Thứ Tư, 18/04/2018 20:30

3 lời khuyên từ nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới

Theo Forbes, với khối tài sản ròng 7.4 tỷ USD, bà Zhou Qunfei (48 tuổi), sáng lập viên và CEO của Lens Technology, một lần nữa trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.

Bà Zhou Qunfei, sáng lập viên và CEO của Lens Technology

Được sinh ra ở một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam, phía đông Trung Quốc, bà Zhou đã không có được một tuổi thơ êm đềm. Mất mẹ khi mới lên 5, còn cha bị mù và mất một ngón tay trong một vụ tai nạn tại nhà máy nơi ông làm việc, bà phải học cách tự sống sót, như trong một email bà gửi cho CNBC: “Tôi lúc nào cũng phải nghĩ về bữa ăn tiếp theo và làm sao để có được nó”.

Để kiếm tiền đóng học phí, bà Zhou đã bỏ ngang cấp trung học ở tuổi 16 và đến thành phố Thâm Quyến ở phía nam Trung Quốc để làm việc trong một nhà máy sản xuất kính đồng hồ đeo tay vào năm 1986. Sau đó, bà được đề bạt lên vị trí quản lý. Tuy nhiên, bà lại có những giấc mơ lớn hơn.

Năm 1993, với 20,000 đô la Hồng Kông tiết kiệm được (khoảng 2,547.80 USD), bà Zhou và 8 thành viên trong gia đình mình mở một xưởng in lụa tại căn hộ 3 phòng ngủ ở Thâm Quyến, nơi được dùng để vừa làm việc vừa sinh sống của họ.

Trong căn hộ đó, bà đã lập ra công ty đầu tiên của mình. 10 năm sau, bà đã tạo dựng được một công ty làm mặt kính đồng hồ và thuê 1,000 người. Tuy nhiên, số phận của bà đã thay đổi vào năm 2003 khi bà nhận được một cuộc gọi từ Motorola, hỏi rằng bà có muốn trở thành nhà cung cấp cho họ hay không.

Bà Zhou chấp nhận lời mời đó và nó đã giúp cho công ty bà được cả quốc tế biết đến. Giờ đây, với cương vị là CEO của Lens Technology, bà đã xây dựng được một đế chế sản xuất kính cho các gã khổng lồ công nghệ như Tesla, Apple, Samsung và Huawei.

Bà cho rằng thành công của mình là nhờ vào sự kiên trì. “Thử thách lớn nhất mà tôi từng gặp phải là khi tôi đánh bại những đối thủ khác và giành được hợp đồng với Motorola vào năm 2003”, bà nói.

Trước đó, bà chỉ mới bắt đầu kinh doanh và không có được nhiều chọn lựa trong vấn đề tài chính, nhưng lại muốn bảo đảm rằng hợp đồng trên diễn ra suôn sẻ. Kết quả là, bà phải bán đi ngôi nhà của mình và những tài sản có giá trị khác để đáp ứng nhu cầu của công ty. Tuy nhiên, bà vẫn thiếu vốn và trở nên tuyệt vọng.

Bà thừa nhận rằng đó là khoảnh khắc đen tối nhất trong cuộc đời doanh nhân của mình. “Tôi đứng trên sân ga của nhà ga Hung Hom ở Hồng Kông, gần như mất hồn và mê sảng vì nghĩ rằng khi mình mất đi thì mọi rắc rối cũng sẽ tan biến theo”, bà kể lại.

Nhưng sau đó một cuộc gọi từ cô con gái đã kéo bà về với thực tại. Bà chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng vì gia đình và các nhân viên của mình, tôi không thể bỏ cuộc. Tôi phải tiếp tục”. Với sự giúp đỡ của Motorola, bà đã vượt qua được những vấn đề về tài chính.

Năm 2004, công ty Lens Technology của bà đã bán được hơn 100 triệu chiếc chỉ riêng cho Motorola V3 – mẫu điện thoại màn hình phẳng với câu chào mang tính biểu tượng “Hello Moto”. Năm 2007, loại kính bảo vệ của bà đã đánh bại những đối thủ Trung Quốc khác để trở thành nhà cung cấp chính cho Apple.

Ngày 18/03/2015, 22 năm sau khi bà thành lập xưởng làm việc gia đình tại căn hộ 3 phòng ngủ năm xưa, công ty Lens Technology bắt đầu bán cổ phiếu ra công chúng. Theo Forbes, hiện tại công ty này được định giá 11.4 tỷ USD, với hơn 82,000 nhân viên trên khắp Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC qua email, bà đã chia sẻ 3 lời khuyên dành cho các doanh nhân:

1. Hãy chuẩn bị thật kỹ

Bà Zhou nói rằng doanh nhân luôn cần được chuẩn bị cho những gì sắp đến. Bà cho rằng có một vài khía cạnh cần phải quán triệt: “Trước tiên, hãy cải thiện sự cạnh tranh chung của bạn. Thứ hai, bạn phải mạnh mẽ về mặt tinh thần. Thứ ba, hãy củng cố sự hiểu biết về thị trường và các đối thủ của bạn”, bà viết.

Bà cho rằng kinh nghiệm khi làm nhân viên trong một dây chuyền sản xuất và sau này là quản lý cho người chủ đầu tiên đã giúp bà có được sự tự tin, điều mà rất quan trọng đối với những ngày đầu của Lens Technology. “Bạn phải tăng dần sự dũng cảm để đối mặt với thất bại”, bà nói thêm.

Bà cũng cho biết mình thường chuẩn bị vài kế hoạch dự phòng khi đến thăm các khách hàng trong những năm mới khởi nghiệp. “Tôi luôn nghĩ về chuyện mình sẽ nói gì nếu họ từ chối đề xuất của tôi, vì từ chối là điều liên tục xảy ra, bạn cần phải chuẩn bị kỹ”.

2. Luôn nhiệt tình học tập

“Khách hàng sẽ không trả cho những sản phẩm của bạn một mức giá tốt hơn chỉ vì bạn có một bằng cấp cao hơn, nhưng kiến thức của bạn về kinh doanh sẽ giúp duy trì sự cạnh tranh của công ty bạn”, bà nói.

Về phần mình, bà đã tham gia các khóa học bán thời gian trong khi làm nhân viên nhà máy và đã lấy các chứng chỉ về kế toán, vận hành bằng máy tính và thậm chí là bằng lái xe tải thương mại.

“Khi có khả năng học, bạn sẽ có khả năng tiếp tục phát triển”, bà đúc kết.

3. Đừng bao giờ bỏ cuộc dễ dàng

Bà Zhou nói rằng sự tự tin của nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi họ gặp phải trở ngại. Tuy nhiên, chìa khóa dẫn tới thành công là kiên trì, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.

Để xây dựng tinh thần đồng đội, bà từng dẫn 20 người trong đội ngũ quản lý của công ty đi leo núi Dawei cao hơn 5,000 foot (tương ứng 1,524 m) so với mực nước biển ở tỉnh Hồ Nam. Một vài thành viên trong nhóm muốn bỏ cuộc khi lên giữa chừng. Tuy nhiên, bà đã yêu cầu rằng họ không được dừng lại và phải đi tiếp.

Bà nói rõ: “Bởi vì khi bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không có can đảm để quay lại và bắt đầu lại từ chân núi, bạn vẫn sẽ bỏ cuộc. Chỉ khi kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc chỉ vì một chút trở ngại”.

Nhã Thanh (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Gia đình đại gia Korean Air đang bị ‘truy sát’ (18/04/2018)

>   Tỉ phú tiền ảo, chồng cũ của người sáng lập Jimmy Choo chết bí ẩn (18/04/2018)

>   Cần và đủ để làm việc cho một công ty khởi nghiệp (17/04/2018)

>   Tỷ phú bất động sản: Hóa ra bị sa thải là điều tốt đẹp nhất từng xảy ra với tôi (17/04/2018)

>   Muốn "đấu" với Alibaba, startup Trung Quốc chuẩn bị IPO 4 tỷ USD (17/04/2018)

>   Lê Hoàng Uyên Vy tham vọng xây dựng công ty công nghệ vượt tỷ đô (17/04/2018)

>   Bà chủ Nón Sơn mê làm nón thủ công (16/04/2018)

>   CEO Blackberry đã làm được gì mà sắp bỏ túi 150 triệu USD? (24/03/2018)

>   Johann Rupert – người đưa hàng xa xỉ lên mạng (16/04/2018)

>   Chưa thỏa mãn với điều trần của Facebook (13/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật