Ký kết CPTPP: Chứng khoán vẫn phải trông vào tiềm lực doanh nghiệp
Không có sự góp mặt của Mỹ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào ngày 8/3 vẫn sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, tác động này chắc chắn sẽ yếu hơn so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc khối phân tích của Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVS), đưa ra nhận định về tác động của CPTPP tới thị trường chứng khoán như sau:
Thứ nhất, nhóm ngành xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi thuế quan được cắt giảm sau khi ký kết CPTPP. Nổi trội là các nhóm ngành thủy hải sản, may mặc, da giày, lắp ráp đồ điện tử… Đây là những nhóm ngành lợi thế của Việt Nam, đồng thời, việc ký kết CPTPP sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thúc đẩy tiềm năng doanh nghiệp.
Kế đến, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Logistic cũng sẽ hưởng nhiều lợi thế từ hiệp định này. Việc tăng cường tự do thương mại sẽ thúc đẩy hoạt động vận chuyển giữa các nước trong nhóm. Điển hình, hoạt động hàng hải được tiếp đà khi thương mại giữa các nước gia tăng. Tương tự, hàng không cũng sẽ là nhóm ngành hưởng lợi từ việc ký kết hiệp định này.
Một tác động gián tiếp khác của CPTPP, sau ký kết, là khả năng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn, dẫn tới việc xây mới hoặc thuê các khu công nghiệp để phục vụ sản xuất. Nhờ sự vận động này, nhóm doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng sẽ có đà phát triển trong trung và dài hạn.
Nhóm ngành xuất khẩu và Logistic sẽ hưởng lợi từ CPTPP.
|
Bên cạnh cơ hội mang lại, CPTPP cũng có thách thức đối với một số nhóm ngành nhất định, chủ yếu là các nhóm ngành phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa với kim ngạch nhập khẩu lớn từ các nước tham gia hiệp định. Nhóm ngành đồ gia dụng, ngũ cốc… là một trong những nhóm ngành sẽ chịu cạnh tranh mạnh.
Ông Nguyễn Kim Chi, Giám đốc chi nhánh Phạm Ngọc Thạch CTCK KIS Việt Nam, cũng đưa ra những nhận định tương tự về tác động của CPTPP tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông Chi bổ sung thêm rằng những nhóm ngành hứng làn gió cơ hội và những nhóm ngành đón nhận thách thức từ CPTPP hiện tại đều là những nhóm ngành chiếm tỷ trọng không quá lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các ngành đang dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nhìn chung sẽ không chịu tác động nhiều. Do đó, ông Chi cho rằng toàn thị trường sẽ vận động tích cực sau khi CPTPP được ký kết, tuy nhiên trong ngắn hạn sẽ không phải là một cú nhảy vọt.
Theo ông Bình, tác động của CPTPP đã được thể hiện phần nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi giá cổ phiếu của các mã thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ hiệp định này như may mặc, thủy sản… diễn biến tích cực trong thời gian qua, sau khi thông tin ký kết CPTPP và khả năng Mỹ sẽ quay lại được tung ra. Những diễn biến này sẽ tiếp tục tích cực khi CPTPP được chính thức ký kết. Sau thời gian diễn biến tích cực, thị trường sẽ có những nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư nên theo dõi để chốt lời đối với các mã thuộc nhóm ngành đã tăng trưởng nóng nhờ CPTPP; xét trong trung và dài hạn, nên theo dõi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp để đánh giá mức độ tăng trưởng. Nhìn chung, nhóm ngành hưởng lợi từ CPTPP vẫn sẽ nhận dư địa tăng trưởng từ CPTPP.
Với những điều khoản được thỏa thuận, CPTPP đưa đến một môi trường kinh doanh với nhiều cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp sẽ phải tìm cách tận dụng để có thể phát triển mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, diễn biến này không thể xảy ra trong ngày một ngày hai. Do vậy, bên cạnh những diễn biến ngắn hạn trước và ngay sau ký kết CPTPP, có thể thấy rằng tác động tích cực mà CPTPP đem tới thị trường chứng khoán phần nhiều là trong dài hạn và phụ thuộc vào tiềm lực của doanh nghiệp trên thị trường.
* Hôm nay ký kết hiệp định 'TPP không có Mỹ'
Chí Kiên
FILI
|