Cận cảnh thương mại Việt - Mỹ 2018
Mỹ là một thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng và Việt Nam hiện đang được hưởng lợi rất lớn trong quan hệ thương mại với Mỹ do luôn có giá trị xuất siêu lớn sang thị trường này.
Không chỉ cá tra mà mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang bị Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá gần 4,8% - cao hơn hẳn so với các nước khác.Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
|
Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu lớn với Mỹ
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua. Điểm đặc biệt của thị trường này là Việt Nam luôn xuất siêu sang Mỹ với giá trị ngày càng lớn. Trong năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỉ đô la Mỹ sang thị trường Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngược lại, lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỉ đô la Mỹ.
Còn xét trong khoảng thời gian dài hơn, trong giai đoạn từ năm 2000- 2017, thương mại hàng hóa Việt Nam - Mỹ đã có bước phát triển ngoạn mục với mức tăng hơn 40 lần. Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu trong giai đoạn từ năm 2000-2017 bình quân đạt khoảng 28%/năm, từ 732 triệu đô la Mỹ năm 2000 lên 41,6 tỉ đô la Mỹ năm 2017. Nổi bật nhất là năm 2002 với mức tăng 127,3%, năm 2003 tăng 62,7%, năm 2006 tăng 32%. Theo số liệu thống kê của UNComtrade (Cơ sở Thống kê dữ liệu thương mại tiêu dùng của Liên hiệp quốc), tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2016 đạt 2.450 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ 12 trong số các thị trường xuất khẩu sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Về các mặt hàng, Mỹ là thị trường nhập khẩu các hàng dệt may, da giày lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may sang Mỹ năm 2017 đạt 12,28 tỉ đô la Mỹ (tăng 7,3%), chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu dệt may cả nước; xuất khẩu giày dép đạt 5,11 tỉ đô la Mỹ (tăng 14%). Ngoài ra, Việt Nam còn có thế mạnh xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang thị trường này với các mặt hàng như hạt điều đạt 1,22 tỉ đô la Mỹ (tăng 25,7%); thủy sản đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ (giảm 2%), gỗ và một số sản phẩm từ gỗ đạt 3,27 tỉ đô la Mỹ (tăng 15,7%).
Sắp tới, mặt hàng cụ thể nào bị ảnh hưởng?
Từ ngày 1-1-2018, các sản phẩm hải sản nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu sự giám sát của chương trình SIMP được thiết lập dành cho 13 loài nằm trong nguy cơ bị đánh bắt, trong đó có cá ngừ - sản phẩm cá biển chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
|
Tuy nhiên, với đường lối bảo hộ thương mại trong nước, chống toàn cầu hóa của Tổng thống Donald Trump, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp phải những thách thức nhất định trong thời gian tới. Dễ thấy nhất là đối với mặt hàng thủy sản và sắt thép.
Đối với mặt hàng thủy sản, Mỹ đã và đang áp dụng chương trình thanh tra đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam kể từ đầu tháng 9-2017. Chương trình này đặt ra những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt, vượt quá những chuẩn mực về kiểm soát an toàn thực phẩm mà thị trường toàn cầu áp dụng. Không chỉ cá tra mà mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang bị Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá gần 4,8% - cao hơn hẳn so với các nước khác. Một thông tin không mấy vui khác là kể từ ngày 1-1-2018, các sản phẩm hải sản nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu sự giám sát của chương trình SIMP của Bộ Thương mại Mỹ. Chương trình này được thiết lập dành cho 13 loài nằm trong nguy cơ bị đánh bắt, trong đó có cá ngừ. Cá ngừ lại là sản phẩm cá biển chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản đơn lẻ đứng thứ 3 của Việt Nam, chiếm 17% trên tổng giá trị xuất khẩu. Trong năm 2017, ba mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gồm tôm (chiếm trên 17%); cá tra (chiếm 19,3%) và cá ngừ (chiếm trên 23%).
Đối với mặt hàng nhôm thép, thông tin mới nhất cho biết Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đánh thuế 25% tất cả các sản phẩm thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ tất cả các nước. Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ. Như vậy, sắp tới xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ chắc chắn sẽ chịu các tác động tiêu cực.
Đối với dệt may - mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ thì việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nỗi thất vọng lớn. Tuy nhiên, diễn biến trong năm 2017 cho thấy mặt hàng này vẫn tăng trưởng tốt tại Mỹ.
Đối với mặt hàng gỗ, Mỹ là thị trường rất quan trọng của Việt Nam cả về phương diện là nguồn cung nguyên liệu gỗ đầu vào lẫn thị trường tiêu thụ. Cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa hai nước đang nghiêng về phía có lợi cho Việt Nam. Xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ kể từ sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ có hiệu lực, giúp cắt giảm thuế nhập khẩu từ khoảng 50% xuống thấp đáng kể, thậm chí có dòng thuế được đưa về 0%. Bên cạnh đó, mặt hàng này của Trung Quốc bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá, dẫn đến xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường có giá trị tiêu thụ khoảng 30 tỉ đô la Mỹ này giảm mạnh, nhất là mặt hàng nội thất. Do vậy, vẫn còn nhiều cơ hội đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2018.
Linh Trang
tbktsg
|