Thứ Hai, 19/03/2018 14:17

Trung Quốc có tân Thống đốc ngân hàng trung ương đầu tiên sau 15 năm

Trung Quốc ngày 19/3 đã bổ nhiệm ông Dịch Cương vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC), thay cho ông Chu Tiểu Xuyên - người đã đứng đầu PBoC suốt 15 năm qua.

Ông Dịch Cương, tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) - Ảnh: Bloomberg.

Theo tin từ Bloomberg, ông Dịch Cương được đề cử cho cương vị trên bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và được Quốc hội Trung Quốc nhất trí thông qua.

Cùng với đó, ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Tập trở thành Phó thủ tướng Trung Quốc. Điều này dường như cho thấy ông Lưu và ông Dịch sẽ trở thành một cặp "song kiếm hợp bích" trong hoạch định chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai của ông Tập.

Trước khi được giao trọng trách mới này, ông Dịch Cương đã giữ vai trò Phó thống đốc PBoC trong hơn một thập kỷ. Việc ông trở thành tân Thống đốc là một tín hiệu cho thấy PBoC sẽ duy trì các chính sách hiện tại.

Ông Chu Tiểu Xuyên, 70 tuổi, sẽ về hưu sau 15 năm lãnh đạo PBoC. Ông là người có công đưa hệ thống tài chính Trung Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cải tổ các công cụ chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Ông Dịch Cương, 60 tuổi, trở thành Thống đốc PBoC trong bối cảnh ngân hàng trung ương này có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn hơn nhiều so với thời điểm ông Chu Tiểu Xuyên trở thành người đứng đầu PBoC vào năm 2002.

Đồng thời, những thách thức mà PBoC đối mặt hiện nay cũng lớn hơn trước, đặc biệt là nhiệm vụ giải quyết khối nợ đã vượt quá 300% GDP trong nền kinh tế Trung Quốc.

"Nhiệm vụ chính là chúng tôi phải thực hiện chính sách tiền tệ khôn ngoan, thúc đẩy cải cách, mở cửa ngành tài chính, duy trì ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính", ông Dịch Cương phát biểu trước báo giới tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh sáng 19/3 sau khi được bổ nhiệm.

Ông Dịch Cương gia nhập PBoC vào năm 1997 và trải qua nhiều nhiệm vụ trước khi trở thành Phó thống đốc kiêm người đứng đầu Cơ quan Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE).

Cũng giống như ông Chu Tiểu Xuyên, ông Dịch Cương nói tiếng Anh thành thạo và có mối quan hệ lâu năm với giới lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Ông có bằng cử nhân kinh doanh Đại học Hamline, Mỹ, và bằng tiến sỹ kinh tế Đại học Illinois, Mỹ. Ông từng có thời gian làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Indianapolis của Mỹ vào năm 1986.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có sự khởi sắc, Thống đốc Dịch Cương sẽ phải chú ý đến khả năng lạm phát tăng tốc và thận trọng với nguy cơ dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc gia tăng trở lại. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và rủi ro xảy ra một cú sốc tăng trưởng cũng là một vấn đề lớn đối với vị tân Thống đốc.

Năm 2017, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, vượt xa mục tiêu 6,5%, đánh dấu năm tăng tốc đầu tiên kể từ năm 2010. Theo dự báo của Bloomberg, kinh tế Trung Quốc có thể chỉ đạt mức tăng 6,5% trong năm nay.

Diệp Vũ

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới chứng kiến tuần sụt giảm mạnh nhất trong 1 tháng (17/03/2018)

>   Dầu tăng 2 tuần liên tiếp (17/03/2018)

>   Dầu tăng liền 2 phiên nhờ triển vọng về nhu cầu dầu (16/03/2018)

>   Vàng thế giới xuống đáy 2 tuần khi đồng USD tăng mạnh (16/03/2018)

>   Giữa chỉ trích tăng thuế nhôm, thép, Mỹ đòi cải cách WTO (15/03/2018)

>   IEA: Khủng hoảng tại Venezuela có thể sớm đẩy thị trường dầu rơi vào tình trạng thiếu hụt (15/03/2018)

>   Sau H&M, đến lượt Zara ế ẩm (15/03/2018)

>   "Bóng ma" khủng hoảng ngân hàng hiện hữu ở những nền kinh tế lớn (15/03/2018)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ, kỷ niệm 10 năm sau khi lần đầu chạm ngưỡng 1,000 USD/oz (15/03/2018)

>   Dầu tăng nhẹ khi dự trữ xăng sụt giảm (15/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật