Hãng hàng không giá rẻ AirAsia cân nhắc phát hành tiền ảo riêng
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia đang cân nhắc về ý tưởng thực hiện một đợt chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Nếu triển khai thành công ICO thì AirAsia sẽ trở thành một trong những công ty có uy tín nhất ở Đông Nam Á bước chân vào thị trường tiền mật mã.
Tuần trước, CEO của AirAsia, Tony Fernandes, nói với tạp chí TechCrunch rằng chương trình khách hàng thân thiết BIG (Big Points loyalty program) của AirAsia có thể dễ dàng chuyển sang Blockchain, mặc dù ông vẫn chưa biết Công ty muốn huy động bao nhiêu vốn.
“Chúng ta có một sản phẩm, đó có khả năng là một đồng tiền trong chương trình khách hàng thân thiết BIG, và chúng tôi cũng đang xây dựng một nền tảng thanh toán. Việc kết hợp hai sản phẩm này với nhau có thể là ý tưởng hay. Chúng tôi có một hệ sinh thái cho phép bạn sử dụng đồng tiền đó, sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi có một đồng tiền mà không thể sử dụng được”, ông nói thêm.
Nếu ý tưởng trên thành sự thực thì AirAsia sẽ là hãng hàng không đầu tiên phát hành tiền ảo của chính mình.
Ông Fernandes, một trong 50 người giàu nhất ở Malaysia trong năm 2018 với tổng tài sản 745 triệu USD, dự định tiến tới với ý tưởng “phi tiền mặt” sau khi xem xét tới việc nhiều cư dân ở khu vực Đông Nam Á làm việc ở nước ngoài và muốn chuyển tiền về quê nhà thông qua kiều hối. Bên cạnh đó, AirAsia còn định mở thêm hãng hàng không mới ở Myanmar và Việt Nam trong tương lai, cũng như cung cấp các khoản vay nhỏ cho khách hàng, ông Fernandes nói với hãng tin CNBC.
Được biết, hãng hàng không giá rẻ này dự định tung ra công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở bàn check-in tại Sân bay Quốc tế Senai ở Johor Bahru trong năm 2018.
Trong năm 2017, một hãng hàng không nổi tiếng khác là Lufthansa đã công bố về mối quan hệ đối tác với Winding Tree – một start-up sử dụng công nghệ Blockchain để tối thiểu hóa các trung gian trong quá trình đặt chuyến bay theo kiểu B2B. Đợt ICO tháng 2/2018 của Winding Tree đã vượt qua mục tiêu huy động vốn 10 triệu USD chỉ trong 6 ngày đầu tiên.
Các quốc gia Đông Nam Á thể hiện các quan điểm trái chiều về tiền kỹ thuật số. Singapore bỗng trở thành một trung tâm ICO, với 3.3 tỷ USD được huy động thông qua 200 đợt ICO khác nhau trong năm 2017, dựa trên một nghiên cứu của Funderbeam – cổng thông tin đầu tư tập trung vào Blockchain. Trong khi đó, các quốc gia như Indonesia và Campuchia đã chặn hoặc cấm tiền ảo và Blockchain, mặc dù nhà đầu tư vẫn đang khai thác tiềm năng của chúng một cách bí mật.
Vũ Hạo (Theo Forbes)
FiLi
|