Johann Rupert – người đưa hàng xa xỉ lên mạng
Richemont hay Compagnie Financière Richemont SA không phải là cái tên xa lạ trong giới kinh doanh hàng xa xỉ, và ông chủ Johann Peter Rupert đến từ Nam Phi đã tạo nên một đế chế kinh doanh cho mình ngay tại Thụy Sĩ. Người ta biết về nhà sáng lập Rupert trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là người đang thực hiện cuộc cải cách đưa những mặt hàng xa xỉ trong các cửa hàng xa hoa nơi các trung tâm kinh tế của thế giới lên không gian mạng.
Johann Rupert, chủ nhân của tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ Richemont.
|
Cuối tháng 1 vừa qua, Richemont – vốn sở hữu nhiều nhãn hàng xa xỉ – đã ra giá mua số cổ phần còn lại của nhà bán lẻ trực tuyến xa xỉ phẩm hàng đầu Yoox Net-à-Porter (YNAP) với giá 2,7 tỉ euro, tương đương 3,3 tỉ đô la Mỹ. The Economist cho rằng động thái của Richemont là điều dễ hiểu, bởi thời kỳ tăng trưởng hai con số trong ngành hàng xa xỉ đã qua đi, và mức tăng trong năm 2017 chỉ là 5%, đưa doanh số toàn ngành lên mức 1.200 tỉ euro.
Đáng chú ý là phân khúc đồng hồ hạng sang đã trải qua những ngày tháng đặc biệt không lấy gì làm dễ chịu. Cùng lúc này nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đã giảm rất mạnh sau khi chính phủ nước này áp thuế nặng hơn đối với những ai đi du lịch quay về nước mà tay xách đầy những chiếc túi Hermès. Xu hướng lên web xem hàng trước rồi mới đến cửa hàng đang ngày càng phổ biến. Vì thế Richemont cũng như các tập đoàn hàng hiệu khác đều muốn bành trướng sự hiện diện của họ trên thị trường kỹ thuật số. Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) hiện diện trên nền tảng 24 Sèvres và Farfetch hay Claudia D’Arpizio cũng đang cạnh tranh trên mạng. Nhưng với đế chế Richemont, việc này lại rất quan trọng.
Xây dựng đế chế hàng xa xỉ Richemont
Được thành lập năm 1988 tại Geneva, Thụy Sĩ bởi Johann Rupert, Richemont nhanh chóng trở thành một tập đoàn kinh doanh xa xỉ phẩm, từ những mặt hàng xa xỉ cá nhân đắt giá như trang sức hay những chiếc đồng hồ hạng sang đến những phụ kiện xa xỉ như túi xách, với những thương hiệu nổi tiếng như A. Lange & Söhne, Azzedine Alaïa, Baume & Mercier, Cartier, Chloé, Dunhill, IWC Schaffhausen, Giampiero Bodino, Jaeger-LeCoultre, Lancel, Montblanc, Officine Panerai, Piaget, Peter Millar, Purdey, Roger Dubuis, Vacheron Constantin, và Van Cleef & Arpels. Người ta có thể thấy đây đó trên khắp châu Âu những công ty thuộc tập đoàn Richemont, ví dụ như các nhà sản xuất kinh doanh đồng hồ và đồ trang sức như A. Lange & Söhne tại Đức, Baume & Mercier và IWC Schaffhausen hay Piaget, Roger Dubuis tại Thụy Điển, Giampiero Bodino và Officine Panerai tại Ý, Cartier và Van Cleef & Arpels tại Pháp. Hệ thống các thương hiệu thời trang nam nữ cùng với những loại đồ da và phụ kiện cũng phủ khắp châu Âu châu và lan ra đến nhiều nước khác, từ Azzedine Alaïa, Chloé, Lancel ở Paris đến Dunhill ở London, Shanghai Tang ở Hồng Kông, hay Peter Millar ở Mỹ.
Dưới sự điều hành trực tiếp của người sáng lập và cũng là Chủ tịch Johann Rupert, Compagnie Financière Richemont SA đã bành trướng rất nhanh. Năm 2012 trở thành công ty lớn hàng thứ sáu tại thị trường chứng khoán Thụy Sĩ Swiss Market Index, và đến 2014 thì nhảy lên hàng thứ hai thế giới về kinh doanh hàng xa xỉ, sau tập đoàn LVMH của Pháp. Để chiếm lĩnh thị trường Rupert đã rất khôn khéo và tiên liệu với những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), nhưng để giữ vững thị trường ông chia tập đoàn thành ba nhóm hoạt động, gồm: mảng trang sức (Jewellery Maisons), chuyên doanh đồng hồ (Specialist Watchmakers), và các thương hiệu hàng xa xỉ khác bao gồm cả thời trang nam nữ hay những phụ kiện bằng da. Một điều rất đặc biệt là Compagnie Financière Rupert của riêng nhà Rupert chỉ chiếm 9,1% cổ phần tại tập đoàn nhưng lại có đến 50% quyền bỏ phiếu, và điều này cho thấy vị trí quan trọng của Johann Rupert trong việc điều hành tập đoàn và trong kế hoạch chuyển hướng kinh doanh lên mạng hiện nay.
Sự chuyển hướng này rất quan trọng đối với Richemont, cũng như cho cả ngành công nghiệp hàng xa xỉ vốn từ lâu không chấp nhận bán hàng qua mạng. Xuất hiện trong mục ý kiến trên tờ The Financial Times năm 2015, John Gapper cho rằng hàng xa xỉ đang trong thời kỳ bão hòa toàn cầu, khi mà mức tăng trưởng chỉ là 2%, đưa tổng giá trị ngành hàng lên mức 223 tỉ euro, chỉ tăng gấp ba lần so với 20 năm trước đó. Tại hội nghị của những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hàng xa xỉ FT Business tổ chức tại Monaco năm 2015, các nhà phân tích như Luca Solca tại Exane BNP Paribas cảnh báo ngành công nghiệp này phải tìm ra một phương thức phát triển mới. Thực ra tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc, nguồn lực tăng trưởng cho thị trường hàng xa xỉ đột ngột khựng lại. Và, Rupert cho rằng phương thức mới đó là đẩy mạnh thị trường về phía kinh doanh trực tuyến. Ông cho rằng doanh số thương mại điện tử của loại hàng hóa này mới chỉ chiếm 6% trong khi với các nhóm hàng khác đã lên đến 32%, nghĩa ngành hàng xa xỉ đang có cơ hội phát triển lớn.
Những món hàng xa xỉ đắt giá nay được bán trên mạng Internet.
|
Hàng xa xỉ lên mạng
Thực ra cũng như Moët Hennessy Louis Vuitton, Richemont đã nhận ra vấn đề từ trước, và trong khi LVMH thiết lập nền tảng kinh doanh trực tuyến 24 Sèvres thì Johann Rupert đổ vốn vào Yoox Net-à-Porter (YNAP), công ty thương mại điện tử hàng xa xỉ phẩm mạnh nhất hiện nay. YNAP, với hai văn phòng tại London và Milan đang trở thành điểm hẹn của những người thích mua thời trang và hàng xa xỉ, với những địa chỉ web nổi tiếng như là yoox.com hay mrporter.com. Richemont chính là nhà đầu tư ban đầu vào Net-à-Porter, và sau khi sáp nhập vào Yoox tại London với giá 1,4 tỉ đô la trong năm 2015 thì Rupert nắm giữ 50% cổ phần tại YNAP, và nay, Richemont muốn nắm trọn phần còn lại với giá 3,3 tỉ đô la để toàn quyền đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến hàng xa xỉ phẩm. “Với bước đi này, chúng tôi nhắm đến cũng cố sự hiện diện thường xuyên và kinh doanh trên kênh trực tuyến, và đây lại là việc rất quan trọng để chúng tôi có thể luôn gặp gỡ khách hàng”, ông nói
Trong hiện tại, YNAP đang là đối thủ của các cửa hiệu hàng xa xỉ lớn như Neiman Marcus and Nordstrom (JWN) tại thị trường Bắc Mỹ. YNAP cũng là nơi cung ứng công nghệ và hậu cần cho nhiều thương hiệu hàng xa xỉ, nổi tiếng như Dolce & Gabbana hay Stella McCartney. Từ nhiều năm nay, việc đưa hàng xa xỉ lên bán trên mạng Internet là điều ngần ngại, trước hết là vì tầm ảnh hưởng của các cửa hiệu lên ngành kỹ nghệ rất lớn, sau nữa người ta không muốn phơi bày giá hàng làm cho người mua rộng quyền chọn lựa. Nhà sáng lập Yoox và nay là giám đốc điều hành tại Yoox Net-à-Porter nói rằng “Năm 1999 khi tôi thành lập công ty thì người ta đã đặt câu hỏi rằng liệu tôi có thể bán trực tuyến một chiếc đồng hồ đáng giá 100.000 Euro. Và câu trả lời của tôi bây giờ cũng như 18 năm trước là có thể”. Nhiều người coi việc Rupert mua hoàn toàn YNAP là một canh bạc khi vị giám đốc điều hành rất thành thạo và thành công Federico Marchetti cho biết cũng bán hết 4% số cổ phần của mình trong đó. Nhưng Rupert có thể tin vào cam kết tiếp tục kinh doanh tại YNAP của Marchetti.
Nhu cầu chuyển hướng kinh doanh lên mạng của Richemont rất cấp bách. Năm 2016, doanh số bán hàng xa xỉ của tập đoàn đã sụt giảm 4%, xuống còn 10,6 tỉ euro. Trong khi đó thị phần kinh doanh trực tuyến của toàn ngành xa xỉ phẩm cá nhân đang tăng vọt, lên đến 9% tổng giá trị thị trường tức vào khoảng 23 tỉ euro. Công ty tư vấn Bain & Company cho rằng tỷ lệ kinh doanh trực tuyến, hiện đang tăng trưởng ở mức 20% mỗi năm, sẽ đạt đến 25% tổng giá trị bán hàng xa xỉ vào năm 2025, và các mặt hàng xa xỉ “cứng” như trang sức hay đồng hồ cũng sẽ chiếm từ 0% các năm trước và 5% năm nay, nhảy lên khoảng từ 10 đến 15% tổng giá trị bán hàng trực tuyến vào năm 2025.
Bản thân Richemont, theo sau những lần trải nghiệm với YNAP trong ba năm qua và đợt bán hàng nhanh rất thành công với những chiếc đồng hồ Panthère của nhà kim hoàn Pháp Cartier trong năm 2017 vừa qua, đã nhận thấy kinh doanh trực tuyến không chỉ mở cửa cho hàng xa xỉ mà còn là một động lực mạnh mẽ nhất để phát triển trong hoàn cảnh hiện tại. Richemont không chỉ quan tâm đến các mặt hàng xa xỉ “cứng” như túi xách, đồng hồ, mà theo ghi nhận của Melanie Flouquet từ ngân hàng JPMorgan Chase, Richemont nhắm đến hiện diện thường xuyên những hàng xa xỉ “mềm” như y phục thời trang hay túi xách trên mạng Internet.
Cuộc chiến hàng hiệu trên thị trường trực tuyến
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng tỷ lệ bán hàng trực tuyến tại Richemont hiện mới chỉ vào khoảng 3% tổng doanh thu, nhưng Rupert quả quyết rằng ông đang đáp ứng sự thay đổi thị hiếu nhanh chóng của khách hàng. Người ta bắt đầu xóa đi cái quan niệm những món hàng quá đắt giá không thể đem bán trên mạng, và việc này đã được chứng minh khi những chiếc chiếc điện thoại đắt giá cũng đến với những người đam mê bằng Internet, đặc biệt tại thị trường châu Á nơi cũng là thị trường lớn của những món hàng xa xỉ. Các nhãn hàng xa xỉ nay thấy rằng họ đã quá chậm trong việc chuyển hướng từ mặt đất nơi những cửa hiệu lên mạng Internet trên những nền tảng, và việc hạn chế công bố giá hàng không còn cần thiết khi mà hầu hết người mua hàng hiện nay lên mạng tìm hiểu trước khi họ đến cửa hiệu, hoặc đơn giản đặt mua trực tuyến. Với một tỉ phú doanh nhân từng trải trong kinh doanh như Rupert thì chắc chắn ông thấy rõ cái gì sẽ diễn ra đàng sau canh bạc mua lại toàn bộ Yoox Net-à-Porter, cũng như trước đó ông đã đầu tư và mua lại 100% Net-à-Porter rồi đem sáp nhập vào YNAP làm cho nó lớn mạnh.
Vốn là con trai của nhà kinh doanh lớn Anton Rupert, năm 1984 Johann Rupert chính thức gia nhập tập đoàn kinh tế hàng đầu Rembrandt Group Limited do cha mình sáng lập từ những năm 1940 tại Nam Phi, và rồi lần lượt trở thành Phó chủ tịch, Chủ tịch tập đoàn từ các năm 1989, 1991.
Năm 2000, Johann Rupert tái cơ cấu Rembrandt sau khi đã cật lực đưa sản nghiệp của gia tộc vượt qua khó khăn. Cũng trong thời gian này ông thiết lập tập đoàn đầu tư Compagnie Financière Richemont SA tại Thụy Sĩ năm 1988, mở rộng hệ thống kinh doanh hàng xa xỉ, bắt đầu bằng việc sáp nhập bộ phận xa xỉ phẩm từ Rembrandt Group vào Rothmans International để trở thành công ty con đầu tiên của tập đoàn mới. Theo sau việc tái cơ cấu Rembrandt, Johann Rupert trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Compagnie Financière Richemont SA và nhanh chóng đưa tập đoàn mới lên hàng đầu hệ thống kinh doanh hàng xa xỉ, tập trung chủ yếu vào các hàng xa xỉ bậc cao hay hạng sang, đắt giá như các thương hiệu đồng hồ và trang sức, song song với việc phát triển sản xuất kinh doanh hàng xa xỉ “mềm” gồm thời trang và phụ kiện đến nhiều nước trên thế giới. Và nay, trước nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số, vị tỉ phú 67 tuổi lại tiếp tục chỉ huy cuộc cải cách cho chính mình, với con át chủ bài Yoox Net-à-Porter.
Năm ngoái, doanh thu của YNAP lên đến 2,4 tỉ đô la, tăng 11% so với một năm trước đó. Thương vụ YNAP làm cho Richemont đủ sức linh động để thực hiện nhanh hơn quá trình số hóa đưa hàng lên mạng đồng thời mở ra lối thoát cho tình trạng phát triển trì trệ ngành xa xỉ phẩm hiện nay. Nhưng đổi lại, YNAP mà hiện vẫn dưới quyền điều hành của Federico Marchetti có thêm vốn để đối phó với các nền tảng kinh doanh xa xỉ phẩm mới ra đời.
Trong thương trường, những công ty mới nổi đôi khi là những đối thủ đáng gờm nhất, và điều này buộc YNAP phải nhanh chóng tạo cho mình một hệ sinh thái. Năm ngoái, Matches Fashion vốn mới chuyển từ cửa hiệu lên kinh doanh trực tuyến trong mấy năm nay đã đạt mức lợi nhuận lên đến 800 triệu bảng Anh thay vì chỉ 20 triệu bảng Anh như trước. Cũng trong năm ngoái, nền tảng thời trang trực tuyến Farfetch cho hơn 700 cửa hiệu được định giá lên đến 5 tỉ bảng Anh. Các cặp mắt nay đổ dồn về phía Amazon, nhưng có vẻ như công ty kinh doanh trực tuyến hàng đầu thế giới này không quan tâm đến những hàng đắt tiền. Thêm vào đó tòa án tại Liên minh châu Âu (EU) đang ngăn cản việc Amazon và eBay tham gia vào ngành hàng xa xỉ tại châu lục này, sợ sẽ làm giảm tiêu chuẩn chất lượng lâu đời của ngành kỹ nghệ truyền thống tại đây.
Hoàng Xuân Phương
TBKTSG
|