Dầu tăng liền 3 phiên
Các hợp đồng dầu thô tương lai nhích nhẹ vài xu trong ngày thứ Ba, đủ để nới rộng đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp, MarketWatch đưa tin.
Đồng USD suy yếu, sản lượng của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) liên tục sụt giảm, cùng với nhu cầu tăng mạnh do thời tiết giá lạnh ở phía Đông đã hỗ trợ cho giá dầu. Tuy nhiên, dự báo dự trữ dầu thô tại Mỹ nhảy vọt cùng với những lo ngại ngày càng tăng về đà leo dốc của sản lượng nội địa cũng gây sức ép lên giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex nhích 3 xu (tương đương gần 0.1%) lên 62.60 USD/thùng sau khi vọt 2.6% trong 2 phiên trước đó.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn tiến 25 xu (tương đương 0.4%) lên 65.79 USD/thùng.
Scott Gecas, Chiến lược gia cấp cao tại Long Leaf Trading Group, nhận định: “Hai yếu tố ảnh hưởng chính là đà tăng sản lượng của Mỹ và việc thời tiết giá lạnh tại vùng vịnh phía Đông đang thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn. Hai yếu tố này đã bù đắp tác động lẫn nhau”.
Được biết, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ vào thứ Tư. Trong khi đó, báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Ba.
Các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts dự báo dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 2.5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 02/03/2018, dự trữ xăng và dự trữ các sản phẩm chưng cất lần lượt giảm 500,000 thùng và 1.6 triệu thùng.
Trong khi đó, chứng khoán thế giới biến động bất thường kể từ đầu tháng 2/2018, và giá dầu cũng theo sát những diễn biến này.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào chiều ngày thứ Ba, sau đà sụt giảm đầu phiên, khi nhà đầu tư cân nhắc những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu và sự dịu bớt căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Về cơ bản, thị trường dầu tiếp tục bị kẹt giữa đà leo dốc của sản lượng tại Mỹ và những nỗ lực cắt giảm sản lượng từ OPEC cùng với các đồng minh như Nga.
Vào ngày thứ Ba, một báo cáo của Platts cho biết sản lượng của OPEC mất 70,000 thùng/ngày còn 32.39 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2018, chủ yếu là do sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela.
Bên cạnh đó, EIA cũng nâng dự báo sản lượng dầu tại Mỹ vào năm 2018 và 2019 trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố ngày thứ Ba.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 4 hạ gần 0.1% xuống 1.933 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 tiến 0.4% lên 1.903 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 cộng 1.7% lên 2.749 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|