Giá cá tra bất ngờ tăng kỷ lục, thương lái đến tận ao lùng mua
Thiếu con giống, “khát” cá nguyên liệu chế biến trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng đã đẩy giá cá tra ở ĐBSCL tăng cao chưa từng có. Hiện các doanh nghiệp đang lùng sục các vùng nuôi tìm mua cá nhưng vẫn không có đủ hàng.
Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm mua cá
Hiện nay, nhiều người dân ở ĐBSCL rất phấn khởi vì giá cá tra tăng cao kỷ lục, có nơi lên đến 32.000 đồng/kg. “Cá tra nguyên liệu có trọng lượng khoảng 2kg/con có giá 30.000 - 32.000 đồng/kg, còn cá từ 1kg/con trở xuống có giá thấp hơn, từ 29.000 - 30.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết.
Thu hoạch cá tra ở Hợp tác xã cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Ảnh: H.X
|
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi, thủy sản TP.Cần Thơ thông tin: Hiện nay trung tâm có vùng sản xuất giống 20ha, vừa nhập giống cá tra bố mẹ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về cho sinh sản, ương nuôi. Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 6.2018 sẽ cung ứng giống ra thị trường, năng lực sản xuất khoảng 8 triệu con giống/năm.
|
Được biết, giai đoạn 2009 - 2010, giá cá tra nguyên liệu cao nhất cũng chỉ đạt 29.000 đồng/kg. Thời gian sau đó giá cá tra giảm dần và nằm ở mức từ 17.000-25.000 đồng/kg (tùy thời điểm).
Về nguyên nhân giá tăng, người dân cho rằng do nguồn cá nguyên liệu phục vụ chế biến thấp. “Nguồn cá tra nguyên liệu đang rơi vào cảnh khan hiếm bởi trước đó không có cá giống phục vụ sản xuất nguyên liệu” – ông Nguyên cho hay.
Cũng như ông Nguyên, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin thêm, không chỉ doanh nghiệp không có vùng nuôi mà các đơn vị có vùng nuôi cũng đang bị thiếu cá tra nguyên liệu. Nguyên nhân là thời gian qua, ngành cá tra bị thiếu con giống trầm trọng.
Theo một doanh nghiệp chế biến thủy sản có trụ sở tại TP.Châu Đốc (An Giang), do nhu cầu xuất khẩu, họ cần đến 200 tấn cá tra mỗi ngày nhưng thường xuyên chịu cảnh thiếu hụt mặc dù đã tăng giá mua và không ngừng lùng sục tìm mua cá ở các vùng nuôi.
Mặt khác, theo phóng viên tìm hiểu, do nguồn cung thiếu nên đã đẩy giá cá tra giống tại ĐBSCL lên rất cao. Hiện cá giống loại 30 con/kg đang có giá khoảng 2.000 đồng/con, tương đương khoảng 60.000 đồng/kg. Tuy giá tăng nhưng việc tìm mua cá giống cũng không dễ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) lại cho hay, trong quý II.2018, giá cá giống có thể sẽ giảm do đang thời điểm thuận mùa của vụ nuôi cá giống. “Sở dĩ cá giống đang ở mức cao là vì thời điểm cuối năm 2017, việc ương nuôi cá giống bị thất thoát nhiều do thời tiết không thuận lợi. Tỷ lệ ương nuôi cá bột lên cá giống hiện đạt rất thấp, khoảng 5 - 7% và có đạt lắm cũng chỉ từ 10% trở xuống” – ông Hải nói.
Lại lo phát triển nuôi ồ ạt
Doanh nghiệp chế biến cá tra đang rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu. Ảnh: H.X
|
Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian tới đây, giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt. Dù giá cá tra đang tăng kỷ lục nhưng tình trạng phát triển nuôi cá tra ồ ạt khó xuất hiện do yêu cầu khắt khe của đơn vị thu mua, cộng với vốn đầu tư cao. Hơn nữa, ngành cá tra hiện nay trong vùng chủ đạo vẫn là vùng nuôi của các doanh nghiệp và hộ nông dân có liên kết với doanh nghiệp, còn số lượng người nuôi tự phát chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ông Quốc cho biết, hiện nay cá tra của nước ta đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới. Trước tình hình trên, việc cần làm của ngành cá tra là làm sao có giải pháp cải thiện chất lượng con giống, đầu tư công nghệ nuôi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người mua.
Doanh nghiệp chế biến cá tra đang rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu. Ảnh: H.X
|
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong năm 2017, dù thị trường có nhiều điểm không thuận lợi (thuế chống bán phá giá tăng cao, đạo luật Farm Bill tại thị trường Mỹ, truyền thông bôi nhọ ở Liên minh châu Âu) nhưng xuất khẩu cá tra vẫn đạt kim ngạch 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước, trong đó tăng trưởng mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc.
“Đầu năm 2018, lượng cá đang có dấu hiệu khan hiếm nhưng chưa thể đánh giá được nguồn nguyên liệu trong thời gian tới có khan hiếm hay không, do đó chúng ta cần thống kê, tìm hiểu lại kỹ hơn. Về xuất khẩu, riêng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng vì thị trường này đang có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn, người tiêu dùng nơi đây ngày càng biết đến cá tra của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước tính tại thị trường Trung Quốc trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 400-500 triệu USD” - ông Hòe cho hay.
HUỲNH XÂY
DÂN VIỆT
|