Nhiều cảnh báo bị phớt lờ khi phê duyệt cho Mobifone mua AVG
Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ Thông tin - truyền thông đều phớt lờ.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Không những thế, tổ thẩm định bỏ qua những cảnh báo về tính pháp lý, hiệu quả đầu tư và chỉ báo cáo những điểm có lợi để thực hiện dự án.
Việc làm thiếu trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án vi phạm nhiều quy định và được mua với giá "trên trời", dẫn đến nguy cơ thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng.
Nhiều cảnh báo…
Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tổ thẩm định đã bỏ qua các ý kiến phản biện bất lợi của chuyên gia là chính thành viên trong tổ; bỏ qua báo cáo về thực trạng tài chính bết bát của AVG đã được Mobifone cảnh báo…
Đáng lưu ý, tổ thẩm định chỉ tổng hợp và báo cáo những điểm có lợi, những nội dung mang tính chất chủ quan cho việc mua bán.
Theo kết luận, ngày 7-10-2015, Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành quyết định thành lập tổ thẩm định gồm 6 người, do ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp làm tổ trưởng.
Trong cuộc họp của tổ thẩm định đã có những ý kiến cảnh báo rủi ro, tuy nhiên khi trình văn bản lên lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông, tổ thẩm định lại không tổng hợp những ý kiến quan trọng này.
Cụ thể, vụ trưởng Vụ Pháp chế đã có bản nhận xét, trong đó nêu: Về nội dung phân tích để lựa chọn phương án mua cổ phần của AVG thay vì đầu tư mới, phần nội dung về "phương án đầu tư mới" còn sơ sài và chưa đầy đủ thông tin cụ thể cũng như chưa có phân tích so sánh ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cảnh báo: "Đề xuất tỷ lệ mua 95% cổ phần AVG là chưa thật sự thuyết phục về mặt pháp lý. Nếu chỉ là để nắm quyền chi phối toàn bộ hoạt động của AVG là chưa thật sự thuyết phục về mặt pháp lý…". Từ đó vụ trưởng Vụ Pháp chế kiến nghị cần tiếp tục rà soát dự án đầu tư.
Phó cục trưởng Cục báo chí cũng đưa ra những cảnh báo về tính pháp lý và hiệu quả của dự án Mobifone mua AVG.
Thành viên tổ thẩm định này cho rằng dự án chưa có điều kiện đi sâu phân tích những lợi thế so sánh giữa AVG với các doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh dịch vụ truyền hình khác để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư vào AVG.
Chỉ báo cáo những điểm có lợi
Mặc dù nhiều cảnh báo đã được đưa ra, tuy nhiên báo cáo tổng hợp của tổ thẩm định lại không phân tích đầy đủ ý kiến phản biện của một số thành viên trong tổ, nhất là ý kiến của vụ trưởng Vụ Pháp chế về việc lựa chọn phương án đầu tư mua cổ phần AVG và việc xác định tỷ lệ mua 95% AVG chưa thuyết phục và ý kiến của phó cục trưởng Cục Báo chí về hiệu quả đầu tư dự án.
Kết luận chỉ rõ tổ thẩm định đã không xem xét đến những "hạn chế, giới hạn" mà các công ty tư vấn nêu trong chứng thư thẩm định giá.
Tổ thẩm định thiếu cơ sở khi nhận xét dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả kinh tế trên cơ sở số liệu do Mobifone dự báo tương lai về phát triển thuê bao, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đột biến…
Tổ thẩm định đã bỏ qua nhiều cảnh báo và chỉ báo cáo những điểm có lợi về dự án.
Thanh tra Chính phủ kết luận dự án đầu tư được tổ thẩm định đề xuất, Bộ Thông tin truyền thông trình Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, đây là việc làm thiếu trách nhiệm của Bộ Thông tin truyền thông trong việc thẩm định dự án và trình Thủ tướng phê duyệt.
Về việc trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, theo Thanh tra Chính phủ, trong văn bản do Văn phòng Chính phủ trình lên Thủ tướng cũng có ý kiến của Vụ Kinh tế ngành và Vụ Kinh tế tổng hợp, trong đó đều đề nghị cân nhắc, cẩn trọng.
Cụ thể là "đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ truyền hình có tính đặc thù cao, về kinh doanh có tính rủi ro cao là chưa phù hợp khả năng hiện tại của Mobifone; đây là việc chưa có tiền lệ, việc xác định giá và hiệu quả của phương án Bộ Thông tin truyền thông không thực hiện, không có cơ sở để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương; đề nghị chưa xem xét việc mua lại AVG ở thời điểm này".
Theo Thanh tra Chính phủ, dù dự án chưa được thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư nhưng Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, đồng thời tổng hợp, phân tích đưa ra ý kiến thẩm tra, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho Mobifone mua cổ phần của AVG.
*Liên tục lỗ, AVG được 'mông má' để tăng giá bán ra sao?
*Thương vụ Mobifone mua AVG có "dáng dấp" mafia?
THÂN HOÀNG
TUỔI TRẺ
|