Những cái “bắt tay” khiến ngân sách thất thoát hàng chục triệu USD
Trước khi Ban Bí thư đề nghị các cơ quan có trách nhiệm làm rõ và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát trong dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nhiều hợp đồng, dự án hợp tác giữa các đơn vị Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân gây thất thoát NSNN từ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng đã bị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng phát hiện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai tại dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG (Ảnh: noichinh.vn)
|
Cách đây ít ngày, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Ban Bí thư cho rằng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí thư.
Ban Bí thư đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Trước đó, nhiều hợp đồng, dự án hợp tác giữa các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp tư nhân gây thất thoát NSNN từ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng đã bị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cùng các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Bán “rẻ” đất cho nhà đầu tư, 7 địa phương gây thất thoát gần 4.000 tỷ đồng
Báo cáo về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất đai sau khi đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 - 2016 tại Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TPHCM, thị xã Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các địa phương này chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém.
Giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát NSNN (Ảnh minh họa)
|
Đáng lưu ý là việc xác định giá đất. Cụ thể, theo cơ quan Kiểm toán, việc giao đất thực hiện các dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường.
Đặc biệt, giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xác định giá đất thì có 5 phương pháp xác định giá đất. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi địa phương áp dụng một phương pháp xác định giá đất khác nhau, hoặc áp dụng cùng một phương pháp nhưng cách hiểu khác nhau dẫn đến xác định số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách khác nhau.
Thậm chí, tại cùng một địa phương còn có chênh lệch lớn về giá trị khu đất khi áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến thất thoát ngân sách.
Ngoài ra, việc xác định giá đất của các địa phương còn nhiều sai sót, hạn chế gây thất thoát ngân sách Nhà nước, như áp dụng phương pháp xác định giá đất không phù hợp, áp dụng sai thời điểm, không kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính hoặc điều chỉnh lại đơn giá tính tiền sử dụng thuê đất, thay đổi mục đích sử dụng đất làm tăng giá trị tiền sử dụng đất nhưng chưa kiểm tra, rà soát để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của chủ đầu tư…
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 8.323 tỉ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước của các dự án được kiểm toán là gần 3.978 tỉ đồng. Đồng thời, KTNN kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà cơ quan này tạm xác định là hơn 4.337 tỉ đồng.
Cái “bắt tay” 800 tỷ đồng giữa PVN - OceanBank
Dự kiến từ ngày 19.3 đến 29.3 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ đưa vụ án ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn và làm mất vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Liên quan đến số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào OceanBank, trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ PVN đã bị khởi tố. Trong số này, ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình trong vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm trước đó.
Các cựu lãnh đạo PVN phải hầu tòa vì khoản tiền 800 tỷ đồng của PVN thất thoát ở OceanBank (Ảnh: I.T)
|
Xung quanh vụ án này, ngày 18.9.2008, lãnh đạo PVN ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm (lúc đó là Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc tham gia góp 20% vốn điều lệ. Việc góp vốn sau đó đã được thực hiện thành 3 đợt, đợt 1 góp 400 tỷ đồng vào cuối năm 2008, đợt 2 góp 300 tỷ đồng vào năm 2010, đợt 3 góp 100 tỷ đồng vào năm.
Tới ngày 31.5.2010, ông Vũ Khánh Trường lúc đó là Ủy viên Hội đồng quản trị PVN đã ký Nghị quyết về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng của OceanBank.
Sau đó, tới tháng 8.2010, PVN có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận được mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại OceanBank thành 2 đợt. Đợt 1 tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, đợt 2 tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng để tiếp tục duy trì tỷ lệ giữ phần vốn của PVN tại OceanBank là 20% vốn điều lệ.
Tháng 10.2010, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: “…Yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào ngân hàng… Trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank”.
Những thiệt hại kinh tế sau sự việc OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng
|
Song lãnh đạo PVN sau đó vẫn ký quyết định chấp thuận góp vốn đợt 1 thêm 300 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ của OceanBank từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.
Tới ngày 16.5.2011, ông Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Phó tổng giám đốc PVN đã ký Quyết định chấp thuận góp vốn đợt 2 thêm 100 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của OceanBank từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Cuối cùng, năm 2015, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại OceanBank dẫn đến việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.
Giá trúng thầu thiết bị y tế cao gấp 20 lần giá nhập khẩu
Kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 của KTNN cho thấy, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.
Về công tác đấu thầu, nhiều đơn vị chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về việc đấu thầu thiết bị y tế, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập. Phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.
Nhiều thiết bị, vật tư y tế có giá mua chênh lệch gấp 6,7 lần so với thực tế (Ảnh minh họa)
|
Về vật tư, có loại chênh lệch gấp 6,7 lần như một cái kim bướm ở Bệnh viện Việt Đức có giá chỉ 1.090 đồng, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng. Hay một dây chuyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai giá 3.675 đồng nhưng Bệnh viện Việt Đức giá 18.000 đồng…
Đối với hóa chất, 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml được Viện Huyết học Truyền máu TƯ mua với giá 16.718.000đ, Bệnh viện Thống nhất mua với giá 2.874.375đ; 1 hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml thì Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá 1.597.000đ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mua với giá 5.067.000đ…
Ngoài ra, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định (tại tỉnh Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum).
Cá biệt, KTNN cho biết đã phát hiện 1 gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng và KTNN đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước.
Đề cập thêm về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng khu vực 12, đơn vị đã kiểm toán tại 3 Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh của Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum giai đoạn 2013-2015 cho biết, việc mua sắm hầu hết đúng quy trình quy định về đấu thầu mua sắm nhưng có hiện tượng giá trúng thầu nhiều thiết bị có sự bất hợp lý, khi so sánh giá nhập khẩu của chính thiết bị đó.
“Tại Gia Lai, chúng tôi kiểm toán một số gói thầu thì thấy kết quả chung là giá trúng thầu so với giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất, cao hơn khoảng 2,53 lần. Một số thiết bị có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4-7 lần, cá biệt có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần, như thiết bị monitor có giá mua 114 triệu nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng”, ông Khương nói.
Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, không riêng gì Gia Lai mà tại nhiều địa phương khác, việc nhập khẩu thiết bị và các chi phí thủ tục cũng như vận hành thông thường chỉ chiếm khoảng 10% giá trị của thiết bị.
Tuy nhiên, giải trình từ các đơn vị được kiểm toán cho biết họ không trực tiếp nhận được báo giá từ các nhà sản xuất, mà chỉ thông qua các đơn vị nhập khẩu. Sự bất hợp lý này là do sự độc quyền về nhà phân phối, trong đó các đơn vị sản xuất chỉ lựa chọn 1-2 nhà phân phối tại Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng các cơ quan quản lý giá của Nhà nước cần phải nắm rõ hơn về việc này để có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách, đồng thời có trách nhiệm cảnh báo ngành y tế đảm bảo quản lý kinh phí nhà nước chặt chẽ hơn, song song với đảm bảo phục vụ nhân dân”, ông Khương nói.
HOÀNG NHẬT
DÂN VIỆT
|