Người tiêu dùng Việt Nam hoan nghênh thương mại điện tử
Ông Trần Ngọc Thái Sơn lập nên start-up về thương mại điện tử của mình trong căn phòng ngủ của bố mẹ ở Thành phố Hồ Chí Minh, và chính thức đi vào hoạt động vào một buổi sáng ngày thứ Bảy trong năm 2010.
Đơn hàng đầu tiên đến vào ngày thứ Hai tuần kế đó khi ông Sơn mời một người bạn đặt mua một cuốn sách và sau đó, ông tự mình giao hàng bằng xe máy.
8 năm sau đó, Tiki.vn đã mở rộng từ việc chỉ bán bản gốc của các cuốn sách bằng tiếng anh cho tới các hàng hóa từ tã lót em bé và linh kiện điện tử cho tới vé máy bay và bảo hiểm. Công ty có tổng giá trị hàng hóa gộp hàng năm – một chỉ báo mà các trang web thương mại điện tử dùng để đo lường doanh thu – là 240 triệu USD và phân phối khắp Việt Nam.
“Việt Nam là một quốc gia rất trẻ đang bước vào giai đoạn dân số vàng”, ông Sơn nói rõ, đề cập tới biểu đồ dân số của Việt Nam vốn đang nghiêng về phía người trẻ tuổi. “Chúng ta là một đất nước làm việc và mua sắm”.
Ông cho biết Tiki có cơ hội để niêm yết lên thị trường chứng khoán trong vòng 4 năm và công ty vẫn đang xem xét mở rộng ra cả khu vực, có khả năng bắt đầu từ Đài Loan.
Tiki.vn là một trong số những công ty thương mại điện tử có trụ sở ở Việt Nam – nơi thu nhập ngày càng gia tăng và mức độ gắn kết qua Internet ngày càng tăng trưởng đã thúc đẩy nhiều người mua sắm trực tuyến. Nhiều trong số này có sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, như Lazada có sự hỗ trợ từ Alibaba.
Tháng trước, Amazon – ông lớn thương mại điện tử ở Mỹ – đã tham gia vào hội nghị ngành ở Việt Nam, qua đó khiến các nhà bán lẻ – và một số người tiêu dùng có sử dụng trang web của Amazon, trả phí vận chuyển và thuế nhập khẩu cao – dự đoán công ty này sẽ sớm thâm nhập vào Việt Nam. Amazon vẫn chưa bình luận về kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, cuộc canh tranh về thương mại điện tử phần lớn chỉ diễn ra giữa các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc. Lazada – do Alibaba kiểm soát – hiện đang là công ty dẫn đầu thị trường thương mại điện tử, còn JD.com đã mua lại 22% cổ phần tại Tiki với giá trị thương vụ không được tiết lộ. Bên cạnh đó, Shoppee hiện do Sea sở hữu, và Sea thì lại có Tencent là cổ đông.
Ở khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử vẫn cất cánh chậm hơn so với Trung Quốc vì những thách thức về logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đang nở rộ: Công ty tư vấn Bain gần đây ước tính rằng khu vực Đông Nam Á có 200 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số – những người mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến – trong tổng số 405 triệu người lớn. Việt Nam chiếm tới 35 triệu người trong số này.
Dân số trẻ của Việt Nam là một trong số những người sử dụng thiết bị di động nhiều nhất trong khu vực này, và người tiêu dùng Việt Nam cũng dành nhiều thời gian cho việc lên mạng hơn các quốc gia láng giềng khác. Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen ước tính rằng người dân Việt Nam dành ra khoảng 25 giờ mỗi tuần cho việc lên mạng, bằng hoặc thấp hơn Singapore và Philippines.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đối mặt với một thách thức đặc biệt về thị trường giao nhận vì đường xá kém chất lượng, tắc nghẽn giao thông, nhóm thương mại điện tử cho biết.
“Thách thức đối với thương mại ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là logistics”, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc phụ trách logistics của Lazada tại Việt Nam, cho biết.
Các công ty thương mại điện tử cũng đối mặt với cạnh tranh khốc liệt với các cửa hàng mua sắm vật lý – vốn đang được đầu tư rất nhiều và doanh thu gia tăng nhờ sự bùng nổ của tăng trưởng kinh tế Việt Nam với hơn 7% trong năm ngoái. Người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá, qua đó gây thêm áp lực cho quá trình xác định giá và phí vận chuyển.
Huỳnh Mai (25 tuổi), vốn đang làm việc cho một công ty quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những người mua sắm trực tuyến mà các nhà bán lẻ đang nhắm tới. Mai đã chuyển từ thanh toán tiền mặt sang sử dụng thẻ Visa. Cô cũng thường lên mạng để mua sắm mỹ phẩm, quần áo và đồ gia dụng, gần đây cô đã mua một chiếc máy giặt Electrolux cho gia đình thông qua Lazada.
Cô mua sách trên Tiki và cảm thấy phấn khích bởi tin đồn Amazon có thể đặt chân tới Việt Nam. Thỉnh thoảng, Mai vẫn mua hàng trên trang web của Amazon thông qua một người bạn sống ở Mỹ, trả thêm phí để chuyển món hàng về lại Việt Nam.
“Nếu Amazon vào Việt Nam thì điều này sẽ rất tuyệt vời”, cô Mai cho hay. “Tuy nhiên, thách thức sẽ là mức giá của sản phẩm: Tôi nghĩ nếu họ muốn chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng Việt Nam thì họ phải đưa ra mức giá tốt nhất”.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FiLi
|