Thứ Năm, 15/03/2018 09:50

Việt Nam là mục tiêu kế tiếp của Amazon?

Với động thái thâm nhập vào Việt Nam, ông lớn thương mại điện tử Mỹ Amazon muốn nhắm tới tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia này, nhưng lại đối mặt với các rào cản về hậu cần và nhiều đối thủ cạnh tranh.

“Amazon nhắm tới thị trường 100 triệu người của Việt Nam”, một phóng viên địa phương chuyên về ngành công nghệ cho hay.

Amazon đã hợp tác với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – vốn bao gồm tới 140 thành viên và là một trong những nhóm doanh nghiệp trực truyến lớn nhất tại Việt Nam. Được biết, nhà sáng lập và CEO của Amazon, Jeff Bezos, là người giàu có nhất trên thế giới dựa trên bảng xếp hạng của Forbes.

“Amazon có khoảng 300 triệu khách hàng từ 180 quốc gia”, Gijae Seong, Trưởng Bộ phận Bán hàng Toàn cầu của Amazon chi nhánh Singapore, cho biết tại một diễn đàn được tổ chức trong ngày thứ Tư (14/03). “Chúng tôi cung cấp các công cụ để hỗ trợ người bán hàng và các công ty xuất khẩu mở rộng thị trường theo một cách dễ dàng nhất”.

Mối quan hệ đối tác này sẽ giúp Amazon gia tăng lượng sản phẩm có sẵn trên nền tảng của mình, đồng thời cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam bán và xuất hàng hoá thông qua nền tảng của Amazon. Tuy nhiên, về phần Amazon, điều này chỉ là giai đoạn đầu tiên của việc thâm nhập vào một nền kinh tế mới nổi với dân số 93 triệu người và còn tăng trưởng.

Sau khi xây dựng mối quan hệ với các thành viên của VECOM, bước kế tiếp của Amazon có khả năng sẽ thâm nhập thị trường thương mại điện tử của Việt Nam bằng dịch vụ của mình – vốn không đòi hỏi phải có trung tâm phân phối hoặc phải có hàng tồn kho. Nếu hoạt động kinh doanh tiến triển tốt thì sau đó, Amazon có thể đẩy mạnh xây dựng cấu trúc hạ tầng để gia tăng sự hiện diện tại quốc gia này như là họ đã từng thực hiện ở Nhật Bản và các thị trường châu Á khác.

Mua sắm trực tuyến chỉ mới bắt đầu tăng mạnh ở Việt Nam và dường như vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Thị trường thương mại điện tử địa phương được dự báo tăng gấp đôi về quy mô, từ 5 tỷ USD (trong năm 2016) lên 10 tỷ USD trong năm 2020, dựa theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam. Động lực thúc đẩy tăng trưởng của thị trường này có lẽ xuất phát từ đà tăng của lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình của Việt Nam. GDP trên đầu người đã tăng lên mức 4,000-5,000 USD ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại thông minh và tiếp cận Internet qua Wi-Fi dần trở nên phổ biến, và phạm vi phủ sóng của mạng lưới điện thoại 4G sẽ mở rộng hơn nữa trong năm nay.

Ngoài ra, Việt Nam còn nhận được lợi ích từ việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Là thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận mạnh hơn tới thị trường của các thành viên khác như Nhật Bản, Singapore và Australia, và ngược lại. Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã loại bỏ gần như mọi rào cản thương mại trong nội bộ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và góp phần đẩy nhanh thủ tục hải quan. Điều này góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như là một cơ sở để phân phối hàng hóa tới Campuchia, Thái Lan và các quốc gia láng giềng khác.

Tại Đông Nam Á, các ông lớn thương mại Trung Quốc cũng đang mở rộng mạng lưới đầu tư. Với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Alibaba, Lazada có hoạt động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong khi Tencent Holdings đầu tư vào các công ty như Shopee – vốn đang dần chiếm được lòng tin của khách hàng bằng việc chuyển hàng miễn phí – và Tiki.

Một cách gián tiếp, Facebook cũng là một đối thủ cạnh tranh của Amazon ở Việt Nam. Nhiều người Việt bán hàng thông qua Facebook, một số còn kiếm được tới 10,000 USD mỗi tháng.

“Không dễ để Amazon ‘bước chân’ vào thị trường Việt Nam khi họ phải cạnh tranh với gần 1 triệu nhà bán hàng Việt Nam”, Nguyễn Tuấn Hà, CEO của công ty logistics Vinalink, cho biết trên trang cá nhân Facebook.

Dù vậy, hiện tượng này cũng phản ánh sự mất lòng tin vào các cửa hàng bán hàng trực tuyến ở Việt Nam, nhất là khi mua những vật phẩm đắt tiền. Ở một quốc gia – nơi có ít hơn 10% dân số sở hữu thẻ tín dụng, việc mua sắm trực tuyến thường phải trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản trước qua ngân hàng. Thanh toán là nguồn dẫn tới nhiều rắc rối khi mua sắm qua mạng Internet. “Tôi lo ngại liệu mình có thực sự nhận được hàng hay không”, một người phụ nữ Hà Nội cho hay.

Bất kỳ cửa hàng nào cố gắng lừa đảo khách hàng trên Facebook cũng sớm nhận được các lời bình luận tiêu cực về họ trên mạng xã hội Facebook – vốn có tới 40 triệu người dùng ở Việt Nam. Điều này cũng giống như là một hệ thống đánh giá không chính thức mà người tiêu dùng có thể kiểm tra trước khi mua hàng.

Cơ sở hạ tầng phân phối kém phát triển của Việt Nam tọa ra thêm một thách thức khác cho Amazon và những “người” đến sau. Đường xá chật hẹp và nạn ùn tắc giao thông khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù số lượng công ty vận chuyển hàng nhanh đã gia tăng kể từ khi nới lỏng quy định cho phép những công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, nhưng vẫn còn rất ít. Lĩnh vực giao hàng tận nhà phụ thuộc chủ yếu vào những nhân viên sử dụng xe gắn máy để giao hàng. Việc trộm gói hàng thường xuyên diễn ra, và dẫn tới một quy tắc bất thành văn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam: Không bao giờ giao vật phẩm đắt tiền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng trung lưu chi nhiều tiền hơn vào nhà ở, xe hơi, đồ gia dụng và các hàng hóa khác, thói quen mua sắm trực tuyến sẽ dần trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Vì thế Amazon và Alibaba đang phải cạnh tranh với nhau để chiếm ưu thế trong thị trường đầy hứa hẹn này.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi 

Các tin tức khác

>   Áp thuế tự vệ phân bón: Gánh nặng “đổ” lên nông dân (15/03/2018)

>   Hoạt động đào Bitcoin ở Việt Nam sẽ bị áp giá điện kinh doanh (14/03/2018)

>   Dự án thu phí không dừng 1.900 tỉ đồng sắp được phê duyệt (14/03/2018)

>   Giới tư vấn Australia mong Việt Nam kiên định trong thực thi CPTPP (15/03/2018)

>   Thanh tra Chính phủ kiến nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG (14/03/2018)

>   Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2018? (14/03/2018)

>   Nông nghiệp sạch - ngành đầu tư triển vọng trong năm 2018 (14/03/2018)

>   Grab 'lấn sân' sang dịch vụ cho vay (14/03/2018)

>   Nhóm ngành chịu tác động từ CPTPP: Sữa Việt và nỗi lo thua trên “sân nhà” (14/03/2018)

>   Vào CPTPP, người Việt sẽ được mua sữa ngoại giá rẻ? (13/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật