Hàng trăm tỉ đồng sổ tiết kiệm 'bốc hơi': 'Lỗ hổng' khách hàng VIP
Cả 2 vụ án mất tiền tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank, EIB) đều do cán bộ lừa đảo chiếm đoạt lợi dụng kẻ hở quy chế cho khách hàng VIP.
Khách hàng vẫn còn giữ sổ tiết kiệm nhưng ngân hàng không chịu trả tiền
Ảnh: T.X
|
Phục vụ tận nhà
Eximbank hiện nay đang triển khai dịch vụ Eximbank VIP phục vụ khách hàng cá nhân VIP khi gửi tiết kiệm hay vay ở một mức cao sẽ được ưu đãi lãi, miễn phí dịch vụ... Một trong những ưu đãi phục vụ đó là “Được Eximbank xem xét cung cấp dịch vụ thu, chi tiền mặt, dịch vụ cho vay, dịch vụ thẻ tận nơi theo yêu cầu của khách hàng”. Quy định này không phải mới, từ năm 2012 đã có quy chế về phục vụ khách hàng VIP có nêu điều khoản này. Các khách hàng VIP không cần đến ngân hàng mà được phục vụ tận nơi. Đây là một trong những sơ hở dễ bị cán bộ ngân hàng lợi dụng chiếm đoạt tiền khi các giao dịch tiền gửi diễn ra ngoài phạm vi hoạt động của ngân hàng.
Vụ án Lê Nguyễn Hưng nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỉ đồng của Eximbank rồi bỏ trốn hay vụ Nguyễn Thị Lam nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Vinh, Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt 50 tỉ đồng của Eximbank đang gây xôn xao dư luận gần đây đều xuất phát từ quy định “chết người” này. Các khách hàng không phải đến ngân hàng thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền khi có số tiền gửi tiết kiệm từ 2 tỉ đồng trở lên. Theo quy định khách hàng VIP Eximbank ban hành tháng 1.2012, có 4 hạng khách hàng VIP, cụ thể VIP Đồng có tiền gửi từ 2 - 5 tỉ đồng, VIP Bạc từ 5 - 10 tỉ đồng, VIP Vàng từ 10 - 20 tỉ đồng,VIP Kim cương từ 20 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra khách hàng vay cũng được xếp hạng VIP theo 4 hạng tùy số tiền vay. Đây là lý do khách hàng không phải đến ngân hàng mà làm việc thông qua cán bộ công nhân viên Eximbank dẫn đến tình trạng Nguyễn Thị Lam dù đã nghỉ làm tại Eximbank nhưng vẫn thực hiện rút 34 tỉ đồng tại Eximbank bằng các chứng từ giả. Hay Lê Nguyễn Hưng lừa khách hàng ký vào giấy tờ để rút 245 tỉ đồng trên tài khoản của khách hàng Chu Thị Bình.
Chính vì quy chế giao dịch tận nhà này mà cả ngân hàng và khách hàng đều không thể phát hiện ra trong thời gian dài số tiền bị rút. Theo thông tin từ bà Chu Thị Bình, 3 sổ tiết kiệm của bà có số tiền gốc trên 300 tỉ đồng và sau khi vụ việc bị phát hiện vào cuối tháng 2.2017, phía ngân hàng thông báo số tiền đã rút chủ yếu trước năm 2016. Phía bà Chu Thị Bình cho rằng điều này hoàn toàn mâu thuẫn với số dư thể hiện trên 3 giấy xác nhận sao kê mà Eximbank chi nhánh TP.HCM cung cấp cho bà Bình trong năm 2016. Cụ thể tài khoản số 1 được Eximbank xác nhận sao kê lập ngày 7.2.2016 hơn 63,9 tỉ đồng, sổ tiết kiệm 2 xác nhận sao kê ngày 25.4.2016 hơn 5,54 tỉ đồng, sổ tiết kiệm 3 xác nhận sao kê ngày 9.1.2016 hơn 275,4 tỉ đồng. Các sao kê này đều được lập trên tiêu đề của Eximbank, có dấu của Eximbank và được ông Lê Nguyễn Hưng, Phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP.HCM lúc bấy giờ là người có thẩm quyền ký, giao trực tiếp cho bà Bình và bà Bình hoàn toàn tin vào những giấy tờ này.
Quy chế “vượt rào”
Ngoài ra quy chế “phục vụ tận nhà” đã không tuân thủ quy định của pháp luật. Tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13.9.2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Quy chế tiền gửi tiết kiệm, tại điều 12 quy định địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm nêu: “Đối với mỗi thẻ tiết kiệm, tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được phép nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch nơi cấp thẻ hoặc các địa điểm giao dịch khác của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Để rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm thì người gửi tiền phải trực tiếp đến phòng giao dịch xuất trình thẻ tiết kiệm, xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký đã đăng ký... Với quy chế khách hàng VIP Eximbank đã không tuân thủ những quy định cơ bản nhất của Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Ngoài ra, Quyết định 1160 cũng có quy định trách nhiệm của ngân hàng “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng đối với tiền gửi tiết kiệm do lỗi của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Thế nhưng 2 vụ việc mất tiền liên quan đến tiền gửi của khách hàng tại Eximbank kéo dài từ 1 - 2 năm vẫn chưa giải quyết thỏa đáng cho khách.
Thanh Xuân
Thanh niên
|