Chủ Nhật, 29/04/2018 16:00

Đừng đơn độc ra thế giới

Việt Nam đang là thị trường nóng cho các thương hiệu nước ngoài “đổ bộ” vào. Không chỉ là các thương hiệu riêng lẻ, các thương hiệu lớn cùng với các công ty tổ chức hội chợ, quy tụ dưới hình thức nhóm, hiệp hội, quốc gia đang tạo thành những hiệu ứng mạnh mẽ gửi đến thị trường.

Trong những năm gần đây, triển lãm về ngành bán lẻ và nhượng quyền đều đặn được tổ chức tại Việt Nam từ 1-2 lần mỗi năm. Ảnh: NL

Hàng loạt hội chợ triển lãm trong nước lẫn quốc tế đang đều đặn “tấp” về TPHCM, nhất là trong tháng 4 này, phản ánh phần nào bức tranh kinh doanh sôi động của thành phố.

Cuộc “đổ bộ” của Hàn Quốc

Trong những năm gần đây, triển lãm về ngành bán lẻ và nhượng quyền đều đặn được tổ chức tại Việt Nam từ 1-2 lần mỗi năm, tạo ra sân chơi chuyên ngành cho các doanh nghiệp. Những người kinh doanh trực tiếp hoặc có liên quan đến lĩnh vực nhượng quyền đã không còn xa lạ với cái tên Coex, một đơn vị đến từ Hàn Quốc, chuyên tổ chức triển lãm quốc tế về nhượng quyền thương hiệu và bán lẻ tại TPHCM.

Từ năm 2016 trở về trước, khách tham quan không khó để nhìn thấy sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế trong ngành F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ thực phẩm và thức uống) cùng nhiều ngành khác trong các triển lãm tại Việt Nam để tìm kiếm đối tác nhượng quyền.

Đến năm 2017, yếu tố Việt Nam đã xuất hiện nhiều hơn (xem bảng). Có thêm các thương hiệu F&B và các dịch vụ, sản phẩm khác như dịch vụ làm đẹp, giáo dục... do người Việt Nam xây dựng, chủ động tham gia triển lãm để quảng bá thương hiệu và tiến hành nhượng quyền. Những thương hiệu mong muốn nhượng quyền đã thể hiện phần nào xu hướng phát triển hình thức nhượng quyền thương mại tại thị trường đang lên như Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, nhiều chuyên gia nhận định rằng các nhà nhượng quyền đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường Việt Nam nên không ngần ngại xuất hiện, biểu dương sức mạnh, đặc biệt là các quốc gia châu Á mà Hàn Quốc chính là nước đã đi đầu và kiên trì khai thác mảng kinh doanh này ngay trên thị trường Việt Nam.

Theo ghi nhận của người viết, tính đến cuối năm nay, tháng 11-2018, sẽ là lần thứ 10 Coex (đơn vị triển lãm, trực thuộc Korea International Trade Association) tổ chức triển lãm bán lẻ và nhượng quyền tại TPHCM. Nói về kinh nghiệm tổ chức thì có thể thấy Coex đã hiểu và nắm bắt sự phát triển thị trường nhượng quyền tại Việt Nam rất nhanh nhạy. Hầu hết các triển lãm do Coex tổ chức luôn có khu vực Premium Korea, dành riêng cho các thương hiệu đến từ xứ sở kim chi, được sắp xếp nằm ở vị trí đẹp nhất và có sự đầu tư cao.

Người Thái không đứng im, tăng tốc để cạnh tranh và chính thức bước vào lĩnh vực triển lãm nhượng quyền tại Việt Nam như là một đối thủ trực tiếp với Hàn Quốc.

Ngoài việc tổ chức “Premium Korea” cho Hàn Quốc, Coex tại Việt Nam còn biết cách tăng sức hấp dẫn và chuyên nghiệp cho hội chợ khi năm 2017 họ tăng cường tổ chức sự kiện mang tính quốc tế bằng việc mở rộng mạng lưới kết nối với các tổ chức chuyên ngành nhượng quyền trong khu vực. Kết quả là sự có mặt của Hiệp hội Nhượng quyền đến từ Philippines, Malaysia, Singapore đã tạo thêm nhiều màu sắc chuyên ngành cho hội chợ.

“Người chơi mới” từ Thái Lan

Năm 2018 đánh dấu miếng bánh bán lẻ và nhượng quyền của Việt Nam được chia phần ra bằng sự xuất hiện của “ông lớn” đến từ Thái Lan - Reed Tradex (đơn vị tổ chức triển lãm Shop n Store tại TPHCM vào cuối tháng 3-2018).

Người Thái không đứng im, tăng tốc để cạnh tranh và chính thức bước vào lĩnh vực triển lãm nhượng quyền tại Việt Nam như là một đối thủ trực tiếp với Hàn Quốc.

Có nhiều lý do để người Thái xuất hiện mà quan trọng nhất là việc phủ sóng truyền thông Việt Nam trong năm 2017 bởi các thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) và độ phủ sản phẩm Thái Lan trong các chuỗi siêu thị Việt Nam. Chính vì thế, Reed Tradex đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, lần đầu tiên tổ chức hội chợ triển lãm tại Việt Nam với sự tham gia của khoảng 100 gian hàng. Kết thúc ngày đầu tiên của triển lãm, đại diện đơn vị tổ chức, ông Suttisak Wilanan, Phó giám đốc điều hành của Reed Tradex, đã không giấu tham vọng sẽ nâng số lượng các đối tác tham gia lần thứ hai lên con số gấp đôi, tức 200 gian hàng.

Năm đầu tiên có lẽ là một bước thăm dò thị trường nên không có nhiều gian hàng mang thương hiệu Thái Lan xuất hiện, nhưng có thể lần thứ hai tổ chức Reed Tradex sẽ theo bài bản của Hàn Quốc, bằng sự “đổ bộ” của hàng loạt hàng hóa Thái Lan. Liệu họ có đi theo con đường của người Hàn, một khi đi ra quốc tế là phải đi dưới một thương hiệu quốc gia, với tinh thần nhất quán và đoàn kết?

Thái Lan cũng chưa phải là người chơi cuối cùng trong cuộc đua tổ chức triển lãm nhượng quyền và bán lẻ tại Việt Nam, bởi đâu đó đã thấp thoáng bóng dáng của các nhà kinh doanh nhượng quyền đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan...

Doanh nghiệp Việt Nam, cần một “đội hình” thống nhất

Việt Nam không thiếu các đơn vị tổ chức triển lãm có kinh nghiệm nhưng vì nhiều lý do mà chưa có một đơn vị đứng ra tổ chức triển lãm nhượng quyền cho thương hiệu Việt Nam, và đa phần là các đơn vị tổ chức cùng hợp tác với đối tác nước ngoài hoặc cho thuê thương hiệu.

Từ những năm 2000 trở đi, Việt Nam đã có các thương hiệu nhượng quyền như Phở 24, cà phê Trung Nguyên, Highland hay Wrap and Roll... Từ đó đến nay thị trường nhượng quyền Việt Nam vẫn tiếp tục sôi động khi nhiều nhà kinh doanh trẻ trong ngành cà phê, ẩm thực, dịch vụ đang tiếp tục tìm kiếm nhiều thương hiệu nước ngoài lẫn xây dựng thương hiệu trong nước để nhượng quyền.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hiệp hội về nhượng quyền chính thức đại diện cho các thương hiệu Việt, thực hiện các chức năng hỗ trợ, hướng dẫn cho sự phát triển của các thương hiệu Việt ngay tại thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế không ngạc nhiên khi thương hiệu Việt vắng bóng hoặc xuất hiện đơn lẻ tại các triển lãm chuyên ngành nhượng quyền ngay trên đất của mình, chưa nói đến việc các thương hiệu Việt trong ngành bán lẻ và nhượng quyền có thể xuất hiện chung dưới thương hiệu quốc gia để phát triển ra thế giới.

Các thương hiệu nhượng quyền quốc tế đến Việt Nam chiếm áp đảo nên chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam nếu xuất hiện riêng lẻ sẽ khó tạo ấn tượng đặc biệt. Bản thân từng doanh nghiệp xuất hiện riêng lẻ sẽ rất dễ bị “pha loãng” trong một rừng các thương hiệu quốc tế đến Việt Nam. Còn khi doanh nghiệp đi tham dự hội chợ ở nước ngoài, nếu không có gì nổi trội, mà còn “mồ côi một mình”, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chỉ tốn tiền mà không mang lại hiệu quả cụ thể nào.

Chị N.T.N, chủ doanh nghiệp dịch vụ Home Spa, cho biết chị tham gia triển lãm Shop n Store vừa qua vì “muốn giới thiệu mô hình kinh doanh và mong tìm được đối tác nhượng quyền trong và ngoài nước”. Tuy vậy, triển lãm không phải là nơi chuyên bán lẻ sản phẩm/ dịch vụ để có doanh thu và phải trả phí tham dự. Cho dù doanh nghiệp tham dự triển lãm một lần hay nhiều lần cũng không đảm bảo sẽ dễ dàng ký kết một hợp đồng nhượng quyền ngay tại triển lãm.

Còn chị Ngọc Thúy, chủ doanh nghiệp cà phê Iced Coffee ở Nha Trang, nói rằng chị đã tham gia vài hội chợ nhượng quyền và bán lẻ của nước ngoài tại TPHCM, chi phí gian hàng quá cao nên đó cũng là một thách thức lớn cho doanh nghiệp nhỏ.

Mặt khác, các thương hiệu nhượng quyền quốc tế đến Việt Nam chiếm áp đảo nên chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam nếu xuất hiện riêng lẻ sẽ khó tạo ấn tượng đặc biệt. Bản thân từng doanh nghiệp xuất hiện riêng lẻ sẽ rất dễ bị “pha loãng” trong một rừng các thương hiệu quốc tế đến Việt Nam. Còn khi doanh nghiệp đi tham dự hội chợ ở nước ngoài, nếu không có gì nổi trội, mà còn “mồ côi một mình”, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chỉ tốn tiền mà không mang lại hiệu quả cụ thể nào.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, trong ngành bán lẻ và nhượng quyền, ngay tại thị trường Việt Nam, vẫn chưa có một đơn vị hay hiệp hội nào của Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp hoặc tập hợp một số doanh nghiệp để cùng tạo thành một “đội hình thống nhất”, có chung một tiếng nói để quảng bá, xúc tiến các chương trình nhượng quyền. Duy nhất có một nhóm 4-5 thương hiệu Việt “đứng” chung trong một “ngôi nhà” trong triển lãm Shop n Store vừa qua do một công ty Việt Nam chuyên tư vấn về nhượng quyền - Retail & Franchise Asia đứng ra tổ chức cho doanh nghiệp này.

Một doanh nghiệp đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm nhượng quyền, ước tính rằng nếu một doanh nghiệp tham gia hội chợ, có khoảng 60 người để lại thông tin liên lạc, và sau sự kiện, nhà nhượng quyền còn giữ liên lạc và tiếp tục trao đổi vấn đề nhượng quyền với khoảng 5% trong số 60 người là đã thành công. Việc có đi đến ký kết hợp đồng hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố cần xem xét cho cả hai phía.

Gần đây, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007-2018 đã có 203 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình kinh doanh. Còn từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép nhượng quyền cho bảy công ty nước ngoài vào Việt Nam. Không chỉ vậy, ngày càng nhiều các thương hiệu từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Các con số cho thấy thị trường bán lẻ và nhượng quyền đang tiếp tục gia tăng sức nóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc có một đơn vị Việt Nam đứng ra tổ chức triển lãm chuyên ngành nhượng quyền tại chính đất nước mình dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Cái chính là Việt Nam chưa hình thành một “xã hội thu nhỏ” về kinh doanh nhượng quyền chuyên nghiệp, thống nhất và đoàn kết. Trong đó cần thiết phải có sự kết hợp của ba tác nhân: (1) hiệp hội nhượng quyền chuyên nghiệp dành cho các thương hiệu Việt Nam muốn tiến xa ra thế giới, (2) “tế bào doanh nghiệp” tham gia chung trong một “xã hội nhượng quyền”, (3) sự định hình chiến lược thương hiệu quốc gia để làm kim chỉ nam cho hành trình đưa thương hiệu Việt đi “xuất khẩu”.

Hành trình đoàn kết, nắm tay nhau đưa thương hiệu bán lẻ và nhượng quyền của Việt Nam ra nước ngoài sẽ còn một chặng đường dài. Dẫu vậy, thà muộn còn hơn không. Nói như chị N.T.N: “Nếu có một thương hiệu chung của quốc gia để giới thiệu khi ra thế giới thì đó là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, là niềm tự hào về tinh thần dân tộc của mỗi doanh nghiệp khi được là đại diện của Việt Nam vươn ra thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đang mong chờ điều này”.

Mai Hương

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Xuất cà phê giá rẻ (29/04/2018)

>   Thái Sơn - Bộ Q.P liên quan gì đến đại tá Phùng Danh Thắm? (29/04/2018)

>   Đặc khu kinh tế - canh bạc của các quốc gia (29/04/2018)

>   'Ép' thanh toán qua ngân hàng (28/04/2018)

>   Mở rộng điều tra vụ án Út 'trọc', khởi tố Đại tá Phùng Danh Thắm (28/04/2018)

>   Xuất khẩu rau quả Việt tăng 'thần kỳ' nhưng 3/4 bán sang Trung Quốc (28/04/2018)

>   Những cơn sốt đầu tư ở ba đặc khu tương lai (28/04/2018)

>   Hàng trăm tài khoản ATM bị 'tấn công', đã đền tiền cho 3 chủ thẻ (28/04/2018)

>   Người tiêu dùng Việt Nam hoan nghênh thương mại điện tử (28/04/2018)

>   Vụ Vũ 'nhôm' còn cán bộ dính sai phạm, đến mức khởi tố (27/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật