Bia, ô tô sẽ tăng giá vì thuế nhôm, thép của Mỹ
Mỹ là nhà nhập khẩu nhôm và thép lớn nhất thế giới, vì vậy bất kỳ động thái thuế quan nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Một nhà máy thép ở Hefei, tỉnh An Huy, Trung Quốc
Ảnh: Reuters
|
Cả nhôm và thép đều là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất ô tô, máy bay và các thiết bị gia dụng tại Mỹ. Các ngành công nghiệp khác như xây dựng, dầu khí, đồ tiện ích cũng sử dụng hai kim loại này cho đường ống, dây điện, lon đựng đồ ăn, thức uống.
Nhập khẩu chiếm khoảng một phần ba trong số 100 triệu tấn thép mà các doanh nghiệp Mỹ tiêu thụ hằng năm, trong khi đó nhôm nhập khẩu chiếm 90% trong số 5,5 triệu tấn nhôm được dùng tại đây.
Mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm được Tổng thống Donald Trump thông báo hôm 1.3 có thể sẽ khiến những mặt hàng thường được sản xuất bằng nhôm, ví dụ như lon bia, trở nên mắc hơn, trong trường hợp giả định rằng các công ty quyết định tính thêm chi phí thuế mới vào giá sản phẩm cho khách hàng. Lịch sử cho thấy đây là xu hướng thường xảy ra.
“Thuế mới sẽ làm giá nhôm tăng lên và có khả năng làm mất việc làm trong ngành công nghiệp bia. Người lao động và người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng từ mức thuế quan sai lầm này”, hãng bia đa quốc gia Molson Coors nói trong một tuyên bố.
The Beer Institute, nhóm đại diện cho ngành công nghiệp bia tại Mỹ, trích dẫn một phân tích từ John Dunham & Associates, công ty tư vấn kinh tế ở New York, cho biết mức thuế nhập khẩu 10% đối với nhôm có thể sẽ làm mất 20.300 việc làm tại các quán bar và nhà máy bia.
Tuy nhiên, những người ủng hộ thuế nhập khẩu mới lại cho rằng mức tăng giá sản phẩm kéo theo sẽ rất nhỏ vì các biện pháp thương mại sẽ thúc đẩy sản xuất thép và nhôm ở Mỹ. Họ cũng lưu ý rằng khi giá nhôm toàn cầu giảm hơn 25% cách nay vài năm, giá bia lúc đó không hề giảm.
Việc Trung Quốc bán phá giá thép là một điều không có gì phải nghi ngờ. Các chính quyền Mỹ trước đây cũng đã áp đặt các biện pháp thương mại đối với thép Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Hiện nước này vẫn đang làm ngập thị trường toàn cầu bằng thép giá rẻ, gây ảnh hưởng đến giá thép của các nước khác.
Song, câu hỏi lớn lúc này là các nước sẽ phản ứng ra sao trước thuế mới của ông Trump. Và liệu mức thuế quan này có giải quyết được tình trạng thép dư thừa và thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp Mỹ không, hay nó sẽ là phát súng mới làm bùng lên một cuộc chiến thương mại.
Không ai có thể nói chiến tranh thương mại có thể dẫn tới đâu hoặc sẽ kết thúc ở điểm nào vì nó dường như vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo CNN, cuộc chiến thương mại quy mô lớn cuối cùng đã làm đợt đại suy thoái kinh tế trong những năm 1930 trở nên tồi tệ hơn.
Phương Anh
Thanh niên
|