Thứ Ba, 13/03/2018 10:21

Không thay đổi, xăng E5 còn ế dài!

Số lượng xăng E5 bán ra quá thấp do người dùng e dè chất lượng và lợi nhuận thấp

Qua khảo sát ở các cửa hàng xăng tại khu vực TPHCM, nhiều người đến đổ xăng chỉ chọn loại A95, trong khi các trụ bơm E5 ít người mua. Tại một cây xăng trên đường Trần Não (quận 2), chỉ có vài phụ nữ chọn đổ xăng E5. Nhân viên bán xăng cho biết nam giới chỉ chọn xăng A95 để sử dụng dù giá có đắt hơn.

E dè chất lượng

Các nhân viên cửa hàng xăng dầu đều có chung nhận định tài xế ô tô con thường chọn xăng A95 vì không tin tưởng chất lượng xăng E5. Thậm chí, nhiều tài xế xe ôm cũng chỉ chọn xăng A95 dù giá cao. Ông Trần Văn Thế, chạy xe ôm trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), cho biết trước đây, giới chạy xe ôm đều sử dụng xăng A92 cho rẻ để cạnh tranh với xe ôm công nghệ nhưng từ khi không bán xăng A92 thì hầu hết chuyển sang xăng A95 cho an toàn và chấp nhận giá cao. Bà Trần Thị Mai - chủ một doanh nghiệp (DN) chuyên cho thuê xe du lịch, xe chạy hợp đồng tại khu vực chợ Tân Định (quận 1) - cho biết lúc trước sử dụng xăng A92 thì nay đều chuyển sang A95. Để sử dụng loại xăng này, DN đã ký hợp đồng mua bán xăng với các cửa hàng xăng dầu trên các tuyến đường thường xuyên đi lại. Trường hợp xe đang chạy nếu hết xăng bất ngờ thì buộc tài xế phải đổ ở cây xăng khác nhưng phải đúng xăng A95 có hóa đơn rõ ràng.

Người dùng ít chọn mua xăng E5 do chưa tin tưởng vào chất lượng của loại xăng này Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Tuấn Hào, chủ một DN kinh doanh xăng dầu ở quận Bình Thạnh, cho biết khi bắt buộc bỏ xăng A92 chuyển sang bán xăng E5 thì mỗi cửa hàng xăng dầu đều trang bị 2-3 trụ bơm xăng E5 đối với cửa hàng có mặt bằng nhỏ, còn cửa hàng có mặt bằng lớn thì trang bị 4-6 trụ bơm xăng E5. Tuy nhiên, lượng xăng E5 bán ra rất thấp nên nhiều cây xăng đã sắp xếp lại chỉ còn 1-2 trụ bơm xăng E5.

Khuyến khích chưa đủ

Theo phân tích của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), các chính sách khuyến khích dành cho xăng sinh học E5 hiện nay là chưa đủ. Cụ thể, với xăng E5 (pha thêm 5% cồn vào xăng A92 từ nhiên liệu hóa thạch) giúp giảm hàm lượng hydrocarbon trong khí thải và giảm ô nhiễm môi trường đáng kể nhưng chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường theo tỉ lệ 5%. Theo đó, xăng E5 chỉ được giảm 150 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường so với xăng A92 (chịu thuế 3.000 đồng/lít). Sự chênh lệch giá giữa xăng A95 và xăng E5 (khoảng 1.600-1.800 đồng/lít) là do sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá. Điều này là không công bằng đối với DN đầu mối vì theo quy định hiện hành (kỳ điều hành giá ngày 8-3), khi bán ra 1 lít xăng E5, DN đầu mối phải trích ra trong quỹ bình ổn giá của DN 704 đồng/lít để bù lỗ xăng E5. Trong khi đó, xăng E5 không đóng quỹ bình ổn xăng dầu nhưng lại được sử dụng quỹ bằng nguồn đóng góp của các mặt hàng xăng dầu khác. Điều này dẫn đến các DN đầu mối tiêu thụ mạnh xăng E5 thì quỹ bình ổn giá của DN đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm), trong khi các DN không có mặt hàng xăng E5 thì quỹ vẫn được bảo đảm. Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5 và đi ngược với chủ trương của Chính phủ là phát triển mặt hàng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường, dẫn đến việc một số DN đầu mối chi hoa hồng bán xăng A95 cao hơn xăng E5 khiến các cửa hàng bán lẻ đẩy mạnh bán xăng A95.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho hay đã ghi nhận ý kiến phản ánh của Saigon Petro về thực tế kinh doanh xăng E5 và A95 trên thị trường. Song, vị này cho rằng đây chỉ là kiến nghị của 1 trong 26 đầu mối xăng dầu trên cả nước. "Bộ Công Thương đang tổng hợp số liệu của các đầu mối khác sau 2 tháng triển khai lộ trình xăng sinh học để báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong quý I/2018. Theo đó, nếu sử dụng xăng A95 cao như phản ánh của Saigon Petro thì Bộ Công Thương sẽ báo cáo Phó Thủ tướng để đưa vào tính giá A95. Việc này cũng là thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá - tại Công văn số 439 ngày 11-1 về việc theo dõi tình hình tiêu thụ xăng A95 để công bố giá cơ sở các mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật" - đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Sử dụng xăng A92 là đi ngược với thế giới

Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, chi phí đầu vào xăng E5 cao, bán chậm, tồn kho ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng nên cần có cơ chế giúp DN hạ chi phí. Các cơ quan chức năng cần xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến giá như thuế bảo vệ môi trường, giá E100. Hiện Việt Nam chỉ duy nhất Công ty Tùng Lâm bán E100 với giá cao gấp 1,5 lần Brazil. Các DN đang kiến nghị giảm thuế E100 nhập khẩu còn 15% (so với 18% hiện nay) nhưng chưa được chấp thuận. Để kích cầu tiêu dùng, cần chứng minh xăng E5 an toàn cho động cơ nào, những khuyến cáo cần thiết. TS Long cũng cho rằng quay lại sử dụng xăng A92 là đi ngược xu hướng phát triển thế giới trong việc phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường.

Ng.Ánh

 Ngọc Ánh - Nguyễn Hải - Phương Nhung

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Dầu giảm giá sau báo cáo từ EIA (13/03/2018)

>   Saigon Petro kiến nghị bán lại xăng A92 (12/03/2018)

>   Lãng phí 400 tỉ đồng/tháng vì sử dụng xăng A95 ? (11/03/2018)

>   Vọt hơn 3% trong phiên, dầu quay đầu tăng giá trong tuần qua (10/03/2018)

>   Dầu giảm liền 2 phiên xuống thấp nhất trong hơn 3 tuần (09/03/2018)

>   Không tăng giá mặt hàng xăng dầu (08/03/2018)

>   Nghịch lý thuế bảo vệ môi trường và ô nhiễm môi trường (08/03/2018)

>   Dầu sụt hơn 2% khi sản lượng tại Mỹ vọt lên mức kỷ lục mới (08/03/2018)

>   Giá xăng có thể tăng vào ngày 8/3 (07/03/2018)

>   Dầu tăng liền 3 phiên (07/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật