Thủ tướng: Hãy nhanh chân đến Việt Nam
Chiều 16/3, tại TP. Sydney, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư Australia nói chung và các nhà đầu tư đang ngồi đây nói riêng hãy nhanh chân đến Việt Nam, nhanh tay chọn lấy cho mình cơ hội kinh doanh đang rộng mở bởi nếu không, cơ hội đó sẽ không chờ đợi ai vì sẽ được doanh nghiệp khác lấy đi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Australia tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng hoan nghênh đông đảo doanh nghiệp Australia, các doanh nghiệp người Australia gốc Việt đã tới dự và đề nghị dành một tràng pháo tay động viên cho các doanh nghiệp chưa có chỗ ngồi bởi số lượng người dự quá đông, vượt ngoài dự kiến.
Bày tỏ vui mừng khi có 18 văn kiện hợp tác được trao tại Diễn đàn cũng như hai bên công bố mở thêm đường bay mới giữa Việt Nam-Australia, Thủ tướng cho rằng, trong tuần này, có 2 sự kiện quan trọng liên quan đến thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác. Đó là hai Thủ tướng Việt Nam và Australia đã ký Tuyên bố chung về thiết lập Đối tác chiến lược và hiệp định CPTPP giữa 11 nước được ký kết, mở ra chân trời mới cho hợp tác Việt Nam-Australia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Không thể chậm trễ hơn
Giới thiệu về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng bày tỏ: “Thời gian qua, tôi được biết nhiều doanh nghiệp Australia đến Việt Nam tìm hiểu thông tin về cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. Ví dụ như ngày 11/6 vừa rồi, Hội đồng doanh nghiệp Australia-Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tổ chức rất thành công triển lãm thương mại đầu tư Australia-Việt Nam 2017 với sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp Australia trong nhiều lĩnh vực”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, một số địa phương có tiềm năng, các đối tác Việt Nam hãy chủ động, tích cực hơn nữa để thúc đẩy các quy trình, nhanh chóng, hiện thực hóa tiềm năng và cơ hội không thể chậm trễ hơn. Chúng ta đạt kim ngạch hai chiều 6,5 tỷ USD là còn khiêm tốn so với tiềm năng hai nước.
Làm gia tăng kim ngạch này chính là các doanh nhân, các doanh nghiệp mà “các bạn ngồi trong hội trường này đóng góp rất quan trọng”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh số lượng đó, còn nhiều doanh nghiệp thuộc Tốp 500 của thế giới là người Australia chưa đến Việt Nam. Thủ tướng hy vọng qua Diễn đàn này, “các bạn sẽ sớm đến với chúng tôi, bởi lẽ Việt Nam đang là điểm đến đầy triển vọng”. Hiện Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81% và riêng quý I năm 2018, mức tăng trưởng dự kiến đạt trên 7,4%. Kỳ vọng bình quân năm 2018 đạt 7-7,5%.
Theo số liệu của Bloomberg, năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng lên đến 47%, là mức tăng trưởng cao nhất châu Á và là một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới (thị trường Hong Kong chỉ tăng 36%, Hàn Quốc 22%, Ấn Độ 27%, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 20%...).
Đi liền với đó, quy mô dân số Việt Nam lớn, trên 93 triệu người, mang lại sức mua lớn và đặc biệt, một lợi thế so sánh là cấu trúc dân số trẻ, làm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là các nhãn hàng nước ngoài. Cấu trúc tiêu dùng thay đổi do sự nổi lên của tầng lớp trung lưu và giàu có, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho nhà đầu tư biết đón đầu xu thế đó. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tích cực và nhanh chóng, thể hiện ở dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng rất mạnh. Đến nay, Việt Nam có 25.000 dự án FDI từ 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 320 tỷ USD, tương đương 145% GDP. Tỉ lệ vốn FDI tích lũy trên GDP của Việt Nam rất lớn so với nhiều quốc gia khác. Riêng năm 2017, FDI vào Việt Nam đạt 36 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua. Nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới như Samsung, Intel, LG, Honda, Toyota, GE, Unilever, Coca-Cola… đã lựa chọn Việt Nam như một điểm đến mới, mở ra các kết nối mới trong chuỗi giá trị toàn cầu của họ.
Nền tảng internet mạnh là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng vô cùng lớn ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, có khoảng trên 52 triệu người dùng internet, chiếm trên 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỉ lệ dân số có kết nối internet. Việt Nam cũng có kết nối di động cao với 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Dự báo đến 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động.
Cho rằng chính sách mở internet và mức độ phức tạp về kinh doanh cũng đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng khởi nghiệp, các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam tham gia.
Việt Nam cũng có chính sách thuế ưu đãi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp danh nghĩa của Việt Nam chỉ 20% và sẽ giảm còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều tập đoàn Nhà nước của Việt Nam được đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo cơ hội cho khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia nắm cổ phần chi phối, trở thành nhà đầu tư chiến lược, kể cả trong các lĩnh vực rất nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…
Nhiều ngành nghề, lĩnh vực trước đây có độc quyền Nhà nước do doanh nghiệp Nhà nước chiếm giữ nay đã mở ra cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia không giới hạn. Một số tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước lớn đã lên phương án cổ phần hóa. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Australia tham gia làm cổ đông chiến lược, đầu tư lâu dài vào Việt Nam với tinh thần là hai bên cùng thắng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Nhiều cơ hội đang chờ đợi
Trước các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam là giữ môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát ổn định, lãi suất ổn định vào theo xu hướng giảm, tỉ giá ổn định, sử dụng linh hoạt các công cụ tài khóa và tiền tệ để nâng đỡ nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước nhằm duy trì sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
“Tất cả điều đó chứng minh rằng các cải cách mà Việt Nam đã tiến hành đang mang đến nhiều cơ hội mà các bạn không nên bỏ lỡ. Đất đai, tài nguyên, nguồn lực và nhân lực luôn có giới hạn nên sự chậm trễ sẽ mất cơ hội. Việt Nam mời gọi các nhà đầu tư Australia nói chung và các nhà đầu tư đang ngồi đây nói riêng hãy nhanh chân đến Việt Nam, nhanh tay chọn lấy cho mình cơ hội kinh doanh đang rộng mở bởi nếu không, cơ hội đó sẽ không chờ đợi ai vì sẽ được doanh nghiệp khác lấy đi”, Thủ tướng nêu rõ. “Tôi xin bày tỏ niềm hy vọng, niềm tin và lạc quan rằng chúng ta sẽ cùng nhau chứng kiến một niềm tin mới, cùng với sự quan tâm nhiều hơn nữa của các doanh nghiệp Australia vào Việt Nam đang không ngừng đổi mới và phát triển”.
Ông James McGrath, Thượng Nghị sĩ, Bộ trưởng đại diện Chính phủ Australia bày tỏ, Diễn đàn hôm nay là khởi đầu cho chuỗi sự kiện giống như sự kiện này trong tương lai. “Việt Nam đã phát triển trở thành nền kinh tế năng động và có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong 30 năm tới, Việt Nam có thể gia nhập G20 chính là nhờ có sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và trao quyền cho phụ nữ”, ông nhìn nhận.
Với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ông bày tỏ tin tưởng kim ngạch thương mại hai nước sẽ còn tiếp tục tăng. Và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như tầng lớp trung lưu gia tăng cũng đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư Australia. “Tất nhiên không chỉ Australia mà ngày càng nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác cũng muốn tận dụng cơ hội ở đây. Do vậy, các doanh nghiệp của Australia cần nhanh nhẹn và tìm hiểu sâu về thị trường Việt Nam”, ông nói.
Thủ tướng chứng kiến trao 18 văn bản hợp tác và kinh doanh giữa DN và cơ quan hai nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến trao 18 văn bản hợp tác và kinh doanh giữa doanh nghiệp và cơ quan hai nước trong các lĩnh vực như năng lượng, hợp tác xúc tiến đầu tư; hợp tác thúc đẩy kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước; lĩnh vực hàng không; vận tải hàng hải; nông nghiệp; giáo dục, dịch vụ cảng…
Đức Tuân
Báo chính phủ
|