Phập phồng với giá tiêu
Nhiều nơi tại Việt Nam, mùa thu hoạch hồ tiêu thường rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, nhiều người trồng tiêu “vừa hái vừa run” vì giá tiêu giảm mạnh.
Một người dân đang thăm vườn hồ tiêu. Ảnh: TBKTSG
|
“Thời điểm này năm ngoái, giá thị trường tiêu đen còn 120.000-130.000 đồng/kg thì nay chưa được một nửa. Hiện nay, các vựa thu mua chỉ ra giá chưa được 60.000 đồng, nếu ở thị trấn còn được 61.000-62.000 đồng/kg”, ông Định, một chủ vườn 0,5 ha hồ tiêu tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Thị trường xuất khẩu càng lúc càng cạnh tranh gay gắt, không chỉ giá mà còn sản lượng. Dù giá hồ tiêu xuất khẩu hiện nay chỉ còn chừng từ 3.000-3.200 đô la Mỹ mỗi tấn (FOB giao hàng qua lan can tàu), mức ấy vẫn còn hấp dẫn nhiều nước sản xuất mới nổi khác như Brazil, Campuchia, Trung quốc...
Dự báo sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2018 có thể đạt trên 445.000 tấn, gần bằng năm 2017, nhưng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu đã khá bão hòa với chỉ chừng 368.000 tấn, báo cáo của Hiệp hội hồ tiêu thế giới cho biết.
Cả giá xuất khẩu và giá nội địa đều mất trên 50%, nhiều người đã không hồ hởi chăm sóc nên một diện tích hồ tiêu khá lớn đang bị dịch bệnh không thu hoạch và được chuyển sang trồng cây khác có giá, ít nhiễm bệnh hơn như cây đào lộn hột (điều), chanh dây...
Dù vậy, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng 1-2018 vẫn đạt mức cao với 17.189 tấn thu về gần 69 triệu đô la Mỹ. Đấy cũng là tháng đầu tiên trong năm có khối lượng xuất khẩu hồ tiêu cao nhất từ trước tới nay, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa tin.
Nhận định của một nhà phân tích thị trường cho rằng giá hồ tiêu thế giới rất khó lên vì không chỉ do sản lượng hồ tiêu tại một số nước tăng “từ không đến có nhiều” như Brazil, Trung quốc và Campuchia... Từ đó, họ đẩy hàng ra với bất kỳ giá nào để giành thị phần xuất khẩu.
Riêng trường hợp của Ấn Độ, sản lượng hồ tiêu nước này cũng lớn nhưng hiện chưa bán ra nhiều, một lượng hồ tiêu rất lớn đang nằm ở các kho và trong tay nông dân. Các nhà kinh doanh hồ tiêu Ấn Độ thường viện lý do họ bán hàng “không chạy” do hồ tiêu Việt Nam ra mạnh trên thị trường nhiều.
Tuy nhiên, theo một nhà phân tích, đó không phải là nguyên nhân chính. “Còn một lý do quan trọng hơn nhiều làm hàng hóa hồ tiêu nước này không ra khỏi cảng xuất khẩu. Từ cuối năm 2017, chính phủ Ấn Độ đã áp dụng mức giá tối thiểu cho hồ tiêu nhập khẩu là 500 Rupee Ấn Độ (INR)/kg. Về danh nghĩa, chính sách ấy để bảo vệ giá hồ tiêu cho nông dân trong nước nhưng thực chất để chặn đứng hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó chủ yếu từ Việt Nam,” ông ấy nói.
Ngay đầu tháng 3-2018, Diễn đàn các nhà xuất khẩu gia vị Ấn Độ đã lên tiếng yêu cầu chính phủ gỡ bỏ quyết định giá nhập khẩu tối thiểu trên mặt hàng hồ tiêu để các chủ kho tìm đường mua hồ tiêu từ các nơi rẻ hơn, nhất là làm giá hồ tiêu nội địa tại Ấn Độ dịu xuống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Con số của diễn đàn cho rằng, năm 2017 Ấn Độ xuất khẩu chừng 17.600 tấn hồ tiêu nhưng ước năm nay có thể chỉ chừng trên dưới 10.000 tấn. Riêng từ khi giá nhập khẩu tối thiểu được Ấn Độ áp dụng, xuất khẩu hồ tiêu hàng tháng nước này giảm trên 50%, ông Philip Kuruvila, nguyên chủ tịc diễn đàn tiết lộ.
“Ấn Độ chưa bán nhiều mà giá thị trường còn xuống như thế này, huống gì khi hàng nước này tràn ra... thì chỉ có tiêu luôn thôi,” ông Định dự đoán tình hình như vậy.
Giá hồ tiêu tại Kochi (Ấn Độ) ngày 5-3-2018 ở mức 37,3 INR so với giá nhập khẩu tối thiểu là 500 INR/kg (1 đô la Mỹ = 65,05 INR).
Phạm Kỳ Anh
TBKTSG
|