Người Việt đang phải mua gạo đắt hơn giá trị thực
Dù là nước xuất khẩu gạo thuộc hàng top thế giới nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn ăn gạo với giá đắt hơn giá xuất khẩu.
Người Việt vẫn phải chịu thuế VAT 5% khi mua gạo Việt trong khi xuất khẩu thì không
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
|
Ngày 6.3, tại TP.HCM, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức đại hội nhiệm kỳ VIII (2018 - 2023). Bên cạnh các mặt làm được vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa làm tốt vai trò định hướng, dẫn dắt thị trường, hài hòa lợi ích cho người trồng lúa và cả doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Hội viên chưa được Hiệp hội cung cấp thường xuyên thông tin để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Chưa chủ động và phụ thuộc vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong các mặt hoạt động.
Một vấn đề quan trọng khác là trong thời gian qua, dù là nước xuất khẩu gạo thuộc hàng top thế giới nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn ăn gạo với giá đắt hơn giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, các sản phẩm gạo ngoại ngày càng xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa ngày càng nhiều. Trong khi các doanh nghiệp nội địa chủ yếu tập trung chế biến xuất khẩu.
Để giải quyết bất cập này, VFA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế VAT gạo tiêu thụ nội địa về mức 0%. Đây là vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm trước nhưng chưa được giải quyết. Mục tiêu là giúp các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, có điều kiện xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo nhằm giữ được thị trường trong nước qua đó từng bước hỗ trợ cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, VFA cũng kiến nghị Bộ Công thương tăng cường xúc tiến thương mại cấp quốc gia để củng cố và phát triển thị trường gạo. Ngoài ra nhanh chóng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP vủa Chính phủ phù hợp với tình hình mới nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thông thoáng cho kinh doanh xuất khẩu gạo.
Chí Nhân
THANH NIÊN
|