Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2018?
Trong năm nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả năm 2017 và sẽ chịu tác động không đáng kể từ việc áp đặt thuế suất củaTổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là nhận định của ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Ông Trương Văn Phước cho biết Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ bàn luận về thỏa thuận thương mại với Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – nhằm giảm bớt các rào cản thương mại. Việt Nam đang đẩy mạnh việc tiến tới thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác, với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, ông cho hay.
“Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, khi lạm phát nằm trong tầm kiểm soát và tỷ giá Việt Nam đồng khá ổn định”, ông Phước cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Hà Nội. “Việc ông Trump áp đặt thuế nhập khẩu gần đây chỉ có tác động nhỏ tới Việt Nam, vì chúng tôi đang trong quá trình đa dạng hóa thị trường và sản phẩm của mình để thúc đẩy xuất khẩu”.
Tuần trước, ông Trump đã thông qua việc áp đặt thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm. Kim ngạch xuất khẩu thép đến Mỹ của Việt Nam là 104 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2018, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 16% của tổng doanh thu về thép, theo dữ liệu từ trang web của Hải quan Việt Nam.
Việt Nam hiện đang muốn tiến tới thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và châu Âu, nhằm giảm bớt tác động từ lệnh áp thuế của ông Donald Trump.
Ký kết CPTPP
Cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Chile vào ngày 08/03 (giờ địa phương), mặc dù không có sự tham gia của Mỹ. Việc Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận được xem là một yếu tố tiêu cực đối với Việt Nam vì Việt Nam xuất khẩu 20% hàng hóa tới nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, với đà hồi phục của hoạt động thương mại toàn cầu và lực lượng lao động trẻ và chi phí thấp, Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn của các công ty quốc tế, như Nestle SA – vốn đã mở 5 nhà máy ở Việt Nam.
Điều này góp phần củng cố một nền kinh tế – vốn đã tăng trưởng 6.81% trong năm ngoái và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ước tính là sẽ tăng trưởng 7.4% trong quý 1/2018. Ông Phước cho biết Chính phủ Việt Nam hướng tới việc duy trì tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 7%.
“Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng”, ông Phước nói rõ. “Chính phủ đang thực hiện nhiều bước đi cứng rắn để thúc đẩy các công ty tư nhân, như giảm bớt số lượng giấy phép, qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí bằng cách nhận được giấy phép nhanh hơn, và quan trọng hơn là thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư bằng cách đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng”.
Để góp phần giúp nền kinh tế đối phó với các biện pháp bảo hộ thương mại từ phía Mỹ và các thị trường khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ trưởng theo dõi sát sao thị trường quốc tế và tiến hành các kế hoạch để đảm bảo đạt được mục tiêu kinh tế của Chính phủ trong năm nay, ông Phước cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|