Cấm vận của Mỹ sẽ là ‘chuông báo tử’ cho ngành dầu mỏ Venezuela
Những dấu hiệu về biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Logo của hãng dầu khí quốc doanh Venezuela PDVSA tại một trạm xăng dầu ở thủ đô Caracas
ẢNH: REUTERS
|
Theo Reuters đưa tin hôm 1.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét các hình thức xử phạt ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela nhằm tăng sức ép lên chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
“Việc Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu của Venezuela đang trở nên gần với thực tế hơn. Những hành động như vậy có thể làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy tại nước này”, Stephen Brennock, chuyên gia phân tích dầu mỏ của PVM Oil Associates, nói.
Thông tin này theo sau lời cảnh báo mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vào đầu tháng 2 khi ông nói rằng Nhà Trắng sẽ cấm giao dịch dầu thô của Venezuela. Những động thái đánh trực tiếp vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela như vậy sẽ là một cú sốc lớn đối với chính quyền ông Maduro, một chính quyền vốn đang bị phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán dầu thô để giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Venezuela là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ tư của Mỹ trong năm ngoái. Ông Brennock cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ buộc chính phủ Caracas phải giảm mạnh giá dầu trong nỗ lực tìm kiếm người mua mới. Ngoài ra, còn gây hạn chế về triển vọng cung cấp các sản phẩm pha loãng quan trọng.
Dựa trên số liệu của Reuters, doanh số bán dầu thô của Venezuela tại Mỹ năm 2017 đã giảm xuống dưới 600.000 thùng, mức thấp nhất trong gần ba thập niên.
Trong khi ông Maduro tập trung để chạy đua vào vị trí lãnh đạo đất nước cho nhiệm kỳ 6 năm tới, thì người dân Venezuela vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, siêu lạm phát không ngừng tăng cao và đồng nội tệ bolivar gần như không còn giá trị.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát của nước này có thể lên tới 13.000% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến cũng sẽ leo lên mức 32% vào năm 2022.
Phương Anh
Thanh niên
|