Các nhóm cổ phiếu bất động sản và dược phẩm có thành quả tốt nhất vào đầu phiên, trong khi lĩnh vực sản xuất thép lại suy yếu.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi cộng 35.89 điểm (tương ứng 1.49%), nhờ đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ, trong đó cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao Samsung Electronics vọt 2.94%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 10h20 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Ở Australia, chỉ số ASX 200 tăng 44.3 điểm (tương ứng 0.77%), khi nhóm cổ phiếu tài chính tiến 1.15%. Bất chấp đà tăng trên diện rộng, lĩnh vực nguyên vật liệu vẫn giảm 0.11%.
Ngoài ra, sắc xanh còn xuất hiện ở thị trường chứng khoán Singapore, trong đó chỉ số Straits Times Index tiến 1.88%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) cộng 0.48% tính tới lúc 10h23 giờ HK/SIN.
Niềm tin của nhà đầu tư đã được cải thiện phần nào nhờ đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ trong 2 phiên vừa qua, và nỗi lo sợ về cẳng thẳng thương mại Mỹ – Trung dịu bớt.
Đêm qua, chỉ số Dow Jones tiến 230.94 điểm (tương đương 0.96%) lên 24,264.30 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 30.24 điểm (tương đương 1.16%) lên 2,644.69 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 100.83 điểm (tương đương 1.45%) lên 7,042.11 điểm. Được biết, đầu phiên ngày thứ Tư (04/04), Dow Jones có lúc giảm tới 500 điểm.
Thị trường chứng khoán Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan tạm ngừng giao dịch trong ngày thứ Năm (05/04) nhân ngày Lễ hội Ching Ming.
Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới đàm phán?
Thị trường chứng khoán Mỹ lúc đầu giảm mạnh sau thông tin Trung Quốc áp thuế bổ sung lên 106 sản phẩm của Mỹ trong ngày thứ Tư (04/04), nhưng sau đó đã đảo chiều thành công nhờ xuất hiện khả năng hai quốc gia này sẽ tiến hành đàm phán về thương mại.
“Vẫn chưa có ngày thực thi đề xuất áp thuế từ Trung Quốc hoặc Mỹ, điều này có nghĩa chúng ta sẽ chứng kiến sự bất ổn kéo dài trong vài tháng tới. Điều này cũng có nghĩa là khả năng đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn”, các chuyên gia phân tích tại ANZ cho biết.
Nhà đầu tư vẫn hy vọng hai quốc gia sẽ tiến hành đàm phán nhằm giảm bớt thiệt hai cho đôi bên.
“Dựa trên kịch bản cơ sở của chúng tôi, đàm phán và giảm căng thẳng có khả năng sẽ là kết quả cuối cùng của xung đột này”, các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley nói rõ.
Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng (NEC), đã dành phần lớn thời gian ngày thứ Tư (04/04) để cố gắng xoa dịu tâm lý thị trường sau khi cả hai quốc gia tuyên bố áp thuế lẫn nhau. Bên cạnh đó, ông Kudlow cho hay Mỹ và Trung Quốc vẫn còn thời gian để giải quyết những bất đồng.
“Hãy nhớ rằng chưa có hàng rào thuế quan nào được thực thi cả. Đó vẫn chỉ là những đề xuất thôi”, ông Kudlow cho biết trong một cuộc phỏng vấn, nhưng lại không tiết lộ cụ thể về kế hoạch của Nhà Trắng. “Chúng tôi vẫn để cộng đồng bình luận về các biện pháp này. Vẫn còn ít nhất là 2 tháng trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào”.
Đại sứ Trung Quốc, Cui Tiankai, cũng cho biết lựa chọn hàng đầu của ông sẽ là đàm phán với Mỹ về thương mại. “Các cuộc đàm phán vẫn là lựa chọn ưu tiên của chúng tôi, nhưng cần phải có sự sẵn lòng từ 2 phía”, ông Cui cho biết. “Chúng tôi sẵn sàng tham khảo ý kiến và đàm phán với Mỹ, nhưng nếu bên kia làm mọi thứ đi sai hướng thì chúng tôi buộc phải đáp trả”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|