Không còn tiền rẻ!
Ngày ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tuyên thệ nhậm chức, chỉ số Dow Jones làm choáng váng giới đầu tư quốc tế bằng cú rơi hàng trăm điểm. Hai hôm sau, nó rơi thẳng đứng hơn 1.000 điểm nữa. Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, mấy ngày sau nhận xét: “Thị trường đã để lộ dần gương mặt thật của nó một cách tử tế”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Tiến Dũng đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2018. Nguồn: Vietnam+
|
Ngày 27-2-2018, Chủ tịch Jerome Powell điều trần trước Quốc hội Mỹ và các hãng tin tài chính thế giới chạy những hàng tít đại thể từa tựa như nhau: Sự biến động của thị trường chẳng thể nào làm dừng lại quá trình tăng lãi suất. Nói cách khác, Fed chắc chắn sẽ tăng lãi suất và ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng sẽ hành động như vậy. Thời kỳ tiền rẻ với những gói QE nới lỏng tiền tệ hết mức dài một thập kỷ đã kết thúc.
Ở Việt Nam sau ngày 9-2-2018, ngày mà VN-Index biến động dữ dội và có lúc đã rớt xuống dưới mức đóng của ngày cuối cùng năm ngoái trước khi trở lại ngưỡng 1.000 điểm, thanh khoản của cả ba sàn đều giảm. Khối lượng khớp lệnh (không tính giao dịch thỏa thuận) cổ phiếu trên HOSE trong tháng 1-2018 thường xuyên ở mức 250-350 triệu đơn vị/ngày, thậm chí có ngày tới 400 triệu đơn vị. Giờ đây, thanh khoản khớp lệnh của HOSE chỉ khoảng 150-180 triệu cổ phiếu/ngày. Những ngày khớp lệnh trên 200 triệu đơn vị dường như đã trở nên xa xỉ.
Thanh khoản giảm, nghĩa là tiền đã bị rút ra. Tiền có thể vẫn nằm trên tài khoản của nhà đầu tư, nhưng chủ nhân của chúng có giao dịch không, hay duy trì vị thế quan sát mới là chuyện đáng bàn. Đại đa số nhà đầu tư đã co hẹp danh mục cổ phiếu, họ vẫn còn giữ những mã mạnh, chủ yếu ngân hàng - chứng khoán, nhưng sẵn sàng chân trong chân ngoài và có thể thoát ra bất cứ lúc nào để bảo toàn thành quả đạt được của năm 2017. Không chốt lời sao được khi mà năm ngoái nhiều cổ phiếu đã tăng giá 100%.
Ở thời điểm hiện tại, đã có những ý kiến định nghĩa ngắn gọn về VN-Index “thị trường của người bán”. Các cổ phiếu blue-chips thượng hạng có giá trị vốn hóa lớn đã trở nên quá đắt đỏ khi chỉ số P/E bình quân của tốp 10 đã gần 35. Một quan chức cấp cao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết chứng khoán tăng trưởng là đáng mừng, song mặt trái của nó không phải không có. Ông khẳng định một phần không nhỏ tiền chảy vào chứng khoán vừa qua có nguồn gốc từ cho vay tài chính tiêu dùng. Khối lượng không nhỏ cho vay tài chính tiêu dùng được giải ngân bằng tiền mặt với giá trị lớn/hợp đồng và qua nhiều thủ tục trước khi nó đi vào chứng khoán. NHNN đã có văn bản cảnh báo về việc này và tới đây việc kiểm soát tài chính tiêu dùng sẽ được tăng cường.
Ở thời điểm hiện tại, đã có những ý kiến định nghĩa ngắn gọn về VN-Index “thị trường của người bán”.
|
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bắt đầu “nặng giọng” hơn khi đề cập đến dịch vụ ký quỹ. Điều chỉnh tỷ lệ margin là điều bắt buộc phải làm như đại diện Ủy ban trao đổi với người viết bài này. Tuy nhiên, Ủy ban sẽ thực hiện một cách “nghệ thuật”, tiến hành mà cũng như không, không làm mà thực ra lại là có.
Nhìn dưới nhiều góc độ, đó là quan điểm đúng và thích hợp. Theo dữ liệu của UBCKNN đến cuối tháng 9-2017, tổng dư nợ margin của tất cả các công ty chứng khoán là 36.155 tỉ đồng. Đến cuối năm ngoái, con số này được các nhà môi giới báo cáo ở mức 38.000 tỉ đồng, tức chỉ tăng chưa đầy 2.000 tỉ đồng. Sự chênh lệch này liệu có chính xác khi tháng 11 và 12 năm ngoái, VN-Index đã đi lên mạnh mẽ với thanh khoản cải thiện vượt bậc? Khảo sát của chúng tôi tại một số công ty chứng khoán cho thấy có những cổ phiếu được margin với tỷ lệ 30-70, tức có 3 đồng, nhà đầu tư được vay 7 đồng. Tất nhiên không phải cổ phiếu nào cũng được áp dụng tỷ lệ margin như vậy, nhưng nó cho thấy margin đang biến động khôn lường.
Theo UBCKNN, margin không chỉ tập trung ở các công ty chứng khoán hàng đầu, mà ở hầu hết mọi công ty với lãi suất dao động từ 11-13,5%/năm tùy đơn vị. Hiện vốn chủ sở hữu của 79 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường là 52.220 tỉ đồng và theo quy định về cho vay ký quỹ (Quyết định 87-UBCK) có hiệu lực từ đầu năm 2017, các công ty chứng khoán có thể cung cấp margin tối đa bằng 200% vốn chủ sở hữu. Vấn đề là ở chỗ hoạt động của công ty chứng khoán không chỉ tập trung vào môi giới, mà còn các nghiệp vụ khác như tự doanh, tư vấn, bảo lãnh phát hành... Việc dồn vốn chỉ cho margin rõ ràng là rủi ro.
Trước mắt thị trường chờ đợi chỉ số CPI của tháng 2-2018. Lạm phát là một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô có tính quyết định trong điều hành tiền tệ của NHNN. Nhà điều hành một mặt vẫn vừa yêu cầu vừa đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vốn vào chứng khoán, bất động sản; mặt khác chủ động không đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, ít nhất là thấp hơn mức của năm 2017. Sự chủ động này là cần thiết khi nới lỏng tiền tệ đã kéo dài gần hai năm.
Hải Lý
tbktsg
|