Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB: "Phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải xử lý"
Ông Võ Tấn Hoàng Văn – Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết sau khi được chấp thuận sẽ chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng với tổng khối lượng 60 triệu cp từ nguồn lợi nhuận giữ lại (hơn 600 tỷ đồng) trong năm 2018. Đại diện NHNN cho biết SCB đã giải quyết được nhiều vấn đề nhưng mới chỉ bước đầu và phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải xử lý.
Sáng ngày 28/03/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Tại đại hội, một cổ đông từng làm gần 40 năm trong ngành ngân hàng cho biết từ giai đoạn 2013-2017, tổng tài sản của SCB đã tăng mạnh và hiện đứng thứ 5 trong hệ thống các ngân hàng nhưng tại sao lại có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng của Ngân hàng, số lớn lãi dự thu phải thoái và không thu được là do đâu, và nhiều năm cổ đông không có cổ tức? Về xử lý nợ xấu, trái phiếu VAMC tại SCB 25,000 tỷ, mỗi năm phải trích lập 20% vào chi phí, trong khi đó vấn đề xử lý nợ của SCB chưa đưa ra được giải pháp nào. Cổ đông cho rằng giải quyết được những vấn đề này mới có thể hoàn nhập dự phòng, mang lại lợi ích cho cổ đông và nhân viên Ngân hàng.
Giải thích với các cổ đông về vấn đề cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết lợi nhuận để lại của SCB tính đến cuối năm 2017 là hơn 600 tỷ đồng, HĐQT xin cổ đông chuyển 600 tỷ này sang cổ phiếu trong năm 2018. Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và các cơ quan chức năng chấp thuận thì trong năm 2018 cổ đông SCB sẽ được chia cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn thông tin thêm về tình hình trích lập dự phòng của Ngân hàng đến cuối 2017 là gần 6,500 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% vốn điều lệ của SCB. Sau khi bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã trích lập này SCB sẽ được hoàn nhập dự phòng và khả năng thu hồi là gần như 100%.
Về ý kiến định vị lại phân khúc bán hàng, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết hiện SCB có khoảng 700,000-800,000 khách hàng, phần lớn trong đó là khách hàng có giao dịch thực. Định hướng của SCB sẽ nâng số lượng khách hàng lên đến 2020 là 2 triệu khách hàng. Đồng thời SCB cũng đã có thay đổi về nhân sự, phát triển công nghệ thông tin, ngân hàng số (digital banking) từ đầu 2017 và đến 2018 sẽ có thu hoạch từ những khoản đã đầu tư này.
Kế hoạch lãi trước thuế 224 tỷ trong 2018
SCB đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 đạt khoảng 224 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 37% so với thực hiện năm 2017. Trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng SCB đạt là 180 tỷ đồng. Tổng tài sản mục tiêu của Ngân hàng ước đạt hơn 487 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 9.7%. Cho vay khách hàng và huy động thị trường 1 lần lượt đạt 311 ngàn tỷ và 418 ngàn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 18% so với đầu năm.
Ban lãnh đạo SCB cho biết, kế hoạch kinh doanh 2018 được bám sát theo kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019 của SCB. Ngân hàng cũng đang điều chỉnh, xây dựng bổ sung đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 và trình NHNN. Đối với chính sách chi trả cổ tức, SCB sẽ thực hiện theo chỉ đạo của NHNN trong từng thời kỳ.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết năm 2018, Ngân hàng đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi, ước tính thu nhập thuần từ dịch vụ đạt 650 tỷ đồng (tính riêng SCB). Dự kiến thu nợ quá hạn, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC trong năm 2018 khoảng 4,300 tỷ đồng.
SCB dự kiến sẽ gia tăng việc khai thác và bán chéo sản phẩm cho khách hàng nhằm hướng đến việc nâng số lượng sản phẩm dịch vụ mà mỗi khách hàng cá nhân sử dụng lên 3 sản phẩm. Ước tính thu nhập dịch vụ cơ bản hàng năm mỗi khách hàng mang lại cho SCB đạt 400,000 đồng/khách hàng.
Về kết quả kinh doanh năm 2017, lợi nhuận trước thuế của SCB đạt 164 tỷ đồng (lợi nhuận trước dự phòng 1,054 tỷ, chi phí dự phòng chiếm 890 tỷ đồng), tương đương 96% kế hoạch năm. Ban lãnh đạo Ngân hàng cho biết mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu là do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu) và SCB phải tập trung nguồn lực để trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng trái phiếu VAMC theo đúng quy định. Tổng chi phí trích lập dự phòng trong năm 2017 của Ngân hàng là 890 tỷ đồng, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu là 123 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC tại SCB là 23,849 tỷ đồng (Ngân hàng đã thoái thu để hỗ trợ công tác xử lý nợ là 1,082 tỷ đồng). Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn trong năm 2017. Nói thêm về vấn đề chi phí hoạt động của SCB 2017 rất cao, ông Võ Tấn Hoàng Văn giải thích do trong năm đã tăng cường tuyển dụng nhân sự, đầu tư vào công nghệ thông tin.
Sẽ phát hành 60 triệu cp chia cổ tức và cổ phiếu thưởng
SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ theo phương án đã trình NHNN. Theo đó, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 1,705 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn từ quỹ dự trữ và lợi nhuận giữ lại khoảng 600 tỷ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 60 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng). Như vậy, tổng mức vốn điều lệ SCB dự kiến tăng thêm trong năm 2018 là 2,305 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ cuối năm 2018 lên gần 16,600 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết sẽ xây dựng phương án và thực hiện các thủ tục trình ĐHĐCĐ và NHNN thông qua trước khi tăng vốn chính thức.
Riêng việc tăng vốn thêm 1,705 tỷ đồng nhằm nâng vốn điều lệ lên mức 16,000 tỷ đồng (đã được HĐQT thông qua vào tháng 11/2017) dự kiến sẽ được thực hiện trong quý 2/2018, sau khi được các Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Đến cuối năm 2019, Ngân hàng xác định sẽ hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 18,000 tỷ đồng.
Về nhân sự, ĐHĐCĐ SCB cũng đã thống nhất bầu ông Nguyễn Văn Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc SCB vào HĐQT thay thế bà Nguyễn Thị Phương Loan (vì lý do sức khỏe, bà Nguyễn Thị Phương Loan xin từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022).
Theo thông tin từ SCB, ông Nguyễn Văn Thanh Hải (sinh ngày 11/08/1966, tại Long An) là cử nhân Kinh tế ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Ngân hàng. Ông Hải tham gia vào SCB từ 2005 và giai đoạn 2011 đến nay là Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng.
Như vậy, danh sách thành viên HĐQT SCB nhiệm kỳ 2017-2022 hiện gồm:
- Ông Đinh Văn Thành
- Ông Henry Sun Ka Ziang
- Ông Tạ Chiêu Trung
- Ông Võ Tấn Hoàng Văn
- Ông Chiêm Minh Dũng
- Ông Nguyễn Tiến Thành
- Ông Nguyễn Văn Thanh Hải
NHNN: SCB mới qua bước đầu, phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải xử lý
Ông Nguyễn Văn Dũng đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu tại ĐHĐCĐ SCB. Về vấn đề chia cổ tức, ông Dũng chia sẻ cũng đã nói nhiều năm qua ở các kỳ đại hội trước. Theo định hướng của NHNN, tổ chức tín dụng được phép chia cổ tức cho cổ đông khi đáp ứng các điều kiện về trích lập dự phòng tín dụng, xác định và thoái khoản lãi dự thu không đúng, khuyến khích ngân hàng tăng vốn… Hiện tính an toàn trong vấn đề nợ xấu của SCB đã cao hơn khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên 6,500 tỷ đồng. Phương án tăng vốn của SCB cũng là hình thức chia cổ tức gián tiếp. Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua, SCB cần lập tờ trình gửi lên NHNN chờ phê duyệt. Ông Dũng cho rằng phương án tăng vốn của SCB là hợp tình hợp lý và NHNN sẽ xem xét trường hợp của SCB khi có tờ trình.
Về kết quả tăng trưởng của SCB đối với cho vay, huy động… trong năm 2017 là khả quan, phù hợp định hướng 2017 của NHNN. SCB đã xử lý được lượng lớn nợ xấu, hiện tỷ lệ nợ xấu của SCB giảm về dưới 1%, thu gần 1,400 tỷ nợ đã bán cho VAMC… Theo ông Dũng, mặc dù đã giải quyết được nhiều vấn đề về nợ xấu, tài sản không sinh lời, lãi dự thu… nhưng kết quả của SCB chỉ mới ở mức độ ban đầu và phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải xử lý, đặc biệt là còn hơn 2 năm cho giai đoạn đến 2019.
Về định hướng 2018, ông Dũng cho biết Ngân hàng SCB đã xây dựng các chỉ tiêu là phù hợp mục tiêu NHNN đề ra tại hội nghị triển khai ngành. Vấn đề quan trọng là việc quản lý các mục tiêu của SCB như thế nào trong bối cảnh đầu tư chứng khoán bắt đầu có rủi ro, cho vay bất động sản và tiêu dùng đã siết chặt hơn.
Ông Dũng cho biết SCB cần lưu ý trong 2018 để hài hòa vấn đề lợi nhuận và trích lập dự phòng… Mặc dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm triển khai nhưng SCB cũng cần hoàn tất thủ tục cho Basel II với 3 trụ cột quan trọng về năng lực tài chính vốn, quản trị rủi ro, thông tin minh bạch.
Minh Hằng
Fili
|