Thứ Hai, 12/03/2018 15:38

Những kẻ lừa đảo bí ẩn đã bỏ trốn với hơn 2 triệu USD sau khi huy động vốn thông qua ICO giả mạo

Những kẻ lừa đảo dường như đã bỏ trốn với hơn 2 triệu USD dưới dạng tiền ảo, sau khi tổ chức một thương vụ chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) giả mạo, và những cá nhân có liên quan tới vụ việc trên có thể được kết nối với một vụ lừa đảo khác, theo nguồn tin từ CNBC.

Một người hoặc một nhóm người lừa đảo đã sử dụng tài khoản LinkedIn giả mạo và sử dụng hình từ một tài khoản Instagram của một ai đó để tạo ra một nhân vật giả mạo – và thu hút được hơn 1,000 nhà đầu tư vào dự án ICO của mình với tên gọi là Giza.

Thế giới ICO đầy cạm bẫy

Một đợt chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) là cách để các start-up huy động vốn. Thay vì huy động vốn từ các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, một start-up có thể tổ chức một đợt ICO và cho phép những người khác đầu tư tiền ảo, như Ethereum hoặc Bitcoin, để đổi lấy token mới do start-up tổ chức ICO phát hành. Hãy nhớ rằng token mới không phải là cổ phần. Thay vào đó, nó có thể được sử dụng để làm phương tiện trao đổi cho các dịch vụ tương lai của công ty tổ chức ICO. Ngoài ra, còn có khả năng là các token mới có thể tăng giá mạnh hơn là giá ban đầu.

Hiện nay rất nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các thương vụ ICO, và nên nhớ rằng các thương vụ ICO không được cơ quan quản lý nào kiểm soát. Năm 2017, các công ty huy động được 3.8 tỷ USD thông qua các đợt ICO, và tính tới thời điểm này trong năm 2018, các công ty đã huy động tổng cộng tới 2.8 tỷ USD, dựa trên dữ liệu từ CoinSchedule – một trang web theo dõi hoạt động ICO.

Tuy nhiên, các thương vụ ICO là không bị kiểm soát ở phần lớn các quốc gia, hay nói cách khác nhà đầu tư không có được sự bảo vệ khi gian lận xảy ra. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ở nhiều nước đã bắt đầu chú ý tới hoạt động ICO khi xuất hiện ngày càng nhiều vụ lừa đảo về tiền ảo.

Điều gì đã xảy ra với dự án Giza?

Các nhà đầu tư đã phỏng vấn với CNBC đều nói về các đợt ICO rằng: Họ tưởng dự án ICO đó là hợp pháp cho đến khi các dấu hiệu cảnh báo bắt đầu xuất hiện – bao gồm việc mất liên kết với nhà cung cấp duy nhất của Công ty, thiếu sự phản hồi từ các nhà sáng lập ra dự án, và thất bại trong việc thu hồi khoản vốn bị mất.

Vụ lừa đảo rõ ràng đã được dàn xếp rất cẩn thận xoay quanh một cá nhân có tên là Marco Fike – Giám đốc vận hành (COO) của dự án Giza. Trong số 8 nhà đầu tư, đối tác và cựu nhân viên của Giza đã được CNBC phỏng vấn, tất cả đều khẳng định là họ chưa từng thấy mặt của Marco Fike.

Thương vụ ICO này là nhằm mục đích huy động vốn cho một start-up có tên là Giza – Công ty được cho là đang phát triển thiết bị siêu bảo mật và thiết bị này cho phép nhà đầu tư dự trữ tiền kỹ thuật số.

Công ty đã triển khai đợt ICO trong tháng 1/2018 và thu hút nhiều nhà đầu tư trong vài tuần sau đó. Một người đã bỏ tiền vào dự án nói với CNBC rằng họ đầu tư bằng đồng Ethereum (tương ứng 10,000 USD tại thời điểm đó), và một người khác cho biết họ đã rót khoảng 5,000 USD dưới dạng Ethereum.

Vào đầu tháng 2/2018, Giza đã huy động và nắm giữ hơn 2,100 đồng Ethereum – tại thời điểm đó có giá trị khoảng 2.4 triệu USD. Giờ đây gần như tất cả đồng Ethereum đều biến mất.

Sau khi bỏ tiền vào dự án trong tháng 1 và đầu tháng 2/2018, nhiều nhà đầu tư của dự án Giza bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về dự án.

Nhà cung cấp chấm dứt hợp đồng

“Mọi thứ đều ổn cho đến khi công ty – được cho là đang phát triển thiết bị siêu bảo mật – xuất hiện và cho biết Giza đã cắt đứt mối liên hệ với nhà cung cấp, và đây dường như là một vụ lừa đảo và họ có thể chẳng phát triển bất kỳ thiết bị nào cả. Rồi mọi thứ bắt đầu có vẻ rất đáng nghi”, một nhà đầu tư có tên là Chris nói với CNBC qua điện thoại.

Trang web chính thức của Giza bị xóa đi vào ngày thứ Sáu tuần trước (09/03), nhưng phiên bản lưu trữ thì vẫn còn.

Vào cuối năm 2017, Giza đã ký hợp đồng với một công ty Nga là Third Pin LLC để sản xuất thiết bị của Công ty này. Trang web của Third Pin LLC có ghi rằng họ sản xuất phần cứng cho một số ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vào ngày 30/01/2018, CEO của Third Pin LLC, Ivan Larionov, đã viết một bài đăng trên một diễn đàn Bitcoin rằng công ty của ông đã cắt đứt liên hệ với Giza. Ông Larionov đã xác nhận với CNBC rằng Giza có ký hợp đồng với Third Pin LLC, và bài đăng đó đúng là do ông đăng lên.

Vị CEO của Third Pin LLC giải thích rằng ông đã ký hợp đồng với một đại diện của Giza trước khi sang năm mới. Đại diện từ Giza đã đưa cho ông một bản thiết kế về thiết bị mà Giza muốn sản xuất nhưng lại không có các yêu cầu về kỹ thuật. Một khi các kỹ sư của Third Pin LLC tìm ra các đặc tính kỹ thuật của thiết bị này, họ đã yết giá 1 triệu USD cho Giza và ký một hợp đồng.

Ông Larionov đã liên hệ với STMicro – một nhà cung cấp linh kiện – để giúp ông thu thập các bộ phận cần thiết cho thiết bị của Giza. Ông cho hay người quản lý bán hàng của STMicro đã hỏi ông Larionov những câu hỏi đơn giản – như số lượng yêu cầu và khi nào thì nó sẽ trở thành sản phẩm, nhưng ông Larionov chẳng thể nào trả lời được vì bên Giza chẳng cung cấp thông tin gì cả. Thế là CEO của Third Pin LLC liên lạc với ông Fike và nhận được các câu trả lời mà theo ông Larionov là chẳng rõ ràng một tí nào. Đó là dấu hiệu đáng ngờ, ông Larionov cho hay.

Ông Fike hỏi Larionov rằng liệu ông có sẵn lòng lập một doanh nghiệp mới bên ngoài nước Nga và quản lý mối quan hệ với Giza từ công ty đó hay không, ông Larionov bộc bạch với CNBC. Do đó, vị CEO của Third Pin LLC tỏ ra nghi ngờ rằng ông Fike muốn né tránh những quy định nghiêm ngặt về tiền ảo mà nước Nga đã lập nên. Và ông Larionov từ chối yêu cầu của ông Fike.

Khi Third Pin LLC tiếp tục đánh giá về chi phí sản xuất thiết bị mà Giza muốn sản xuất, Công ty này nhận ra rằng chi phí sẽ cao hơn dự tính lúc đầu. Chi phí của Giza sẽ lên tới 1.5 triệu USD. Ông Larionov đề nghị với ông Fike rằng Giza có thể phải trả chi phí để lắp đặt thiết bị – một điều mà ông Fike không hề muốn.

“Tại thời điểm đó, ông Fike nói ‘không bao giờ’”, ông Larionov chia sẻ với CNBC. “Do đó, tôi nói với các nhân viên mình rằng chúng ta sẽ hủy hợp đồng”.

Một trong những nhà đầu tư – vốn muốn ẩn danh nhưng sử dụng nickname trên màn hình máy tính là ShayJo – cho CNBC thấy một cuộc trao đổi với ông Larionov qua một ứng dụng nhắn tin Telegram, trong đó ông Larionov cũng kể lại câu chuyện tương tự. Trong cuộc đàm thoại được CNBC xem xét, ông Larionov cho biết Giza đề nghị thanh toán 60% tổng giá trị hợp đồng, và phần còn lại sẽ được trả thông qua phần tiền huy động được từ ICO. Tuy nhiên, lúc đó, ông Larionov đã ngờ rằng Công ty này sẽ biến mất sau khi lấy được vốn. Do đó, ông Larionov đã chấm dứt mối quan hệ với Giza.

Vào giữa tháng 2/2018, địa chỉ ví tiền ảo có liên quan tới Giza – nơi nhà đầu tư gửi đồng Ethereum của mình vào – bắt đầu cho thấy họ đang rút một lượng lớn đồng Ethereum ra khỏi ví tiền ảo này. Việc rút Ethereum kéo dài trong 2 tuần liền. Động thái rút Ethereum gần nhất từ tài khoản Giza diễn ra vào ngày 02/03/2018.

Tiền đã đi đâu?

Một nhà đầu tư khác là Nicolas – người yêu cầu giữ bí mật về họ của anh – đã gửi CNBC về dấu vết của dòng tiền từ tài khoản Giza, vì các giao dịch của Ethereum đều dựa trên Blockchain nên có thể theo dõi được mặc dù không biết được chính xác là ai đứng sau tài khoản này.

Tiền được chuyển từ ví tiền ảo trên sang các ví tiền ảo khác hoặc một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Bằng cách theo đuôi các địa chỉ ví tiền ảo, vẫn có khả năng xem được dòng tiền từ một ví điện tử nào đó.

Phần lớn lượng tiền từ ví tiền ảo Giza đã cạn kiệt trong vòng 2 tuần. Lượng Ethereum đã được chuyển sang nhiều địa chỉ ví khác nhau.

Đáng chú ý ở đây là sự dịch chuyển dòng tiền từ ví tiền ảo Giza dường như có liên quan với một vụ lừa đảo khác về một đồng tiền có tên là Bee Token. Trong tháng 2/2018, Bee Token đã thực hiện một thương vụ ICO. Tuy nhiên, trong suốt đợt bán token kỹ thuật số, những kẻ lừa đảo giả danh là nhà sáng lập của Bee Token đã nhúng tay vào dòng tiền bằng cách gửi một lá thư điện tử tới nhà đầu tư và thúc đẩy họ đầu tư vào dự án ICO trên.

Một trong những ví tiền kỹ thuật số có liên kết với Bee Token đã bị đánh lừa để chuyển vào một ví có liên kết với Giza, dựa theo etherescan.io – một trang web theo dõi tất cả giao dịch trên hệ thống Blockchain Ethereum.

Điều này có nghĩa là cá nhân hoặc nhóm người có tham gia vào vụ lừa đảo của Giza cũng đứng đằng sau vụ lừa đảo về Bee Token. Hoặc là những người đứng đằng sau vụ lừa đảo về Bee Token có mối quan hệ nào đó với những người đứng đằng sau vụ Giza. Mọi thứ vẫn còn chưa rõ ràng.

Một phần Ethereum được chuyển sang sàn giao dịch tiền ảo ShapeShift thông qua ví tiền ảo Giza wallet 2 được cho thấy dưới đây. ShapeShift không hề cho phép nhà đầu tư chuyển đổi tiền ảo sang các tờ tiền pháp định, nhưng lại cho phép một người chuyển đổi từ đồng tiền ảo này sang đồng tiền ảo khác. Sau khi CNBC liên lạc với ShapeShift, sàn này cho biết họ đã đưa ví tiền ảo có liên quan tới Giza vào sổ đen. Tuy nhiên, họ không thể chỉ rõ người đã đăng ký địa chỉ ví tiền ảo Giza vì họ không thu thập dữ liệu về người dùng.

Bất chấp các nỗ lực để liên lạc với Giza, nhà đầu tư vẫn chưa có cách nào để thu hồi lại tiền của mình. Nhiều nhà đầu tư nói với CNBC rằng họ đã liên lạc với các cơ quan thực thi pháp luật ở vương quốc Anh.

Sự dịch chuyển dòng tiền từ ví điện tử của Giza

Ai là Marco Fike?

Sau khi Third Pin LLC đã đăng bài trên diễn đàn Bitcoin, nhà đầu tư bắt đầu lo lắng. Những người đã mua tiền kỹ thuật số của Giza cùng nhau lập nên một nhóm trên Telegram để điều tra về những người đứng đằng sau thương vụ Giza – dẫn đầu là ông Nicolas đã được nhắc tới ở trên.

Nhân vật trung tâm của vụ lừa đảo Giza chính là vị Giám đốc vận hành Marco Fike. Một vài người – bao gồm các nhà lập trình do ông Fike tuyển dụng, và cả những nhà đầu tư vào Giza – nói với CNBC rằng họ chưa bao giờ thấy mặt ông Fike. Tất cả đều cho biết rằng họ đã nói chuyện với một người sử dụng bí danh thông qua các dịch vụ nhắn tin.

Trang LinkedIn của Marco Fike cho biết ông đã học ở Đại học Oxford tại Anh, nhưng lại không nói cụ thể là học chuyên ngành gì. Hôm 08/03, Oxford nói với CNBC rằng họ đang điều tra về hồ sơ của người này.

CNBC đã có lần liên lạc với ông Fike thông qua Linkedln nhưng không hề nhận được phản hồi. 

Microsoft: Ông Fike chưa từng làm việc cho chúng tôi

Ông Fike liệt kê Microsoft là nơi ông từng làm việc ở Thụy Sỹ. Tuy nhiên, ông lớn phần mềm này tiết lộ với CNBC trong ngày thứ Sáu (09/03) rằng Marco Fike chưa từng làm việc cho Công ty.

Ông Fike cho biết ông từng là trợ lý cho CEO tại một công ty có tên là United Arab Emirates Agency ở Dubai. CNBC đã thử liên lạc với các số điện thoại liệt kê trên LinkedIn. Trong đó, 2 số điện thoại ở Anh và Croatia không có phản hồi. Còn số điện thoại từ trụ sở Dubai thì là một cá nhân nào đó và người này đã phủ nhận bất kỳ thông tin nào về công ty dưới cái tên đó.

Một thành viên trong nhóm Telegram đã lần ra nguồn gốc của tấm hình đại diện cho tài khoản LinkedIn của ông Fike – dường như đó là một tài khoản Instagram ở Dubai.

Vẫn chưa rõ là người dùng tài khoản Instagram này có biết nhân vật đằng sau cái tên Fike hay không, và liệu người này có biết hình ảnh mình được sử dụng hay không. CNBC đã cố gắng liên lạc với tài khoản Instagram này nhưng không có phản hồi.

“Chúng tôi đã liên lạc những người trên mạng xã hội LinkedIn có kết bạn với Công ty này. Không ai trong số họ đã gặp gỡ ông Marco Fike, tất cả đều là thông tin trên mạng. Một số đã bắt đầu xóa liên hệ với Giza, và mọi thứ có vẻ khá mờ nhạt”, một nhà đầu tư với nickname ShayJo nói với CNBC.

Vị CEO của Third Pin LLC cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về ông Fike. Ông Larionov cho biết ông đã liên lạc với Marco Fike thông qua ứng dụng Skype, nhưng ông Fike chẳng bao giờ bật liên lạc qua video. Thay vào đó, chỉ có tiếng của ông Fike mà thôi. Ông Larionov mô tả Marco Fike là một người nói trôi chảy tiếng Nga có giọng rất đặc trưng.

Phản hồi từ phía Giza?

Khi sự nghi kỵ ngày càng gia tăng, những người đầu tư vào dự án ICO bắt đầu cố gắng hỏi trực tiếp Giza. Có một kênh Telegram cho phép nhà đầu tư nói chuyện với Giza. Một người dùng có tên Karina dường như là quản lý của nhóm Telegram này và đại diện cho Giza.

Nhà đầu tư với nickname ShayJo cho biết Karina đã cấm một số người đặt câu hỏi trong nhóm Telegram. Karian đã đăng một bài viết trên kênh Telegram này rằng cô ấy được Giza thuê, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với Marco Fike. Và cuối cùng, công ty cũng ngừng trả lương cho Karina, cô nói.

CNBC đã liên lạc với Karina thông qua LinkedIn và cả Telegram. Karina cho biết Marco Fike thuê cô làm việc trên một trang web có tên là Freelancehunt.com, nhưng cô chỉ nói chuyện với ông Fike thông qua Telegram hoặc Skype, chưa bao giờ sử dụng dịch vụ cuộc gọi thoại (voice call) hoặc video.

Trong một đoạn ghi của nhóm Telegram này được công bố trên mạng, Karina khẳng định vào ngày 11/02/2018 rằng cô đã không nhận được bất kỳ thông tin nào từ Fike kể từ ngày 07/02/2018.

Nhân viên của Giza bị lừa?

CNBC đã nói chuyện với những người từng làm việc cho Giza và họ cũng kể câu chuyện tương tự với Karina. Họ được liên lạc trực tuyến thông qua một người nào đó được cho là từ công ty Giza. Họ được mời chào làm việc sau khi phỏng vấn thông qua Skype. Không ai thực sự nhận việc, không ai được trả lương và không ai nghe thông tin gì từ công ty nữa.

Giza quảng cáo về một công việc phát triển phần mềm trên trang web tên UpWork – một công việc lập trình dành cho những freelancer (những người làm việc tự do). Công ty tự mô tả mình trên đó là “một start-up đầy tham vọng”.

Aleksander Rajic được liệt kê trên trang web của Giza là một nhân viên phát triển phần mềm. Ông Rajic đã nộp đơn đăng ký vị trí này trong tháng 10/2017 trên UpWork, và được ông Marco Fike liên lạc trên nền tảng này. Ông Fike – tài khoản UpWork không hề có hình đại diện – nói với Rajic rằng trợ lý bộ phận nhân sự sẽ liên lạc với ông và thêm Rajic vào Skype. Các bức hình chụp từ màn hình máy tính của ông Rajic đã xác nhận về cuộc đối thoại trên.

Trợ lý nhân sự có tên là Esthelle Ness. Hình đại diện của bà trên Skype là một bức hình hoạt họa. Rajic đã ký một thỏa thuận không được tiết lộ hồi tháng 10/2017, và sau đó được yêu cầu hoàn thành một bài kiểm tra kỹ thuật. Sau khi thông qua, Ness đã đưa ra lời đề nghị làm việc với mức lương 1,000 USD/tháng và bắt đầu sau đợt ICO tháng 1/2018. Ness cho biết bà sẽ liên lạc với Rajic vào cuối tháng 12/2017, và bà đã làm đúng theo đó. Trong tháng 1/2018, sau khi huy động vốn thành công, Ness ngừng cung cấp thông tin về các giai đoạn tiếp theo của dự án và rồi ngừng liên lạc với Rajic.

“Khi họ ngừng phản hồi với tin nhắn của tôi trên Skype và cả LinkedIn, tôi đã ngờ rằng đây là một vụ lừa đảo”, ông Rajic nói với CNBC, đồng thời cho hay ông đã cố bỏ hình của ông ra khỏi trang web của Giza nhưng không liên lạc được với công ty này.

Hai người khác – được yêu cầu ẩn danh – cũng trải qua vụ việc tương tự với ông Rajic. Ness cũng không phản hồi yêu cầu của CNBC trên mạng xã hội LinkedIn. Trong hồ sơ, Bà Ness vẫn để chức vụ là trợ lý nhân sự tại Giza.

Cal Evans – người được liệt kê trên trang web của Giza là cố vấn pháp luật – nói với CNBC rằng công ty của ông, Greshingham International, là một công ty chiến lược và giám sát tuân thủ tiền ảo. Greshingham cũng được thuê để xem xét lại các tài liệu trên trang web của Giza, bao gồm cả giấy trắng (white paper) – trong đó có thể hiện mục tiêu của dự án.

Evans cho biết nhà đầu tư đã bắt đầu liên lạc với ông khoảng 1 tháng trước, và đó là lúc ông biết được là có điều gì đó không đúng về dự án này, mặc dù ông vẫn cho rằng dự án bắt đầu như là một dự án hợp pháp.

“Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm, và người người bắt đầu nói về công đồng này. Tôi vẫn tin rằng khi dự án này bắt đầu thì nó vẫn hợp pháp, khoảng thời gian mà chúng tôi bắt đầu tham gia vào”, ông Evans cho biết. Cuối cùng, Gresham International đã cắt đứt quan hệ với Giza trong tháng trước.

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bắt những kẻ lừa đảo này”, ông Evans nhấn mạnh. 

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Mất hơn 20% trong 2 ngày, Bitcoin về gần ngưỡng 9,000 USD (09/03/2018)

>   Coincheck sẽ hoàn trả cho khách hàng bị mất tiền điện tử từ tuần tới (09/03/2018)

>   Nhật tạm dừng 2 sàn kinh doanh tiền ảo sau vụ Coincheck bị tấn công (08/03/2018)

>   Một “cá voi” trong giới tiền ảo âm thầm bán ra 400 triệu USD Bitcoin (08/03/2018)

>   "Nối gót" Venezuela, Campuchia tính phát hành tiền ảo quốc gia (08/03/2018)

>   Bitcoin rớt mốc 10,000 USD sau khi thông tin các sàn tiền ảo buộc phải đăng ký với SEC (08/03/2018)

>   Giới siêu giàu đầu tư nhiều hơn vào tiền kỹ thuật số (07/03/2018)

>   Sàn tiền ảo bị cáo buộc lừa khách hàng (06/03/2018)

>   Bitcoin bị 'bỏ rơi' (05/03/2018)

>   Vỡ mộng vì ‘trâu già’ cày tiền ảo Trung Quốc (05/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật