Thứ Ba, 17/04/2018 18:09

Quảng Ninh, từ 4 câu hỏi khó của vị tỷ phú đến kỳ vọng hút nhà đầu tư "top 500"

"Hy vọng khi Quốc hội bấm nút thông qua luật đặc khu, cùng với hạ tầng kết cấu đồng bộ, quy hoạch bài bản đã được tạo dựng, thì dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại sẽ vào", ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông nói:

- Quảng Ninh xác định giao thông chính là động lực tăng trưởng. Chúng tôi phấn đấu trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp và hiện đại, trong đó phát triển hệ thống giao thông hiện đại được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của địa phương.

Vì vậy, chính quyền và hệ thống chính trị đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo đòn bẩy để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Trên thực tế, từ vài thập kỷ trước, Quảng Ninh đã chú trọng phát triển nhiều dự án giao thông kết nối các địa bàn trong tỉnh.

Từ 1993, Quảng Ninh đã hoàn thành kết nối trung tâm các huyện và thị trấn trong tỉnh. Đến 1998, hoàn thành cầu hóa các đập tràn trên chiến lược giao thông và tranh thủ nguồn lực đầu tư, tổ chức quốc tế để đầu tư các dự án chiến lược như cầu Bãi Cháy, cảng Cái Lân hay những hạ tầng giao khác.

Và trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, Quảng Ninh tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư nhất là từ kinh tế tư nhân, thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công-tư để triển khai dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm mang tới diện mạo hạ tầng giao thông mới theo hướng đồng bộ hiện đại.

Thi công cầu Bạch Đằng tại Quảng Ninh.

Nhưng vì lý do gì, Quảng Ninh lại ưu tiên lựa chọn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư, chứ không phải hình thức đầu tư nào khác, thưa ông?

Với nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế, quỹ quốc tế theo các xu thế eo hẹp dần, nên việc trông chờ ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng là không khả thi.

Thời gian qua, Đảng và Chính phủ với những quyết sách mạnh mẽ, có nghị định và khung pháp lý tạo điều kiện cho các địa phương hút nguồn lực tư nhân để đầu tư hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, nguồn lực từ kinh tế tư nhân trong nước đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Rất may mắn, tại Quảng Ninh có nhà đầu tư chiến lược, họ sẵn sàng chia sẻ và chung tay cùng chúng tôi để đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ. Với chúng tôi, đây là cơ hội để Quảng Ninh phát triển hạ tầng giao thông hiện đại.

Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang được hoàn thiện.

Đã có nhà đầu tư chiến lược tham gia hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, vậy các ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhà đầu tư chiến lược?

Tôi kể câu chuyện này hơi dông dài một chút. Cách đây 5 năm, một tỷ phú Mỹ đã đến Vân Đồn để khảo sát đầu tư. Sau một ngày, ông ấy đưa ra 4 câu hỏi.

Thứ nhất, quy hoạch tầm quốc gia xác định Việt Nam có bao nhiêu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như Vân Đồn?

Thứ hai, trong quy hoạch thì xác định thời điểm có hệ thống đường giao thông kết nối từ Hà Nội đến Vân Đồn.

Thứ ba, khi nào có luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt?

Thứ tư, người chịu trách nhiệm chính có thể thay Chính phủ, chính quyền tỉnh để trực tiếp làm việc giải đáp xử lý những vấn đề của nhà đầu tư?

Và khi đó, chúng tôi đã không thể có được câu trả lời thỏa đáng cho vị tỷ phú ấy.

Nhưng Vân Đồn hôm nay đã khác nhiều, khi đang đứng trước cơ hội trở thành một trong ba đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Nhà đầu tư chiến lược đã dũng cảm cùng với chúng tôi xây dựng dự án cảng hàng không Vân Đồn. Đây là một trong những dự án động lực có sức lan tỏa cao thu hút rất nhiều các nhà đầu tư khác quyết định đầu tư lâu dài tại Vân Đồn.

Chúng tôi tin, sự góp mặt của những nhà đầu tư chiến lược chắc chắn sẽ giúp Quảng Ninh xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thành công trong tương lai.

Với sự đổi mới mạnh mẽ của hạ tầng, ông kỳ vọng như thế nào về khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Quảng Ninh nói chung và đặc khu kinh tế Vân Đồn nói riêng?

Hy vọng khi Quốc hội bấm nút thông qua luật đặc khu, cùng với hạ tầng kết cấu đồng bộ, quy hoạch bài bản đã được tạo dựng, thì dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại sẽ vào.

Họ sẽ cùng với nhà đầu tư trong nước khai thác tốt nhất lợi thế ở vùng đất này.

Khi các yếu tố đã được chuẩn bị kỹ: luật được thông qua, quy hoạch bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, bộ máy chính quyền thông suốt, hiệu lực hiệu quả, vai trò của người đứng đầu xứng tầm thì chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ thế giới. Những nhà đầu tư đứng trong nhóm 500 nhà đầu tư tầm cỡ thế giới là hoàn toàn khả thi.

Minh Lý

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Khi bầu Đức cho quân chơi giải ngoại… (17/04/2018)

>   Bộ Giao thông kiến nghị giữ trạm BOT Cai Lậy, giảm 60% mức phí (17/04/2018)

>   Hai nhà ga metro đầu tiên của TP HCM sắp hoàn thành (17/04/2018)

>   Mô hình Hybrid: Làn gió mới của hàng không thế giới (17/04/2018)

>   Chi phí logistics trì kéo kinh doanh (17/04/2018)

>   "Miếng bánh" 20 tỷ USD và cách để du khách nâng chi tiêu lên 1.080 USD/người (16/04/2018)

>   Thủ tướng chính thức kết luận phương án mở rộng Tân Sơn Nhất (16/04/2018)

>   Bộ Lao động lấy ý kiến về 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019 (16/04/2018)

>   Tiếp bước VTVcab, SCTV cũng sẽ cắt loạt kênh truyền hình nước ngoài? (16/04/2018)

>   Chủ tịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu (16/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật