Thứ Ba, 06/03/2018 09:15

Trong cuộc chơi này, “đại gia” nào đang nhận lấy chua cay?

Dù thị trường đang ở vùng đỉnh cao nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán nhưng không ít cổ phiếu vẫn cứ “lẹt đẹt”, mãi không chịu “lớn”. Đáng buồn thay trong đó có cả những cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, vốn hơn cả ngàn tỷ đồng.

VN-Index đang đứng trước ngưỡng thiên đường, dù có nhiều sóng gió với những phiên giao dịch biên độ dao động cực lớn, nhưng niềm tin chỉ số này sẽ chinh phục mức kỷ lục mới trong lịch sử chưa bao giờ sụt giảm!.

Để chuẩn bị cho bước nhảy vọt này, thị trường tất nhiên nhận được nhiều thông tin hỗ trợ từ cơ sở tăng trưởng tốt của nền kinh tế, từ các thương vụ thoái vốn, dòng tiền đổ vào thị trường và cả hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp niêm yết. Nhìn lại, khi VN-Index đang giao dịch trên vùng 1,100 điểm thì đã có rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn (vốn hơn ngàn tỷ) bứt phá mạnh mẽ.

Trong đó phải kể đến nhiều ông lớn như VIC tăng hơn 108% trong 1 năm qua, đang giao dịch tại vùng đỉnh 95,600 đồng/cp (giá đã điều chỉnh); MSN tăng 122%, NVL gần 30%, VNM 55%, NLG 75%, MBB tăng 148%...

Tuy nhiên, trong cuộc chơi này không phải ai cũng vui, ai cũng có phần. Còn rất nhiều cổ phiếu vẫn “lẹt đẹt”, mãi không chịu “lớn”. Theo thống kê của Vietstock, tính đến phiên 26/02/2018, hai sàn có 261 mã giao dịch dưới mệnh giá và từ 5,000 đồng/cp trở xuống thì có đến 124 mã. Và trong 124 mã có giá dưới 5,000 đồng/cp, xuất hiện 12 đơn vị có vốn điều lệ trên 1,000 đồng.

Những doanh nghiệp vốn ngàn tỷ nhưng giá vẫn dưới 5,000 đồng/cp

Có lẽ đáng nói nhất là ITA, cổ phiếu của ông lớn có vốn điều lệ gần 9,400 tỷ đồng này chỉ quanh quẩn ở mức 3,000 đồng/cp trong suốt một thời gian dài. Tính trong một năm qua, giá cổ phiếu ITA giảm gần 30%, bù lại thì khối lượng giao dịch bình quân lại tốt, hơn 5 triệu cp/phiên.

Đợt tăng giá ấn tượng nhất của ITA trong năm 2017 là sau ngày ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6 khi ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP PT Đô thị Kinh Bắc (KBC) thay cho chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến – Chủ tịch HĐQT ITA, khẳng định “giá cổ phiếu của ITA chỉ có lên chứ không xuống được, ít nhất tăng trưởng 30%”. Ngoài ra, cá nhân ông Tâm kỳ vọng ITA sẽ về mệnh giá vào cuối năm 2017.

Thế nhưng đúng là “người tính không bằng trời tính”, “thị trường” chỉ cho ITA giá hơn 3,000 đồng/cp khi năm 2017 khép lại.

Về kết quả kinh doanh năm 2017, ITA đạt lãi ròng gần 51 tỷ đồng, dù tăng 33% so với năm 2016 nhưng so với kế hoạch 309 tỷ đồng thì vẫn còn cách quá xa.

Biến động giá cổ phiếu ITA trong 1 năm qua

Một ông lớn khác có vốn hơn 4,700 tỷ đồng, hoạt động trong ngành bất động sản chính là HQC cũng chỉ có giá hơn 2,300 đồng/cp. HQC được xem là một đơn vị lớn trong thị trường bất động sản và tiên phong tại khu vực phía Nam về nhà ở xã hội với 22 dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân với tổng mức đầu tư hơn 20,000 tỷ đồng, cung ứng ra thị trường hơn 34,000 căn hộ.

Năm 2017, HQC lên kế hoạch doanh thu 2,000 tỷ và lãi 200 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở xã hội sẽ chiếm khoảng 50% về tỷ trọng. Tuy nhiên, kế hoạch này của HQC không thể thực hiện được khi mà kết quả năm 2017 chỉ hơn 388 tỷ đồng doanh thu và 75 tỷ lãi ròng. Một phần nguyên nhân dễ thấy đó là sự mong đợi về chính sách cho vay nhà ở xã hội vẫn chưa thế thực hiện trong năm 2017 đã ảnh hưởng lớn lên dòng vốn đầu tư cũng như nhu cầu mua nhà thuộc phân khúc này.

Năm qua, có thời điểm cố phiếu HQC rớt sâu, về mức thấp kỷ lục 1,880 đồng/cp (ngày 20/01/2017). Trước những diễn biến giá cổ phiếu trên sàn, Ban lãnh đạo HQC cho biết sẽ sử dụng 19.4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập quỹ năm 2016 để mua lại tối đa 4.85 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá không quá 4,000 đồng/cp.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, giá trị thặng dư vốn cổ phần của HQC âm 647 tỷ đồng. Tổng giá trị nguồn thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của Công ty không đủ để mua lại cổ phiếu quỹ theo phương án đăng ký. Như vậy, HQC chưa đủ điều kiện mua lại cổ phiếu quỹ theo quy định và phương án “cứu giá” này hiện xem như thất bại, cổ đông HQC cũng đành “ngậm đắng nuốt cay” nhìn cổ phiếu với giá bèo.

Biến động giá cổ phiếu HQC trong 1 năm qua

Trong nhóm cổ phiếu có hoạt động liên quan đến bất động sản, còn có OGC, OCH, PTL hay DLG đều có thị giá rất thấp. Như trường hợp của OGC, nhà đầu tư chỉ cần trả hơn 2,000 đồng cho một cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn 3,000 tỷ đồng. Song điều đó không phải là bất hợp lý bởi đơn vị này vẫn đang ngập trong thua lỗ, năm 2017 OGC lỗ gần 466 tỷ, kéo lỗ lũy kế lên 2,872 tỷ đồng.

Biến động giá cổ phiếu OGC, OCH, DLG và PTL trong 1 năm qua

Năm 2018, OGC dự kiến doanh thu hợp nhất 2018 đạt 1,393 tỷ đồng và lãi ròng 188 tỷ đồng. Nhiều cổ đông kỳ vọng con số này thành sự thật vì nếu trong trường hợp năm 2018 tiếp tục lỗ thì OGC sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Tệ hơn OGC, trường hợp kinh doanh bết bát của VHG đã đẩy cổ phiếu xuống còn 1,000 đồng/cp (có lúc chỉ 820 đồng/cp vào phiên 12/02/2018). Cụ thể, năm 2017, VHG ghi nhận lỗ ròng lên tới 1,151 tỷ đồng, tổng tài sản bốc hơi trên 1,000 tỷ. Mức lỗ của VHG cũng là mức lỗ lớn nhất của tất cả các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2017.

Giải trình nguyên nhân thua lỗ, VHG cho biết là do đang tập trung tái cơ cấu toàn bộ hệ thống, thoái vốn ở các công ty có hoạt động kinh doanh không tốt và một số khoản đầu tư không hiệu quả như kỳ vọng.

Biến động giá cổ phiếu VHG trong 1 năm qua

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu có thị giá thấp luôn tồn tại và bao giờ cũng nhận được sự chú ý từ những nhà đầu tư có khẩu vị yêu thích rủi ro. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cổ phiếu thị giá thấp không đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó rẻ!

Tri Nhân

FiLi

Các tin tức khác

>   Ngày 01/03/2018: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (01/03/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 01/03 (01/03/2018)

>   Việt Nam giành lại ngôi vị TTCK có thành quả tốt nhất châu Á (28/02/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 28/02: Rung lắc quanh tham chiếu (28/02/2018)

>   28/02: Đọc gì trước giờ giao dịch? (28/02/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 28/02 (28/02/2018)

>   Vietstock Daily 28/02: Chờ đợi hoạt động đảo trụ ở nhóm Large Cap? (27/02/2018)

>   Tập đoàn tài chính của Hàn Quốc thành lập liên doanh với SCIC (27/02/2018)

>   GTN nói gì khi giá cổ phiếu biến động lớn? (27/02/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 27/02: Bật tăng phút cuối (27/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật