Áp thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu: Doanh nghiệp nội lấy lại thị phần?
Sau khi có những kết luận điều tra cuối cùng về mức độ kìm hãm và ảnh hưởng đến sự phát triển đối với nền sản xuất trong nước của 2 loại phân bón nhập khẩu DAP và MAP, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Liệu các nhà sản xuất phân bón trong nước có tận dụng được cơ hội?
|
Kìm hãm sản xuất trong nước
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, từ khoảng đầu năm 2017, bộ phận phòng vệ thương mại đã nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước đối với phân bón nhập khẩu. Cục đã căn cứ vào các quy định của WTO và Pháp lệnh Tự vệ, vào tháng 5/2017 Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu và tiến hành điều tra sơ bộ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Sau 3 tháng điều tra, trên cơ sở Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành tiếp một quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19/8/2017-06/3/2018.
Mới đây, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, kết luận điều tra cuối cùng cho thấy lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng mạnh trong giai đoạn điều tra, khi số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 83,6% thị phần, đứng thứ 2 là Hàn Quốc, chỉ chiếm 5,37%.
Các số liệu khác cũng cho thấy, phân bón nhập khẩu đang kìm hãm mạnh sự phát triển của các nhà sản xuất phân bón trong nước. Cụ thể, năm 2016, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,59% (từ 1,2 triệu tấn xuống 1,1 triệu tấn) thì lượng sản xuất của các nhà sản xuất trong nước giảm đến 46,63%. Xem xét thêm về tác động giá cả cho thấy, trong giai đoạn 2013-2015 giá bán phân bón nhập khẩu luôn ổn định, tuy nhiên, năm 2016 giá bán phân bón nhập khẩu lại giảm 17,11% trong khi chi phí nhập khẩu tăng thêm 30%.
Số liệu điều tra cũng cho thấy, trong năm 2017 lượng nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng, kể cả sau ngày 19/8/2017 khi phân bón bị áp dụng mức thuế tự vệ hơn 1,8 triệu/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 VND/tấn.
Áp thuế tự vệ trong 2 năm
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại khẳng định, trong vụ việc này, mọi chỉ số về thiệt hại đều rõ ràng, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Vị này cũng khẳng định, quá trình điều tra cho thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức ở mức 1.855.790 VND/tấn, bằng với mức thuế đang áp dụng tạm thời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước chỉ đáp ứng tối đa được khoảng 52% nhu cầu phân bón, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức là 1.128.531 VND/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam.
Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm, nhưng theo tính toán của Bộ NN và PTNT thì tối đa sẽ không quá 0,72%. Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.
Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phát triển các ngành sản xuất này.
“Trong trường hợp không có ngành sản xuất trong nước như thời kỳ trước năm 2009, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên mức rất cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Do đó, áp dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp này là cần thiết vì nếu không áp dụng biện pháp này, các nhà máy trong nước sẽ bị giải thể, đóng cửa. Về lâu dài, nếu chỉ còn hàng hóa nhập khẩu, chính người nông dân, các doanh nghiệp sử dụng phân bón là nguồn đầu vào sẽ bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà sản xuất phân bón nội có tận dụng được cơ hội này để chiếm đáng kể thị phần trong nước”, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam đặt vấn đề.
Nhật Thu
PHÁP LUẬT VN
|