Thứ Tư, 28/03/2018 16:07

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Ông Nguyễn Đình Thắng là tân Chủ tịch

Chiều ngày 28/03, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, UPCoM: LPB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 để thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, cũng như bầu mới HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2023.

"Ghế nóng" đã có chủ

Theo kết quả kiểm phiếu tại đại hội, 8 ứng viên ứng cử vào HĐQT và 3 ứng viên vào BKS nhiệm kỳ III (2018-2023) của Ngân hàng LienVietPostBank đều đã trúng cử.

Ông Nguyễn Đình Thắng

Quan trọng hơn, câu hỏi ai sẽ là người ngồi “ghế nóng” LienVietPostBank thay cho ông Nguyễn Đức Hưởng đã có câu trả lời. Theo đó, ông Nguyễn Đình Thắng sẽ là Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhiệm kỳ III (2018-2023). Trước đó, ông là Phó Chủ tịch của Ngân hàng (từ tháng 4/2017).

Ông Nguyễn Đình Thắng sinh năm 1957 tại Thanh Hóa, gia nhập LienVietPostBank từ năm 2008 trên cương vị thành viên HĐQT và trở thành Chủ tịch Ủy ban Công nghệ của Ngân hàng từ năm 2013.

Ông Thắng được biết đến như “cha đẻ” của Ví Việt, người chỉ đạo trực tiếp xây dựng và phát triển Thẻ phi vật lý Ví Việt (Ví Việt) – sản phẩm thanh toán online của LienVietPostBank. Ví Việt được HĐQT LienVietPostBank định hướng là giải pháp để thực hiện mục tiêu bán lẻ của Ngân hàng. Hiện ông đang sở hữu hơn 27.8 triệu cp LPB. Ngày cổ phiếu LPB lên UPCoM với giá tham chiếu 14,800 đồng/cp, ông Thắng đã lọt top 100 người giàu Việt Nam trên sàn chứng khoán.

Ngoài công tác tại LienVietPostBank, ông Thắng còn đã và đang đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại các tổ chức khác như: Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhiệm kỳ V, VII, VIII; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nhiệm kỳ I, II, III; Chủ tịch CTCP Phát triển công nghệ Liên Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Trường Thọ, Chủ tịch Trường Đại học công nghiệp Vinh, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP IITQ Việt Nam,…

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Cử được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT và Phạm Doãn Sơn là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực của LienVietPostBank.

Một ứng viên vào HĐQT đến từ Sacombank

Vì không thể tiếp tục đồng hành với LienVietPostBank nữa nên ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ bàn giao lại cho thế hệ mới. Như vậy, ĐHĐCĐ hôm nay của LienVietPostBank sẽ phải bầu ra Chủ tịch mới thay thế ông Hưởng.

Theo tài liệu trình cổ đông, tổng số thành viên bầu vào HĐQT LienVietPostBank nhiệm kỳ 2018-2023 dự kiến trình cổ đông thông qua gồm 8 thành viên, trong đó có 6 thành viên hiện đang nằm trong HĐQT LienVietPostBank, 2 thành viên còn lại là ông Dương Công Toàn (Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank) và bà Dương Hoài Liên (hiện không nắm giữ chức vụ tại LienVietPostBank). Danh sách HĐQT dự kiến này không có Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng và Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh. Ông Hưởng không tham gia vì lý do sức khỏe, còn ông Huynh vì tuổi đã cao và sức khỏe yếu nên cũng xin rút lui.

Được biết, bà Dương Hoài Liên là ứng viên trẻ nhất dự kiến bầu vào HĐQT và không nắm chức vụ nào tại LienVietPostBank. Bà Liên đã có thời gian dài công tác tại Ngân hàng Sacombank với khởi đầu từ năm 2005 khi còn là cán bộ tín dụng. Sau khi qua nhiều vị trí, từ 2015 đến nay bà Dương Hoài Liên đang là Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh 8/3 Hà Nội.  

Số lượng nhân sự dự kiến bầu vào Ban kiểm soát là 3 thành viên, gồm có ông Trần Thanh Tùng, ông Phùng Thế Việt, bà Nguyễn Thị Lan Anh.

Tâm tư của Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng về tin đồn bán hết cổ phần

Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ, LienVietPostBank bước vào tuổi lên 10, nhưng đã trúng đến 7 năm sóng gió do khủng hoảng toàn cầu liên quan đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các cổ đông đã đầu tư trong 10 năm thì mức sinh lời thu về là 104%. Bên cạnh đó, “10 năm tuy ngắn ngủi nhưng LienVietPostBank đã có thương hiệu, “hiệu được thương” trong lòng dân chúng”, ông Hưởng nói.

Qua một thập kỷ, hoạt động của Ngân hàng xoay quanh 4 trụ cột chính: tổng tài sản, nguồn nhân lực, công nghệ hóa và quản trị điều hành. Ông Hưởng cho biết, nếu LienVietPostBank làm được 100 đồng thì 30 đồng cho con người, 50 đồng kinh doanh, 20 đồng cho hạ tầng.

Sau khi ông Dương Công Minh về đầu quân cho Sacombank hồi giữa tháng 6/2017, ông Nguyễn Đức Hưởng đã thay ông Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Tuy nhiên, cận Tết Nguyên Đán 2018, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết đã đưa ra quyết định về điểm dừng của mình: Chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank để tập trung cho sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp. Được biết, ông Hưởng đã bị bệnh cách đây 5-6 tháng.

Ông trải lòng với các cổ đông, “Sau khi tôi bị bệnh thì đâu đó có tin đồn, ông Hưởng bán hết cổ phần và nghỉ luôn để qua ngân hàng khác. Nói như vậy là không hiểu tôi. Mặc dù không giữ chức Chủ tịch nữa, nhưng tôi vẫn còn nắm giữ cổ phiếu của LienVietPostBank và nắm giữ thông qua người thân của mình”.

Ông Hưởng khẳng định, giá cổ phiếu LPB hiện nay đang thấp và đang có tiềm năng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua với giá ba chấm. Giá cổ phiếu trên thị trường có thể trồi sụt nhưng giá xuống thì ông sẽ mua.

Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng đã ủy quyền toàn bộ số cố phần của mình cho người khác, nhưng vẫn cố gắng tham dự đại hội vì nghĩ đến các cổ đông LienVietPostBank.

Kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn, “lùi một bước tiến ba bước”

Nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, HĐQT LienVietPostBank đã trình và được các cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 7,500 tỷ lên 10,369 tỷ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 286.9 triệu cp. Trong đó, 2,000 tỷ đồng phát hành cho cổ đông hiện hữu và 5% cổ tức còn lại của năm 2017 chia bằng cổ phiếu sau khi được chấp thuận của NHNN.

Được biết, trong năm 2017, LienVietPostBank không phát hành được 2,000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Sau khi xem xét tình hình thực tế, đã thay đổi phương án tăng vốn thông qua việc phát hành hơn 2,800 tỷ đồng nói trên.

Riêng trong năm 2018, LienVietPostBank sẽ tiến hành đợt 1 và đợt 2 của phương án tăng vốn, dự kiến tăng lên 9,875 tỷ đồng. Đợt còn lại sẽ phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ tối đa 5%, tăng vốn thêm khoảng 494 tỷ đồng lên 10,369 tỷ đồng, thời gian dự kiến tiến hành vào đầu năm 2019.

Ngoài ra, Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết cũng đang định hướng kế hoạch tăng vốn dài hạn trong 5-10 năm tới.

Cùng với tăng vốn điều lệ, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 1,800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm nay đưa ra ở mức khiêm tốn, tuy nhiên “lùi một bước, tiến ba bước”. Nguyên nhân là bởi, dự kiến hết năm 2019, LienVietPostBank có kế hoạch mở và phủ kín các phòng giao dịch ở tất cả 713 huyện, thị xã của cả nước nhằm tăng cường bán lẻ, kéo theo đó là chi phí về mạng lưới, nhân sự nên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Bên cạnh đó, theo giải trình của Ban lãnh đạo, vì phải tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2018 không thấp hơn 12%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2018

Tổng tài sản của Ngân hàng mục tiêu đến cuối năm 2018 ước đạt 190,000 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 và dư nợ thị trường dự kiến lần lượt đạt 170,000 tỷ đồng và 123,500 tỷ đồng, tăng khoảng 20-25% so với thời điểm cuối năm 2017.

Về con số dư nợ thị trường 1 kế hoạch, hiện tại NHNN đang cho LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng là 14%, tức tổng dư nợ được tăng lên là 117,558 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT Ngân hàng đặt mục tiêu tổng dư nợ thị trường 1 đến cuối năm 2018 là 123,500 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng khoảng 20%) và xin NHNN nới room tại thời điểm thích hợp.

Mặc dù mở rộng lớn nhưng ông Sơn cho biết phí không tốn nhiền, đầu tư một phòng giao dịch trung bình chỉ mất 600 triệu đồng và các phòng giao dịch này đặt tại bưu điện.

Dự kiến trong năm 2018, LienVietPostBank sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động 3 chi nhánh và nâng cấp 158 phòng giao dịch Bưu điện nâng tổng số điểm giao dịch lên gần 400 điểm. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đang trình cơ quan quản lý cấp phép mở mới 5 chi nhánh và nâng cấp 250 phòng giao dịch Bưu điện, đảm bảo phủ hết cấp huyện trong năm 2019.

Ngoài việc tăng vốn, LienVietPostBank cũng nghiên cứu phương án kết hợp với tái cơ cấu cổ đông, trong đó có đối tác nước ngoài; hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A); tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của NHNN.

* Thảo luận

Không cho vay đầu tư sân golf Him Lam

Hoạt động bán bảo hiểm đóng góp bao nhiêu vào doanh thu của Ngân hàng?

Năm vừa qua, LienVietPostBank hợp tác độc quyền với Bảo hiểm Dai-Ichi, phân phối trên kênh bưu điện. Trong 2017, thu phí mảng bảo hiểm của Ngân hàng ở mức hạn chế vì liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, bảo hiểm là một trong những hoạt động tăng nguồn thu rất tốt cho Ngân hàng. Riêng trong năm 2017, thu phí bảo hiểm đạt 26 tỷ, kỳ vọng năm nay đạt 80 tỷ đồng.

Khi nào Ngân hàng sẽ lên sàn?

Tháng 10/2017 vừa rồi, LienVietPostBank lên sàn UPCoM và cũng là ngân hàng có tuổi đời trẻ nhất tại UPCoM. Mục tiêu nếu lên sàn thì phải tạo giá trị lớn nhất cho cổ đông và Ngân hàng. Ban lãnh đạo sẽ bàn bạc về vấn đề này và trước năm 2020 sẽ lên sàn.

LienVietPostBank có độ phủ lớn nhưng kinh doanh như vậy là chưa hiệu quả?

Mở rộng mạng lưới mà hiệu quả vẫn đạt như vừa rồi vẫn là cao nhất trong 10 năm hoạt động của Ngân hàng. Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến và hoạt động hiệu quả hơn

Ngân hàng đầu tư vào mắc ca có hiệu quả không, có nợ xấu gì không?

LienVietPostBank đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để hiện thực hóa việc cho vay trồng mắc ca (quy hoạch về giống, về sản phẩm, về đất đai,…). Với mắc ca, Ngân hàng chỉ cho vay vài chục tỷ đồng, không có nhiều.

LienVietPostBank có cho vay đầu tư sân golf Him Lam không, nếu NHNN thu hồi sân golf thì có ảnh hưởng gì đến Ngân hàng không?

Chúng tôi không cho vay sân golf, ngày xưa có nhưng chúng tôi đã tất toán xong.

Khi nào mở room cho nước ngoài?

Ngân hàng chỉ mở room ngoại 5% và chúng tôi giữ mức room này. Chiến lược sẽ thay đổi tùy tình hình cụ thể, tuy nhiên chúng tôi sẽ ưu tiên cổ đông trong nước, cổ đông chiến lược.

Kết quả kinh doanh quý 1/2018?

Lợi nhuận trước thuế quý 1/2018 đã trích hết các khoản thì đạt hơn 500 tỷ đồng. Do vậy, kế hoạch cả năm đạt 1,800 tỷ đồng là con số an toàn.

 

 Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Vietcombank: Đã thu hồi được số tiền lớn trong vụ thất thoát 1,440 tỷ tại chi nhánh Tây Đô (28/03/2018)

>   Ngân hàng KEB Hana chi nhánh Hồ Chí Minh được tăng vốn lên 70 triệu USD (28/03/2018)

>   ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB: "Phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải xử lý" (28/03/2018)

>   Xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng gần 100 triệu cổ phiếu VPBank trị giá hơn 6,400 tỷ đồng (28/03/2018)

>   Xử ông Đinh La Thăng: Ngân hàng Nhà nước gửi công văn hỏa tốc tới tòa (28/03/2018)

>   Không ai đăng ký mua đấu giá, SCIC chuyển sang bán thỏa thuận 2.4 triệu cp MaritimeBank (28/03/2018)

>   Cựu giám đốc Vietcombank Tây Đô cùng thuộc cấp gây thất thoát 1.440 tỉ đồng (27/03/2018)

>   MB hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2017, chuyển dịch mạnh mẽ theo Chiến lược phát triển 2017 – 2021 (27/03/2018)

>   Phái đẹp vẫn ưa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng (27/03/2018)

>   Ngân hàng OCB: Kế hoạch lãi 2018 gấp đôi năm trước, sẽ lên HOSE và lập công ty tài chính (27/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật