Thứ Hai, 23/04/2018 21:41

Giảm chi phí, tăng chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu

Cần có giải pháp giảm các chi phí sản xuất, dịch vụ cũng như ổn định chất lượng sản phẩm, uy tín nhằm thúc đẩy xuất khẩu; và không để tình trạng "con sâu" làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu chung của cả nước. Đây là nội dung chỉ đạo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra vào ngày 23-4.

Nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện đang dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi trọng thế giới là thị trường để vươn tới. Do đó, Việt Nam cần tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, lãnh đạo các địa phương và bộ ngành đã nêu lên các vấn đề nổi cộm về thể chế pháp luật và cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng,... để tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.

Vấn đề chi phí được nhiều ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chi phí cao thì không thể cạnh tranh. Do đó, cần phải tính toán, cắt giảm chi phí ở mọi khâu là rất quan trọng như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương... Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn”… vẫn còn tồn tại. Các lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh,... cần tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng khác là khâu quản lý chất lượng sản phẩm. Theo Thủ tướng, sản phẩm của Việt Nam đã được khẳng định về chất lượng tốt thông qua việc xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, nhưng đáng tiếc là vẫn còn chuyện "con sâu làm rầu nồi canh”, nhất là một số vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội bức xúc như thông tin cà phê nhuộm than pin. Với trường hợp này, Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo địa phương điều tra, khởi tố nghiêm túc đối với các đối tượng có liên quan.

Người đứng đầu chính phủ cũng lưu ý cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thật sự nghiêm túc về chất lượng sản phẩm. Nếu không tăng cường quản lý chất lượng thì sẽ mất uy tín. Do đó, theo Thủ tướng là phải tạo phong trào trong người dân về đấu tranh, chống tình trạng làm gian, làm dối trong sản xuất sản phẩm.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên động tĩnh về xuất nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Do đó, phải có giải pháp đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trước khi sản xuất sản phẩm phải nghĩ đến việc tiêu thụ ở đâu, sản xuất cái mà xã hội cần chứ không phải cái mà mình có để tránh tình trạng dư thừa, mất lợi thế cạnh tranh của đất nước. Ông cũng cho rằng, các hiệp hội, ngành nghề cần phải hợp tác, hỗ trợ nhau để phát triển.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động về xuất nhập khẩu trong bối cảnh tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh. Các nước nâng mức tiêu chuẩn về nông sản, thực phẩm; những rủi ro về hoạt động xuất khẩu cho nên tính cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu ngày càng gay gắt...

Vấn đề nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu cũng được ông đặt ra, trong đó là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam liên kết được với khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu,...

Theo Thủ tướng, năm 2017 qua, cả nước lần đầu tiên xuất khẩu mốc trên 200 tỉ đô la mỹ, trong đó có những ngành hàng có kim ngạch lớn. Việt Nam gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 hiệp định FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đây là điều quan trọng để Việt Nam không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế,...

Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu, ông nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần tiếp tục trả lời 5 câu hỏi mà ông nêu ra. Đó là làm sao tăng giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu? Sáng kiến để loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, cơ hội, rủi ro, những định hướng thị trường để sản xuất, xuất khẩu…?

Lê Hoàng

Thời báo kinh tế Sài gòn

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu Việt Nam tăng 2,2 lần sau 7 năm (23/04/2018)

>   Bộ trưởng Tài chính: Thuế tài sản không ảnh hưởng nhu cầu có nhà của người nghèo (20/04/2018)

>   Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% (20/04/2018)

>   Chặn tiền ảo phi pháp, quản tín dụng bất động sản và chứng khoán (20/04/2018)

>   Thuế tài sản phải công bằng (19/04/2018)

>   Môi trường “vàng” cho tăng trưởng (15/04/2018)

>   Vì sao Bộ Tài chính đề xuất thu Thuế Tài sản? (14/04/2018)

>   Tăng thuế VAT, ranh giới giàu - nghèo sẽ “rộng” hơn (13/04/2018)

>   Nỗi lo tăng trưởng (12/04/2018)

>   Chỉ đích danh những cơ quan không nghiêm túc báo cáo về chống lãng phí (12/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật