Thực thi CPTPP, Việt Nam phải sửa hàng loạt quy định pháp luật liên quan
“Để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban, ngành của Việt Nam”, bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI khẳng định.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước đồng thuận trong đó có Việt Nam. Vậy doanh nghiệp làm thế nào để được hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do này. DĐDN đã có cuộc trò chuyện với bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI.
CPTPP vừa ký kết, bà có đánh giá như thế nào về cơ hội nào dành cho doanh nghiệp Việt Nam?
Với ý nghĩa là một hiệp định toàn diện, CPTPP mặc dù không có Mỹ vẫn được đánh giá là một hiệp định lớn, quan trọng và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI khẳng định để thực thi CPTPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp đối với các bộ, ban, ngành của Việt Nam.
|
CPTPP giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận thị trường hàng hóa 10 nước đối tác khác trong CPTPP. Các cam kết về cắt giảm thuế quan trong CPTPP là rất mạnh, gần như 100% các sản phẩm hàng hóa sẽ được xóa bỏ ngay hoặc theo lộ trình.
Do đó đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam ở các thị trường đối tác CPTPP mà Việt Nam chưa có FTA như Canada, Mexico hay Bruney. Đồng thời FTA này tạo thêm nhiều cơ hội và lựa chọn cho các doanh nghiệp của chúng ta ở các thị trường mà Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Úc, New Zealand...
Bên cạnh đó, CPTPP với các cam kết mạnh về mở cửa dịch vụ, bảo hộ đầu tư sẽ giúp Việt Nam tăng cường đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang tìm cách thu hút đầu tư như nông nghiệp và các lĩnh vực công nghệ cao.
Đặc biệt, CPTPP sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy cải cách về thể chế kinh tế trong nước. Với rất nhiều cam kết về các vấn đề nằm sâu bên trong đường biên giới, thực hiện CPTPP Việt Nam sẽ phải sửa đổi hàng loạt các quy định về cạnh tranh, về môi trường, lao động, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước... Đây sẽ là ngoại lực để thúc đẩy cải cách bên trong của Việt Nam.
Nếu thực hiện tốt, việc này sẽ giúp Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tăng cường năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, việc thực hiện CPTPP bên cạnh những cơ hội là không ít thách thức đối với Việt Nam.
CPTPP bao gồm rất nhiều vấn đề nằm sau đường biên giới mà Việt Nam chưa từng cam kết. Do đó thực thi CPTPP Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các quy định pháp luật trong nước. Đây thực sự là một công việc khổng lồ và phức tạp.
Bà đánh giá thế nào về tốc độ hội nhập của doanh nghiệp Việt trong thời gian qua. Bà có gợi ý gì trong việc thay đổi chính sách pháp luật để doanh nghiệp tận dụng triệt để những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do này mang lại?
Qua nhiều năm theo dõi và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện WTO và các FTA của Việt Nam, tôi nhận thấy rằng TPP và sau đó là CPTPP là FTA được các cơ quan nhà nước quan tâm và các doanh nghiệp quan tâm nhất từ trước đến nay.
Sau khi TPP được ký kết hai năm trước, cả từ phía các bộ ban ngành liên quan và từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành các rà soát pháp luật nội địa để chuẩn bị cho việc thực thi TPP.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu có những tìm hiểu chung về TPP. Một số doanh nghiệp đã có những nghiên cứu kỹ về các cam kết TPP và xây dựng chiến lược kinh doanh để tận dụng hiệp định này. Do CPTPP có nội dung không khác nhiều TPP, nên những công việc chuẩn bị này sẽ vẫn hữu ích cho việc thực thi CPTPP sau này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những công việc chuẩn bị để khởi động cho một quá trình lâu dài thực thi CPTPP nếu hiệp định có hiệu lực, bởi đây là một FTA lớn với nhiều nội dung phức tạp.
Thực thi CPTPP đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ, ban, ngành và cả sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Làm sao để việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa vừa phù hợp với cam kết trong CPTPP vừa mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp? Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thay đổi pháp luật thực thi TPP.
Việc tham vấn này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và liên tục, tránh các trường hợp tham vấn rời rạc, tham vấn chỉ tập trung ở một số ngành, một số doanh nghiệp lớn....
Bà có nói việc thực thi các tiêu chuẩn của CPTPP là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Vậy doanh nghiệp phải làm như thế nào để hóa giải hết những thách thức trên, thưa bà?
Để tận dụng các cơ hội của CPTPP và giảm thiểu các thách thức kể trên, cả phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Đối với các cơ quan nhà nước, cần tiến hành rà soát, sửa đổi pháp luật trong nước để vừa đảm bảo phù hợp với các cam kết CPTPP vừa có lợi cho Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp, việc quan trọng và cấp thiết cần làm ngay là tìm hiểu kỹ các cam kết của CPTPP mà có thể có tác động đến mình. Tiếp theo là các công việc chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để có thể tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu các thách thức từ hiệp định.
Thực tế cho thấy đối với các FTA trước đây mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam chỉ ở khoảng 30%. Con số này cho thấy các cơ hội từ các FTA đã bị bỏ lỡ rất đáng tiếc. Do đó, việc chủ động tìm hiểu hiệp định và chủ động tìm cách thay đổi có lẽ là cách thức duy nhất để doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ CPTPP.
- Xin cảm ơn bà
Huyền Trang
DĐDN
|