Giá heo hơi hôm nay 7/3: Nghịch lý lợn dư thừa, nhà máy sản xuất thức ăn lại vượt công suất
Trái với kỳ vọng của nhiều người, từ những ngày đầu năm 2018, giá heo hơi (lợn hơi) không có dấu hiệu tăng trở lại mà giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Tính đến ngày 7/3, giá heo hơi trên cả nước đều ở mức thấp, từ 31.000 - 37.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá heo hơi ở phía Nam có nơi giảm chỉ còn 27.000-33.000 đồng/kg.
Giá heo hôm nay đang ở mức thấp so với kì vọng của nông dân
|
Nông hộ chật vật với giá heo xuống thấp
Theo khảo sát, giá heo hơi tại các tỉnh miền Bắc đang dao động trong khoảng 31.000 - 37.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội đang mức 33.000 đồng/kg. Còn giá heo hơi Hưng Yên đang mức 33.500 đồng/kg.
Toàn miền Bắc lúc này chỉ có Phú Thọ giá heo hơi, mức tăng 1.000 đồng/kg từ 33.000 đồng/kg lên 34.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình giá heo vẫn giữ ở mức cao từ 35.000-36.000 đồng/kg. Giá heo hơi Đồng Nai dao động quanh 30.000 đồng/kg, TP. HCM dao động từ 30.000 - 32.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Bạc Liêu giá heo hơi hôm nay giao dịch trong khoảng từ 29.000-31.000 đồng/kg. Các địa phương khác giá heo vẫn không thay đổi so với hôm qua.
Để cầm cự trong thời gian khó khăn này, người chăn nuôi đã cắt giảm bớt những công đoạn làm tăng thêm chi phí. Cụ thể, với mặt hàng cám làm thức ăn chăn nuôi, bà con đã liên hệ trực tiếp với các công ty cung cấp cám để lấy hàng tận gốc, cắt bỏ khâu trung gian.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, tổng đàn lợn của cả nước giảm khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái do nhiều người nuôi chưa tái đàn hoặc bỏ chuồng.
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 50% trang trại nhỏ lẻ tự đóng cửa, bỏ nghề vì thua lỗ nặng nề kéo dài.
|
Thức ăn chăn nuôi vượt quy hoạch
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng đã chiếm 43% sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, Đông Nam Bộ có tới 27%, Đồng bằng sông Cửu Long 13%. Như vậy, hai khu vực đồng bằng lớn ở hai miền chiếm tới 80% sản lượng thức ăn chăn nuôi, còn lại 20% phân bổ ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
"Rõ ràng, cơ cấu phân bổ nhà máy thức ăn chăn nuôi ở nước ta rất không đều. Vì vậy, cần khuyến cáo các tỉnh hạn chế mở mới, đặc biệt ở các vùng có mật độ nhà máy cao" ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó cục chăn nuôi cho biết.
Trong quy hoạch của Bộ NNPTNT, đến năm 2020 công suất các nhà máy thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt khoảng 25 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 17 triệu tấn nhưng đến năm 2017 nước ta đã đạt công suất 31 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 21 triệu tấn.
Như vậy, ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi của nước ta đã vượt quy hoạch nên chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu rất lớn, đó là chưa kể đến những tác động đối với môi trường.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 1-2018 đạt 336 triệu USD, tăng 48,02% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2017 là 3,2 tỉ USD. Như vậy các doanh nghiệp nhập khẩu bình quân gần 267 triệu USD/tháng.
San Nguyễn
Dân Việt
|